Cơm của F0, F1 ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến có gì đặc biệt?

13/08/2021 11:39 GMT+7

Người trẻ là F0, F1 cách ly ở khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến tại TP.HCM chia sẻ những hình ảnh về suất cơm họ nhận được mỗi ngày với tất cả sự biết ơn.

Những suất cơm khu cách ly nhìn khá hấp dẫn

Bùi Văn Phát, 25 tuổi, F1 đã hoàn thành cách ly tại khu B, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM hôm 31.7, kể lại anh và người thân đi cách ly đều nhận được những suất cơm mang tới tận cửa phòng 3 lần mỗi ngày. Mỗi phần cơm bao gồm món mặn, rau và canh. Phát còn chia sẻ những hình ảnh các hộp cơm nhìn khá hấp dẫn với canh khoai mỡ, giò heo, tép rang, canh rau…

Phát và những phần cơm của anh trong khu cách ly Khu B, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM

Ảnh NVCC

Hoàng Thị Hà Anh, 28 tuổi, F0 đã khỏi bệnh và xuất viện hôm 5.8, cho biết cô cách ly tập trung tại một trường học rồi được di chuyển tới chung cư Bình Minh ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) để điều trị Covid-19. Buổi sáng, cô được cung cấp các suất ăn như xôi giò chà bông, bánh mì kẹp. Nhiều hôm, phần cơm trưa cho bệnh nhân là từ các nhà hảo tâm của những trung tâm tiệc cưới tại TP.HCM, như cơm tấm sườn nướng.
Hà Anh còn được bạn bè tiếp tế thêm đồ ăn gửi từ bên ngoài như bánh kẹo, mì gói, ớt, nước tương, nước mắm… để khi lấy lại vị giác, các gia vị cho thêm vào phần ăn uống giúp cô cảm thấy ngon miệng hơn.

Phần ăn sáng Hoàng Anh nhận ở khu cách ly tại TP. Thủ Đức

Ảnh NVCC

Phan Ngọc Quế Châu, 23 tuổi, cách ly tại bệnh viện dã chiến thu dung số 3, đã khỏi bệnh và xuất viện, chia sẻ ngoài các phần cơm 3 bữa/ngày được phát từng phòng, thì bệnh nhân thường xuyên nhận được quà từ nhà hảo tâm gửi vào. Những phần quà này thường là bánh kẹo, sữa, chuối, xúc xích, cháo ăn liền… để bổ sung cho bữa ăn chính.

Bác tài Grabcar chở nhu yếu phẩm tiếp tế bệnh viện dã chiến: 'Thấy sướng vì giúp được cộng đồng'

Còn Nguyễn Ngọc Nhung, 26 tuổi, F0 khỏi bệnh và xuất viện hôm 26.7, cho hay bệnh nhân Covid-19 thường ăn thành nhiều cữ nhỏ trong ngày, mọi người nên ăn đồ nóng. Nơi Ngọc Nhung cách ly là một chung cư được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến ở TP.Thủ Đức. Tại đây, F0 đều được cung cấp các phần cơm sáng, trưa, chiều. Nếu ai mệt mỏi không ăn được cơm có thể đăng ký cháo, hoặc phòng có trẻ em có thể đăng ký sữa từ hôm trước với các bạn dân quân thường trực để hôm sau sẽ có cháo, sữa. 
“Chúng tôi thường được các nhà hảo tâm tặng quà và lực lượng dân quân thường trực chia quà, phân phát cho từng phòng”, Ngọc Nhung cho hay.

