Cười cợt chụp ảnh tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ: Người trẻ phẫn nộ

10/04/2019 13:49 GMT+7

Những hình ảnh nhiều người chen chúc chụp hình cùng nghệ sĩ, vô tư cười cợt rồi livestream lên YouTube tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, được các trang mạng và người trẻ chia sẻ với những dòng trạng thái vô cùng bức xúc.

Tại một diễn đàn trên mạng, một thành viên bức xúc về cảnh vô tư cười cợt rồi livestream lên YouTube tại đám tang nghệ sĩ hài Anh Vũ, viết: “Từ bao giờ xã hội này lạ dữ vậy? Không thương tiếc thì im lặng đi qua... Riết rồi thấy người lớn không bằng một đứa con nít. Hôm trước đi học thấy xe tang nên dừng lại cho xe qua thì có một con bé nhỏ tuổi đứng gần mình, nó dừng lại để tay lên ngực cúi đầu chào theo cái xe. Hành động đẹp vậy sao không thấy ai học hỏi? Toàn thấy học mấy cái chụp hình, quay video lên câu like trên Facebook, YouTube,…”

Vô cùng thiếu ý thức

Theo dõi qua các trang mạng mấy ngày nay, mình thấy kỳ cục hết sức và thiếu ý thức vô cùng. Mọi người đều đang trong tâm trạng rất buồn, mà không hiểu sao các bạn đó có thể vô tư hành xử như vậy chỉ để thỏa mãn tính tò mò, thỏa mãn mục đích cá nhân của mình. Lần nào cũng vậy, cứ hễ nghệ sĩ có việc gì là những người có tính hiếu kỳ đều tham gia và làm mất đi sự tôn nghiêm đáng có, mình thấy rất phản cảm. Mình mong là sau lần này những bạn trẻ ấy cần nhìn nhận lại cách cư xử của mình, kìm hãm lại tính tò mò và cả lợi ích cá nhân của mình lại.

 

Nếu không may gặp phải những trường hợp này, mình sẽ nhắc nhở mọi người và giải thích cho các bạn hiểu, mất lòng thì cũng phải chịu, nhưng sự tôn trọng tối thiểu với những người đang trong sự đau buồn là phải có và để các bạn không còn làm những hành động thiếu ý thức và vô cùng phản cảm đó nữa.

Diễn viên trẻ Gia Linh

Không còn lời để nói

Không chỉ riêng đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ, mà mình còn khá nhiều đám tang của nghệ sĩ khác đều có những tình trạng tương tự. Cười đùa rồi thấy nghệ sĩ xin chụp hình “bla bla” thế này thế kia, các kiểu. Vừa vô duyên, mất thẩm mỹ, vừa kiểu như mua vui và thỏa mãn niềm vui của riêng mình. Thật vô cùng phản cảm và không chấp nhận được. Người thân, bạn bè đồng nghiệp của nghệ sĩ đã đau lòng lắm rồi mà còn gặp những thành phần không có lịch sự và thiếu ý thức như vậy thì thật sự không còn lời gì để nói.

Dù rằng có thể các bạn quá vô tư, vui mừng khi được gặp các nghệ sĩ mà họ yêu mến mà quên mất đi là mình đang đi dự đám tang, từ những hành động vô tình thành cố ý và không thể chấp nhận được.

Hồ Hữu Quang, người mẫu tự do tại TP.HCM

Mất hình ảnh đẹp của người hâm mộ

Tâm lý của người hâm mộ khi thấy người nổi tiếng thì ai cũng muốn được chụp hình, được tiếp cận nhưng phải biết là ở đâu và trong trường hợp nào là nên và không nên. Điều này có một số lượng ít fan vẫn chưa ý thức được.

Trước đây có những đám tang của nhiều cố nghệ sĩ cũng đều xảy ra tình trạng này. Và ngày càng quá đáng hơn cho nên mình hy vọng các đơn vị truyền thông nên vào cuộc để chấn chỉnh cũng như định hướng lại ý thức của người hâm mộ, đặc biệt là những bạn trẻ, rằng hành động này không những ảnh hưởng đến mất trật tự đến nơi diễn ra tang lễ, làm đau lòng người nhà của người quá cố mà còn tạo nên những hình ảnh không đẹp về người hâm mộ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Quán quân Duyên dáng áo dài TP.HCM 2018 Bùi Thị Mai Phương

Người dùng mạng xã hội dễ dãi

Khi lướt Facebook thấy những hình ảnh phản cảm như vậy thì bản thân Quyên cảm thấy rất đau lòng, cảm thấy phẫn nộ vô cùng. Quyên thấy một số người đang thờ ơ với những mất mát, cộng với đó là mong muốn tạo nên sức ảnh hưởng trên mạng xã hội bằng cách câu like, câu share. Không chỉ đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ mà của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác cũng như vậy.

 

Theo Quyên thì có rất nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là người dùng mạng xã hội Việt Nam hiện tại quá dễ dãi, với những bài viết càng tiêu cực, liên quan đến những vấn đề bạo lực, hay những vấn nạn như trên thì được chia sẻ quá nhiều làm cho những người tạo ra những điều đó lại có thêm động lực để tiếp tục những hành động sai trái của mình. Có rất nhiều biện pháp, nhưng theo Quyên thì cộng đồng mạng là những người thổi lửa thì chỉ có họ mới dập tắt được, hãy tẩy chay những hình ảnh phản cảm đó, ngưng tiếp tay chia sẻ những hình ảnh sai trái. Từ việc không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng, cộng với việc nhận hậu quả cho hành vi mình đã gây ra sẽ phần nào giải quyết được những vấn nạn như trên.

