Cuộc hồi sinh của nữ sinh ngoại thương từng bóp cổ con vì trầm cảm

Thúy Hằng
Thúy Hằng
05/01/2021 15:40 GMT+7

Kết hôn, làm mẹ từ năm 19 tuổi, khi bạn bè còn đang vô tư, Nguyệt tối tăm mặt mũi lo tã, sữa cho cặp sinh đôi. Đỉnh điểm của trầm cảm, nữ sinh ngoại thương ghì tay bóp cổ đứa con gái rồi định nhảy lầu.

Khi đã bình thản, tự do và có thể chăm lo 3 cô con gái của mình, Đặng Thị Như Nguyệt (hiện 24 tuổi, nữ sinh viên năm cuối khoa tiếng Trung, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) chia sẻ về những vấp ngã. Từ người mẹ bị trầm cảm sau sinh tới mức bóp cổ con, cô đã đứng dậy như thế nào?

Ký ức kinh hoàng

Đang là nữ sinh năng nổ, tràn đầy sức sống, định mệnh đưa Đặng Thị Như Nguyệt vào cuộc hôn nhân ở tuổi 19, khi vừa học hết năm nhất Trường ĐH Ngoại thương.
“Một cô gái đang tuổi mơ mộng, bị nhốt vào 4 bức tường đã là một điều kinh khủng, chưa nói đến việc thêm 2 thiên thần sinh đôi đến trao vào tay cô ấy khi cô không nghề nghiệp gì. Tôi lại hay ốm nghén, có thời điểm 3 ngày không ăn được gì phải đi truyền nước, stress cứ tích dần từ đó và trở thành cơn trầm cảm”, Nguyệt nhớ lại.

Nguyệt trở thành mẹ của cặp sinh đôi năm 19 tuổi

Vừa sinh con xong, chồng đi làm xa, kinh tế gia đình lao đao, Nguyệt lao vào học kinh doanh online để kiếm bỉm sữa cho con. Một phần có bố mẹ đẻ ở Hà Nội cùng giúp chăm sóc con, nhưng nhiều lúc chỉ có 3 mẹ con Nguyệt tự chăm nhau. 
“Tôi ứa nước mắt liên tục vì hai đứa con sinh đôi có một mình tôi chăm. Hai bé khóc cùng lúc, ị cùng lúc, đói cùng lúc, ốm cũng cùng một lúc. Tôi 2 tay bế 2 con, bọn trẻ còn bé tẹo, cổ cứ ngặt nghẹo trên tay mẹ. Tôi còn nhớ mãi lúc 2 đứa được 13 tháng, tôi bận quá, 12 rưỡi trưa khách đến mua hàng, tôi không kịp cho con ăn. Lúc chạy lên thấy hai con mở nồi cơm nguội ra bốc, tay chân mặt mũi dính đầy cơm nguội, rồi ngủ gục cạnh nồi cơm. Khủng khiếp nhất là lúc đó, tôi phát hiện ra mình đã có bầu lần 2”, nữ sinh ngoại thương kể.

Chóng mặt lo tã, sữa cho 2 con sinh đôi, cô sợ hãi khi biết mình mang bầu lần 2

Ảnh NVCC

Những nỗi lo lâu ngày không được chia sẻ cùng ai, Nguyệt càng khủng hoảng. Bạn bè cô lúc ấy toàn sinh viên chưa hiểu những áp lực chồng con để cho Nguyệt lời khuyên.
“Nhà tôi ngày đó còn vướng vào một khoản nợ từ trên trời rơi xuống. Những căng thẳng cứ thế dâng cao. Bao nhiêu nỗi buồn cứ dồn nén trong lòng, tôi trầm cảm lúc nào không biết. Tôi trút giận lên con. Con khóc, tôi đánh. Con quấy đói, tôi sợ và trốn con. Đỉnh điểm là tôi đã bóp cổ con và định ném con từ tầng 4 xuống sau đó tôi sẽ nhảy lầu. May mắn lúc đó mẹ tôi nghe tiếng cháu khóc đã chạy ào lên. Tôi sực tỉnh lại, ôm chặt con và nước mắt rơi lã chã”, Nguyệt xúc động.

Nguyệt từng có lúc nghỉ học đi làm để lo hết cho 3 con

Chìm sâu vào những nỗi buồn, Nguyệt từng có lúc nghĩ không quay trở lại giảng đường nữa mà sẽ đi làm, kiếm tiền để trả nợ, lo cho các con. Đáng lẽ chỉ bảo lưu ĐH 1 năm, cô nghỉ hẳn 2 năm.
May mắn, lần đó Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội gọi điện cho mẹ Nguyệt cảnh báo, sắp đưa tên cô vào “danh sách đen”. Hai mẹ con chân ướt chân ráo đèo nhau tới gặp nhà trường và các thầy cô khoa tiếng Trung. Nguyệt phải làm cam kết quay lại học hành chăm chỉ. Đó cũng là động lực giúp nữ sinh thoát khỏi cơn trầm cảm sau sinh khủng khiếp.