Dân quân thường trực Ban chỉ huy quân sự Q.Phú Nhuận đảm nhiệm việc mang cơm tới từng phòng cách ly trong khu A3, A5, Khu B, ký túc xá ĐH  Quốc gia TP.HCM

Ảnh Nguyễn Quốc Khánh

“Có những hôm cơm mang tới sớm hơn bình thường hoặc trễ hơn. Tôi thấy nhiều người hay than thở là "sao cơm trễ vậy", hay "cơm sao không có món nọ món kia" rồi "chúng tôi đói quá trời mà cơm chưa giao tới" nhưng có để ý những nhân viên phục vụ tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến hay những bạn dân quân thường trực phát cơm từng phòng thì mới thấu hiểu họ vất vả như thế nào.
Khu cách ly rất đông bệnh nhân. Người hỗ trợ ai cũng làm việc luôn tay, mình được ngồi nghỉ ngơi ở trong phòng, còn các bạn ấy phải mặc bộ đồ bảo hộ từ sáng tới tối, mưa gió nắng nôi cũng phải đưa cơm, vận chuyển nhu yếu phẩm người nhà tiếp tế vào cho bệnh nhân, dọn dẹp rác thải rất cực khổ”, chị Ngọc Nhung kể.

Quế Châu chia sẻ hình ảnh những suất cơm trong khu cách ly

Ảnh NVCC

Phần cơm của một F0 điều trị tại bệnh viện dã chiến số 6, bạn trẻ đã khỏi bệnh và xuất viện

Ảnh NVCC

Có những khu cách ly có nhà hảo tâm gửi cơm, bún vào, tiếp sức cho các bệnh nhân

Ảnh NVCC

Nếu phải đi cách ly tập trung thì chuẩn bị hành lý gì?

Nhiều người là F0 sắp phải đi cách ly tập trung thường có tâm lý bối rối, hoang mang, không biết nên chuẩn bị hành lý gì, mang theo những vật dụng cá nhân, thuốc men gì là cần thiết.
Hoàng Thị Hà Anh chia sẻ, những đồ dùng cần thiết khi đi cách ly tập trung gồm: đồ dùng cá nhân, chăn, gối, đồ vệ sinh cá nhân, sách, báo, quần áo mềm mại rộng rãi, xà bông giặt đồ, khăn tắm, thật nhiều khẩu trang, cồn xịt khuẩn, ấm đun nước siêu tốc, ổ điện có dây dài, khăn ướt, giấy ướt.
Cô cũng mang theo vài thứ vào khu cách ly tập trung để bổ sung thêm các chất cần thiết vào các bữa ăn: mì ly, đồ ăn khô, trái cây, sữa, các loại hạt, bánh kẹo, chà bông, bột rau diệp lục để bổ sung chất xơ, nửa kg chanh, 1 bó sả, mấy củ gừng, mật ong, 1 bịch muối, 1 bịch đường. 
Điều không thể thiếu khi đi cách ly tập trung, theo Hà Anh là bạn nên chuẩn bị một số loại thuốc hạ sốt, viêm họng, thuốc chống dị ứng, thuốc ho, thuốc bổ, bột oresol uống bù nước…

Trong vali của Hoàng Anh khi đi cách ly tập trung, cô mang theo những thứ này

Ảnh NVCC

Đoàn Trần Mỹ Duyên, 27 tuổi, làm việc tại tòa nhà số 1 Hoàng Việt (Q.Tân Bình), F1 hoàn thành cách ly tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM sau 23 ngày cho biết, khi chuẩn bị hành lý đi cách ly, nên mang theo những món đồ gắn bó với mình như mền, gối, đồ chăm sóc cá nhân để có cảm giác thoải mái và quen thuộc. Ưu tiên những món vật dụng nhỏ gọn, nhiều chức năng, ít cồng kềnh như thuốc, dầu gió, dao, hộp quẹt, kim chỉ, bao rác, ổ cắm điện… nhưng quan trọng nhất là khẩu trang và nước rửa tay, cồn xịt khuẩn.
Theo Duyên, ngoài việc nên giữ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ, ăn hết các suất cơm thì khi đi cách ly tập trung, mỗi người nên rửa tay thường xuyên và ăn uống các thực phẩm tăng sức đề kháng như nước cam, mật ong ngâm chanh, gừng, súc miệng bằng nước súc miệng, nên uống hơn 2 lít nước mỗi ngày…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.