MC Quyên Quyên

Người trẻ bây giờ sao quá hoang mang

“Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa”, câu hát mà nhạc sĩ Vũ Thành An viết trong Bài không tên số 4 khiến An vô cùng thấm thía trong hoàn cảnh này.

Việc hàng loạt người hiếu kỳ cười cợt quay hình, chụp ảnh khiến ta nhận ra con người hiện tại đang sống trong một sự hoang mang. Họ hoang mang vì không phân định được giới hạn của sự việc, mất đi sự tôn trọng căn bản buộc phải có cho người đã khuất, lẫn thân nhân. Bên cạnh đó, An còn thấy chúng ta đang hoang mang trong cách khẳng định mình và cả cách kiếm sống.

 

Trong những ngày qua, chúng ta liên tục bắt gặp không chỉ người dân mà còn cả các youtuber, những người tạo ra nội dung mạng để kiếm view, tranh thủ tìm sự chú ý từ cộng đồng để từ đó tìm lợi nhuận. Việc thu lợi nhuận từ mạng không xấu nhưng bất chấp để kiếm lợi, tạo sự chú ý thì thật tiêu cực.

Nguyễn Hoàng An, đại biểu Tàu thanh niên Đông Nam Á 2018

Phản cảm và thiếu văn hóa

Người Việt ta hay có câu nói rất hay “không ai chê đám cưới, không ai cười đám tang”, thể hiện nét đẹp của người Việt Nam trong hành vi ứng xử với những hoàn cảnh đặc biệt. Khi nhà người khác có đám tang thì đó là một nỗi đau và mất mát rất lớn, nên việc chúng ta đến chia sẻ hay đơn giản là chúng ta đi ngang qua cũng nên cúi đầu chào vĩnh biệt lần cuối, điều này thể hiện nét văn hóa cũng như là hành vi chuẩn mực trong đạo đức của người Việt.

 

Thế nhưng gần đây, trong các đám tang của người nổi tiếng xuất hiện hành vi mà chúng ta gọi là “lệch chuẩn” trong giá trị đao đức của người Việt. Đây không chỉ là những hành vi không tôn trọng, không đồng cảm và chia sẻ nỗi đau với gia đình mà còn là những hành vi thiếu lịch sự và văn minh khi mà cười cợt, gây mất trật tự và làm ảnh hưởng đến những nghệ sĩ khi họ đến chia sẻ và tiễn biệt người đã khuất.

Có nhiều lý do dẫn đến những sự việc như trên, có thể họ là những người rất hâm mộ những nghệ sĩ đến tham dự và khó có cơ hội để được gặp mặt ngoài đời thực, nên có nhu cầu được tiếp cận, được chụp ảnh. Và đây là cơ hội để họ thể hiện bản thân mình khi được chụp hình chung với người nổi tiếng để khoe điều đó lên mạng xã hội,.... Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì tôi nghĩ mỗi người cần có bản lề trong hành vi ứng xử, trong không khí mà mọi người đang có sự đau buồn và nghiêm túc thì tất cả những hành vi của các bạn phải nói là kệch cỡm và thiếu văn hóa.

Để hạn chế và loại trừ những hành vi này thì thứ nhất phải đề cập đến sự giáo dục từ gia đình và nhà trường. Từ khi còn bé chúng ta được giáo dục là khi đi qua những đám tang thì phải dừng lại, không la hét, nói chuyện cười đùa, hoặc chúng ta đứng yên và cúi đầu chào, dù đó là người thân hay người xa lạ. Hay được dạy đến đám tang thì ăn mặc như thế nào,…Tất cả chúng ta đều đã được giáo dục từ khi còn nhỏ nhưng phải được củng cố lại, cũng như việc duy trì thường xuyên để có thể tạo lập được ý thức và hành vi cho mọi người. Bên cạnh đó, cần có sự lên tiếng mạnh mẽ từ dư luận xã hội và cộng đồng để có thể loại bỏ được hành vi như thế này.

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Vi phạm luật dân sự về bảo vệ quyền cá nhân đối với hình ảnh

Hành vi sử dụng hình ảnh của người khác, tận dụng để livestream thì vi phạm luật dân sự về bảo vệ quyền cá nhân đối với hình ảnh. Tại vì mỗi người đều có quyền riêng đối với hình ảnh của cá nhân, nên trong trường hợp mà không được sự cho phép của người khác, trừ trường hợp việc sử dụng hình ảnh đó nó vì mục đích công cộng như ở trong những trường hợp như buổi hội thảo,…thì được phép mà không cần xin phép, còn lại thì bắt buộc phải xin phép.

Về chế tài liên quan đến bảo vệ danh dự và nhân phẩm, thì người bị xâm phạm trong những trường hợp này có thể kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại, gỡ bỏ hình ảnh.

Còn về quan điểm cá nhân, những hành động cười cợt ở một nơi trang nghiêm như đám tang thì tôi cho rằng rất phản cảm và không phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của người Việt.

Tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.