Cú lội ngược dòng

Bừng tỉnh sau chuỗi ngày sai lầm, Nguyệt lao vào học tập, làm việc suốt ngày đêm, ban ngày lấy hàng, gặp khách hàng, tối đi học. Lúc nghỉ hè 3 tháng, cô chuẩn bị sinh bé thứ 3 và phải đi học thêm ở ngoài tiếng Trung để theo kịp các bạn trên trường. Vác bụng bầu khệ nệ đi học, Nguyệt là người duy nhất trong lớp đó không bỏ buổi nào, đến tận ngày vào phòng đẻ. Cô còn nhớ, buổi học cuối cùng xong lúc 20 giờ 30 thì 23 giờ 30, cô vào bệnh viện sinh con.
“Không khí học tập ở giảng đường, những khát vọng máu lửa của những em sinh viên đã cuốn tôi vào những giấc mơ phải học tốt, thay đổi cuộc đời mình. Thầy cô, bạn bè trong khoa ai cũng thương và giúp đỡ, tôi quên những nỗi buồn quanh mình, một bà mẹ 3 đứa con làm việc, học bài, làm bài tập không biết mệt mỏi”, Nguyệt kể.
Cuộc hôn nhân tuổi 19 đã kết thúc chóng vánh sau khi Nguyệt sinh em bé thứ 3. Cô không cảm thấy bất hạnh, bởi có bố mẹ đẻ cảm thông và cùng con gái đi qua chặng đường gian nan nhất này.

Nguyệt hiện tại hạnh phúc với 3 cô công chúa nhỏ

Ảnh NVCC

2 con gái sinh đôi của Nguyệt 12 tháng tuổi đã đi nhà trẻ, bé thứ 3 thì 7 tháng cũng đến lớp. Nhưng vì quá nhỏ, ốm liên tục, cô giáo không nhận, ông bà ngoại và Nguyệt thay phiên nhau chăm con, lúc nào cả nhà đi học, đi làm, Nguyệt bồng con đi gửi nhà hàng xóm.
Cô tự mày mò học hỏi trên các hội nhóm kinh doanh, kết bạn với mọi người, đọc sách, xem các chương trình về kinh doanh như Shark Tank, CEO khởi nghiệp... và ghi chép. Cũng từ những mối quan hệ tự gầy dựng, cô xây dựng thương hiệu đồng phục Mộc Uniform của riêng mình, kết hợp với nhiều tổ chức lớn và các trường ĐH để tự mở rộng thương hiệu.

Các con là niềm động viên lớn nhất của nữ sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội

Không chỉ vậy, Nguyệt còn dấn thân sang làm việc tại một công ty bảo hiểm, đồng thời tìm hiểu về thần số học (numerology - khoa học những con số được nhìn qua lăng kính thần học). Đây cũng là lĩnh vực cô đang theo đuổi, giúp chính mình và nhiều người khác tìm thấy bản đồ thành công của mỗi người. Không chỉ tự trang trải được cho bản thân, cô còn chăm lo được tốt cho 3 “công chúa”.
“5 năm qua, mẹ tôi đã tiều tuỵ đi nhiều vì lo lắng cho con, cháu. Bây giờ mẹ đã thôi đau lòng vì con gái, mà thay vào đó là hy vọng và tin tưởng ở con”, Nguyệt tâm sự.

Phía sau hoa hồng là cạm bẫy

Ngoại hình xinh xắn, thi đậu ĐH trường xịn, tương lai rộng mở, cô từng có lúc nghĩ mình sẽ có mọi thứ trong tay. Nhưng, với cô gái 24 tuổi, những biến cố đã qua đã khiến cho cô mạnh mẽ hơn. Nguyệt đang ấp ủ những dự định để có thể hỗ trợ nhiều hơn những bạn trẻ khác, để họ không khủng hoảng vì thiếu kiến thức như cô.
Thầy Lê Quang Sáng, Phó trưởng khoa phụ trách khoa tiếng Trung, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, chia sẻ Nguyệt học lực khá, năng nổ và điều đáng khâm phục nhất là cô thật sự có bản lĩnh, nghị lực.
"Khoa và nhà trường đều tạo điều kiện để em ấy trở lại giảng đường. Nhưng để thúc đẩy Nguyệt, chúng tôi yêu cầu em phải làm cam kết sẽ phải chăm chỉ học, đồng thời yêu cầu cả phụ huynh tới cam kết và giúp đỡ con để con có thể tới trường. Một sinh viên bình thường, sau thời gian dài bảo lưu kết quả, quay trở lại giảng đường và theo kịp các bạn đã khó thì ở đây Nguyệt là mẹ của 3 đứa con, vừa phải lo kinh tế, thời gian chăm sóc các con, vừa đi học và hoàn thành các chương trình thì lại càng khó. Nhưng Nguyệt đã và đang làm rất tốt. Mọi người đều khen ngợi em", thầy Lê Quang Sáng chia sẻ.
“Tôi đang ấp ủ có thể mở những buổi nói chuyện tại các trường ĐH để định hướng cho các bạn trẻ về việc phòng tránh thai an toàn, tránh phá thai và tránh thiếu kiến thức như tôi. Tôi cũng mong muốn thông qua công cụ thần số học mà tôi đang làm có thể mở những buổi định hướng nghề nghiệp, để các bạn trẻ có thể chọn đúng con đường. Và khát khao nhất là được nói chuyện với các cha mẹ ở các trường mầm non để cha mẹ thấu hiểu con cái, giúp các con phát huy nhiều nhất những khả năng con có”, cô gái chia sẻ.

Nguyệt đang ấp ủ những dự định để có thể hỗ trợ nhiều hơn những bạn trẻ khác, để không phải sai lầm vì thiếu hiểu biết như cô

“Tôi muốn câu chuyện của tôi có thể truyền cảm hứng cho nhiều cô gái trẻ khác, có thể đã đổ vỡ, có thể đang làm mẹ ở độ tuổi đến giảng đường, các bạn sẽ mạnh mẽ hơn vượt qua khó khăn. Từ hành trình đã đi qua, tôi hiểu rằng không có con đường nào trải sẵn hoa hồng, phía sau hoa hồng sẽ là cạm bẫy, điều mỗi người trẻ cần là bản lĩnh, nghị lực, đạo đức và trí tuệ để vượt qua”, nữ sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cũng là mẹ của 3 cô con gái, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.