‘Dân chơi’ mê đua xe mô hình

Tấn Đạt
Tấn Đạt
06/07/2020 16:03 GMT+7

Những ‘dân chơi’ mê tốc độ sẵn sàng đầu tư vài chục triệu đồng cho 1 xe đua mô hình điều khiển từ xa, miễn sao xe phải xịn…

Cầm trên tay máy điều khiển, còn chiếc xe “ô tô” thì ôm trong người, Võ Thanh Hải (11 tuổi), ngụ Q.5, TP.HCM, thể hiện gương mặt buồn rười rượi vì tiếc nuối không được vào vòng chung kết trong một cuộc thi đua xe mô hình đã diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM, vào những ngày cuối tháng 6.

‘Cứng tay lái’ mới đủ can đảm đi thi

“Mỗi lần đua xong phải đi bảo trì cho chiếc xe vì chạy nhiều giờ cũng “bào mòn” máy dữ lắm rồi. Xe em là loại buggy chạy xăng nên cần chăm sóc cẩn thận hơn loại xe chạy bằng pin. Dòng chạy bằng xăng này ưu điểm là tốc độ cao và khả năng bám đường tốt, có thể vượt địa hình nên được nhiều người chuộng”, Thanh Hải mở lời với chúng tôi.

Một trận đua xe mô hình tại nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) trong tháng 6.2020

Hải đã tập tành chơi xe mô hình điều khiển từ 3 năm về trước trong lần tình cờ đi xem một giải thi đấu cùng với ba mình ở tỉnh Long An. Tuy là tuổi nhỏ nhưng khi chúng tôi hỏi về thú vui chơi xe đua mô hình điều khiển từ xa thì Hải đều biết rõ.
“Hồi đó ngồi trên khán đài xem mọi người thi đấu thấy thích lắm. Từ cách họ cầm chiếc máy điều khiển đến tiếng “nẹt” pô phát ra từ mấy chiếc xe rồi nhả một làn khói trắng và lao vút qua mặt mình để lại ra mùi của nhiên liệu xăng lan tỏa khắp khán đài. Hiện tại em có 4 chiếc ở nhà, 2 chiếc dùng để chạy sân đất, hai chiếc chiếc chạy đường nhựa”, Hải nói.
Võ Thanh Hải còn chia sẻ phải mất gần 3 năm luyện thì mới “cứng tay lái” đủ can đảm đi thi ở các giải thi đấu trong và ngoài nước.

Võ Thanh Hải cho biết hiện tại khó khăn lớn nhất là chưa có nhiều sân chơi. Cuối tuần phải nhờ ba chở xuống tỉnh Long An để “luyện” tay

Tất Đạt

“Những ngày đầu tập em cảm thấy khá chán nản vì không thể điều khiển được “vô lăng” nhưng dần dần mới cảm nhận được tốc độ của chiếc xe từ thiết bị điều khiển từ xa. Dù trọng lượng chỉ từ 2 đến 3 kg nhưng vận tốc trung bình của xe khoảng 80 km/ giờ, với những chiếc xe “có đầu tư” nó có thể lên tới 120 km/ giờ”, Thanh Hải nói.
“Chơi xe này thì khá tốn kém vì để sở hữu được một chiếc thì trong tay phải từ 20 triệu đồng trở lên, chưa kể đến phải mua thêm phụ tùng, phụ kiện. Qua một giải thi đấu phải tốn trên dưới 10 triệu đồng để trả chi phí thay bánh xe, xăng, bảo trì…”, Hải nói.

Chật vật trong kinh doanh

Anh David Lim (37 tuổi), hiện đang kinh doanh xe mô hình điều khiển từ xa ở đường số 9, Q.Bình Chánh, TP.HCM cũng phải thừa nhận muốn chơi xe này đầu tiên phải có kinh tế khá giả. Vì hiện tại giá cho một xe thấp nhất là 20 triệu đồng, dòng xe xịn cũng lên đến 60 triệu đồng.
Anh David Lim còn cho hay không chỉ chiếc xe, từ những phụ tùng nhỏ trên xe đều phải nhập từ nước khác về. Để được một chiếc xe hoàn chỉnh cần phải mua thêm rất nhiều phụ kiện, phụ tùng khác như bánh xe, phanh, khung sươn… Đồng thời còn phải bỏ ra ít nhất 3 triệu đồng để mua thêm các bộ đồ nghề sửa chữa xe. Nếu không may, trong quá trình đua xe xảy ra tại nạn thì cần phải dành ra số tiền không hề nhỏ để sửa chữa.

Anh David Lim cho biết người chơi các loại xe mô hình điều khiển hiện chưa phổ biến

Tấn Đạt

“Tại đường đua, nhẹ có thể “sứt đầu mẻ trán” bị vỡ vỏ nhựa bao bộc bên ngoài do đâm phải chướng ngại vật hoặc xe của đối thủ, nặng thì có thể bị xe máy hoặc ô tô trên đường cán phải”, anh David Lim nói.
Anh David Lim chia sẻ: “Hiện nay trên mạng có ít video hướng dẫn học và sửa các loại xe RC nên mấy anh em là “dân chơi” phải chỉ dẫn qua lại với nhau. Ngoài việc đầu tư tiền bạc và đam mê thì để chơi xe RC bạn cần phải có một số kiến thức cơ bản về điện, điện tử và cơ khí để có thể sửa chữa những lỗi đơn giản có thể xảy ra trong quá trình chơi xe”, anh David Lim nói.
Anh David Lim cho hay ở Việt Nam bộ môn này chưa được biết rộng rãi, người chơi khá là ít do đó việc kinh doanh rất chật vật.
“Mình tiếp xúc cũng như kinh doanh xe đua mô hình đã gần 13 năm nhưng mục đích chỉ giữ đam mê thôi vì trong việc kinh doanh phải dành ra chi phí đầu tư rất nhiều, mà thu lại không có bao nhiêu. Không những thế, sân chơi gọi là “đúng chuẩn” thì chỉ có 2 điểm (ở Hà Nội, Long An). Theo mình được biết, để xây một đường đua đất thì phải đầu tư rất nhiều chi phí, rồi bảo dưỡng, chăm sóc mà người chơi không nhiều, do đó dễ lâm vào cảnh…bể nợ”, anh David Lim chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.