Cô giáo không còn để ý đến thời gian

Lê Thanh
Lê Thanh
01/11/2018 07:38 GMT+7

Tròn 20 năm gắn bó với những đứa trẻ chậm phát triển, cô Võ Thị Phương Thùy, giáo viên của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, cho biết mình đã dành tình yêu thương trọn vẹn cho các em mỗi ngày và không còn để ý đến thời gian.

Cô Thùy kể: “Tôi vốn là giáo viên Trường tiểu học TT.Vũng Liêm, H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long từ năm 1994. Đến năm 1998, tôi chuyển về trung tâm này để dạy trẻ khuyết tật. Mới đó nhìn lại đã 20 năm rồi”.
Cô Thùy chia sẻ: “Thú thật thời gian đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận học sinh. Bản thân phải đi học lại từ tâm lý giáo dục đến phương pháp tiếp cận trẻ khuyết tật để có thể tiếp cận nhanh nhất”.
Mỗi trẻ ở đây là một mảnh đời, một hoàn cảnh khó khăn riêng. Dù đã chuẩn bị tâm lý cũng như tự trang bị kiến thức chuyên môn nhưng thời gian đầu cô Thùy vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ khi có em bốc đồng, tỏ ra không hợp tác. Có những đứa trẻ khi hỏi thì không trả lời và đôi khi có những hành động như la hét, cào cấu.
Theo cô Thùy, dạy những trẻ tăng động đã khó, dạy trẻ đa tật như: tự kỷ, Down, bại não... lại càng khó khăn hơn, vì các mặt nhận thức, hành vi, ngôn ngữ, vận động, tương tác xã hội... của các em cần được hỗ trợ.

Mỗi ngày khi nghe phụ huynh nói: Cô ơi, con tôi hôm nay đã tự làm được cái này, cái kia... là tôi cảm động muốn khóc

Cô giáo Võ Thị Phương Thùy

Cô Thùy trải lòng: “Tôi luôn tìm cách tiếp cận dần dần theo thời gian. Có em phải mất vài tháng hoặc thậm chí cả năm mới nhận thức và thay đổi được hành vi. Ngoài những phương pháp và kinh nghiệm dạy trẻ của mình, tôi kết hợp với phụ huynh tìm hiểu nhu cầu, năng lực của đứa trẻ ấy để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, chia sẻ cách hỗ trợ cho phụ huynh giúp trẻ thêm tại nhà”.
Luôn đặt cái tâm trong giảng dạy, đặt mình vào hoàn cảnh là người thân của trẻ để có những đồng cảm, chia sẻ sâu sắc. Cô Thùy phải tìm hiểu thêm tâm lý trẻ và vừa dạy vừa học ngôn ngữ ký hiệu, phát triển vốn từ để khi nói ra học sinh dễ hiểu. Mỗi ngày cô chia nhiệm vụ ra thành nhiều bước nhỏ, tách các mục tiêu học tập thành nhiều cấp bậc. Dạy cho trẻ bắt đầu làm những việc đơn giản trước khi tiếp tục các công việc khó hơn và quay trở lại các bước đơn giản nếu trẻ gặp khó khăn. Chính sự quan tâm, gần gũi, chia sẻ thật tâm và thật tình của cô đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các em đã phát triển về mặt ngôn ngữ, đến lớp cảm thấy thích thú hơn, ham học hơn. Nhiều em rất khéo tay và đoạt giải khuyến khích trong các hội thi vẽ tranh.
Chia sẻ về niềm vui lớn nhất của mình trong 20 năm qua, cô Thùy nói: “Đó là việc mình đã dạy những đứa trẻ từ “cứng đầu” thành những đứa trẻ chăm ngoan và nhận thức được hành vi, tự biết cầm lấy chén muỗng khi ăn cơm, biết lăn quả bóng khi chơi đùa với bạn, nghe và hiểu đôi lời cô nói, bi bô gọi tiếng ba, tiếng mẹ...”.
Cô Thùy cho biết thêm: “Mỗi ngày khi nghe phụ huynh nói: Cô ơi, con tôi hôm nay đã tự làm được cái này, cái kia... là tôi cảm động muốn khóc”. 
Khó có ngôn từ để diễn tả hết sự tận tâm
Trực tiếp chứng kiến các giáo viên dạy trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn, tôi rất xúc động và khâm phục các thầy cô giáo. Hằng ngày, các giáo viên kiên trì, chịu khó, tận tụy dạy dỗ từng em với những nghiệp vụ chuyên biệt, những áp lực trong công việc này không hề nhỏ. Bên cạnh đó, các thầy cô còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, những sinh hoạt khác nhau của mỗi em với tình yêu thương to lớn như những người cha, người mẹ. Khó có ngôn từ để diễn tả hết sự tận tâm, vất vả và tình yêu của các thầy cô giáo này. Công việc dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thật sự mang nhiều ý nghĩa cao đẹp. Chính các thầy cô giáo đã xoa dịu những thiệt thòi và đem lại cơ hội hòa nhập với cộng đồng cho các học trò kém may mắn.
Ông Nguyễn Đình Tâm (Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, đơn vị đồng tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.