Con cái là thầy cha mẹ?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/08/2019 16:11 GMT+7

Chúng ta luôn đọc những bài viết về việc vai trò của cha mẹ với con cái, cha mẹ dạy con những điều hay để con bước vào đời. Còn ngược lại, các con đã làm gì, có vai trò gì cho chính những người làm cha mẹ?

Mới đây, buổi nói chuyện của tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, tác giả bộ sách Dạy con trong hoang mang, về hạnh phúc cùng con diễn ra tại một trường mầm non tại TP.HCM đã thu hút đông đảo phụ huynh tham gia. “Con cái có vai trò gì cho anh chị?”, tiến sĩ Phương hỏi. Nhiều người mẹ lúng túng, một người mẹ khẽ đáp: “tôi không kỳ vọng gì ở con, chỉ cần con dậy đúng giờ, nghe lời là tôi vui rồi”. “Con cái là bạn của chúng tôi, kết nối các thành viên trong gia đình. Nhờ con, tôi đã sống tốt hơn”, một người mẹ nêu ý kiến, phía dưới, nhiều cánh tay cùng giơ lên đồng tình, họ đã thật sự học được ở con rất nhiều.
“Con là chân sư”, tiến sĩ Lê Nguyên Phương chỉ ra. Theo tác giả bộ sách Dạy con trong hoang mang, con cái giúp mỗi người làm cha mẹ nhìn lại cuộc sống bằng đôi mắt chân sơ, đơn giản nhất, yêu sẽ nói là yêu, ghét sẽ thưa rằng ghét, không có chuyện giả dối giữa cuộc đời đầy áp lực.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương (đứng, bìa phải) trao đổi với các phụ huynh

Bảo Vy

Con cái cũng cho mẹ cha sự sáng tạo, hãy nhìn các con trẻ vui đùa với đất, cát, chúng có thể nghĩ đó là xôi, chè; chúng cầm chiếc xoong và nghĩ đó có thể là búa, hay nón đội đầu. Con cái cho mẹ cha đủ các chất dẫn truyền thần kinh, cho mẹ cha các xúc cảm từ lo âu, căng thẳng, tới hạnh phúc, bình an, thanh tịnh trong tâm hồn. Hay một điều dễ hình dung hơn không kém, mỗi đứa con là nhân vật truyền cảm hứng số 1 để mỗi người làm cha mẹ, dù vất vả mệt mỏi tới mấy, nhưng thấy con chạy ra, ôm chầm lấy và nói những lời âu yếm “mẹ ơi con nhớ mẹ quá”, “ba ơi ba thật giỏi…”, bỗng thấy bao lo toan biến mất.

Hạnh phúc quan trọng hơn thành tích của con!

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho rằng, nhiều cha mẹ có suy nghĩ, con cái thành công là được, nếu con thành công, ba mẹ sẽ hạnh phúc. Nhưng rõ ràng, nhiều đứa trẻ có thành công, nhưng chúng có hạnh phúc không, thì không ai biết chắc. Thành công được tạo bởi năng lực và môi trường, cảm xúc, nếu cảm xúc của đứa trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực, năng lực cũng sẽ bị triệt tiêu.
“Một bà mẹ luôn GATO (tiếng lóng, chỉ sự ghen tị với những ai hơn mình) với con cái nhà người khác, có hạnh phúc được không, chắc chắn là không. Nhưng tôi có một từ khác, GADOSE”, tiến sĩ Lê Nguyên Phương ví von từ viết tắt của 5 chất dẫn truyền thần kinh, giúp con người đạt tới cảm xúc mang tên hạnh phúc. Theo đó, cơ thể mỗi đứa trẻ sẽ cảm nhận được những cảm xúc này, từ những hoạt động như được chơi thể thao (yoga, aerobic); hoạt động dưới ánh nắng mặt trời; được sống gần thiên nhiên; được ôm ấp, nói những lời yêu thương, được chú ý quan tâm; được giao những nhiệm vụ, công việc vừa với sức; được có những thử thách…

Trẻ em một trường mầm non vui chơi ngoài thiên nhiên

Bảo Vy

“Như vậy, để đánh giá một ngôi trường có tốt hay không, không phải là học phí mỗi tháng bao nhiêu tiền, bao nhiêu học sinh giành học bổng, mà là ngôi trường đó thầy cô có hạnh phúc không, có thể mang lại hạnh phúc cho con không. Bạn có thể mang lại hạnh phúc cho con từ những điều giản đơn lắm, cùng con gấp quần áo rồi khen ngợi con; khen con làm bài tập hôm nay đã ít lỗi hơn hôm qua, hay đơn giản chỉ là cùng ngồi xuống, lắng nghe con nói…”, tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ.
“Chúng ta luôn nghĩ, chúng ta đang dạy con, nhưng thật ra con cái cũng đang dạy lại chúng ta. Sẽ không có hạnh phúc nào với các con, nếu chính cha mẹ chưa thấy hạnh phúc, để có hạnh phúc đó, cha mẹ hãy ích kỷ một chút, chăm sóc bản thân nhiều hơn một chút, lúc mệt mỏi có thể đi gội đầu, làm móng tay, massage… Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường hạnh phúc, khi trưởng thành, nó cũng sẽ biết cách để hạnh phúc tự thân, tự có hạnh phúc của chính mình”, tiến sĩ Lê Nguyên Phương trao đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.