Cuộc gặp đổi thay phận người

22/12/2015 05:17 GMT+7

Những cuộc gặp gỡ đầy duyên nợ giữa Thanh Niên và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh éo le cuối cùng đã được đơm hoa kết trái ngọt từ những tấm lòng quảng đại...

Những cuộc gặp gỡ đầy duyên nợ giữa Thanh Niên và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh éo le cuối cùng đã được đơm hoa kết trái ngọt từ những tấm lòng quảng đại...

Trần Thị Duyên (bìa phải) xúc động khi chứng kiến đại diện đơn vị cũ của bố trao số tiền mà một doanh nghiệp thông qua Báo Thanh Niên hỗ trợ cho gia đình (ảnh chụp tháng 7.2012)	- Ảnh: Nguyễn PhúcTrần Thị Duyên (bìa phải) xúc động khi chứng kiến đại diện đơn vị cũ của bố trao số tiền mà một doanh nghiệp thông qua Báo Thanh Niên hỗ trợ cho gia đình (ảnh chụp tháng 7.2012) - Ảnh: Nguyễn Phúc
Cuộc hạnh ngộ với em trai liệt sĩ Gạc Ma
Chớp mắt vậy mà đã hơn 3 năm, kể từ ngày Báo Thanh Niên gặp anh Hoàng Ánh Thùy (34 tuổi, trú P.2, TP.Đông Hà, Quảng Trị, em trai liệt sĩ Gạc Ma Hoàng Ánh Đông). Cuộc gặp mà theo anh Thùy là có sức mạnh đổi thay cả số phận một con người.
Tháng 5.2012, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN VN, Báo Thanh Niên với sự ủng hộ của rất nhiều nhà tài trợ đã tổ chức chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” và trao cho thân nhân của 64 liệt sĩ đã hy sinh cho biển đảo Tổ quốc 20 triệu đồng/gia đình. Khi chương trình về tới Quảng Trị, trong phút xúc động nghẹn ngào, ông Hoàng Sỹ (cha của liệt sĩ Đông) có chia sẻ về hoàn cảnh cơ cực của gia đình rằng: một người con nữa vừa qua đời, vợ mới nhập viện vì bệnh tật và con trai út Hoàng Ánh Thùy tốt nghiệp ngành âm nhạc đã 6 năm nhưng vẫn thất nghiệp... Các thông tin này đã được những người làm Báo Thanh Niên đưa vào trong bài viết Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị đăng ngày 17.5.2012.
Sau khi báo phát hành, ông Nguyễn Đức Cường (vào thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) đã ký công văn gửi UBND TP.Đông Hà chỉ đạo xem xét ưu tiên tuyển dụng anh Thùy vào giảng dạy tại một trường phổ thông ngay trong năm học 2012 - 2013. Nhưng thời điểm này, thành phố không có kế hoạch tuyển dụng mới đối với giáo viên và theo quy định thì anh Thùy không thuộc diện ưu tiên chuyển thẳng. Cuối cùng, tỉnh Quảng Trị đã tính phương án “lợi cả đôi đường” khi để anh Thùy vào dạy hợp đồng ở một trường trong địa bàn thành phố, sau 3 năm công tác nếu phấn đấu tốt thì sẽ được nhận vào chính thức.
Ngày 15.11.2012, người em trai của liệt sĩ Gạc Ma này đã đi làm ngày đầu tiên tại Trường tiểu học Lý Tự Trọng (P.3, TP.Đông Hà). Với chuyên môn đào tạo, anh đã được giao làm giáo viên Tổng phụ trách Đội kiêm cán bộ văn phòng trường. Liên tục 3 năm qua, với sự dìu dắt của các giáo viên trong trường, đặc biệt là thầy Hiệu trưởng Phạm Tùng Vinh cùng với sự tin yêu của học trò, anh Thùy đã đạt được nhiều thành tích tốt trong công tác và được khen thưởng. Anh tâm sự: “Cuộc gặp gỡ của tôi và những người làm Báo Thanh Niên là một cơ duyên tuyệt vời. Nếu không có Báo Thanh Niên lên tiếng, kết nối với các cấp thì có lẽ đến giờ tấm bằng của tôi vẫn còn... treo. Cha tôi, đầu năm 2013 đã qua đời, nhưng lúc nhắm mắt ông đã mãn nguyện phần nào vì thấy tôi đã có việc làm ổn định”, Thùy xúc động nói.
Con gái liệt sĩ nhà giàn và lời hứa của bí thư huyện ủy
Chúng tôi gặp Trần Thị Duyên (27 tuổi, trú KP.An Hòa 1, TT.Cửa Tùng, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị, con gái duy nhất của liệt sĩ nhà giàn DK1 Trần Văn Là) khi đang cùng nhà tài trợ thực hiện chương trình “Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1” vào một ngày giữa tháng 7.2012. Trong lúc ngồi hàn huyên, chị Lê Thị Tính (vợ anh Là) mới kể chuyện rằng anh Là hy sinh khi Duyên mới 2 tuổi, chưa kịp biết thế nào là tình phụ tử. Chị Tính không đi bước nữa nên hai mẹ con cứ thế tựa vào nhau mà sống. Điều duy nhất mà chị vẫn còn canh cánh trong lòng đó là chuyện Duyên (vào thời điểm đó) đang là sinh viên năm cuối Trường CĐ Sư phạm Nha Trang nhưng công việc ngày ra trường còn để ngỏ.
Xúc động trước hoàn cảnh mẹ góa con côi của thân nhân liệt sĩ nhà giàn, đích thân ông Nguyễn Đăng Quang (lúc đó là Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh, nay là Bí thư Thành ủy Đông Hà) đã hứa rằng: “Báo Thanh Niên đã có rất nhiều nghĩa tình trên mảnh đất này, chương trình “Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1” là một ví dụ. Chúng tôi sẽ lưu tâm đến chuyện việc làm của cháu Duyên khi cháu ra trường để chung vai cùng các anh, chia sẻ với gia đình. Đây là việc nên làm bởi công tác đền ơn đáp nghĩa là không của riêng ai...”.
Cái bắt tay thật chặt lúc chia tay của Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông và ông Nguyễn Đăng Quang đã gửi gắm thêm rất nhiều điều mà từ ngữ không diễn tả hết. Và ông Quang đã không hề nói suông. Bởi ngay sau khi Duyên ra trường (năm 2012), ông đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện, UBND TT.Cửa Tùng bố trí ngay em Duyên vào dạy tại Trường mầm non Bình Minh (TT.Cửa Tùng).
Sáng 16.12.2015, khi PV Thanh Niên liên lạc, chị Tính nói như khóc trong điện thoại: “Tất cả như mơ chú ạ. Các vị lãnh đạo đã cho cháu về dạy ở ngôi trường ngay sát nhà để còn đỡ đần cho tôi. Báo cho chú vui là cháu nay đã lập gia đình và vừa sinh con...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.