Cô gái tình nguyện viên hết bị F0, chọn ở lại chăm sóc các F0 khác

Phạm Hữu
Phạm Hữu
14/09/2021 16:26 GMT+7

Thời gian tình nguyện ở Bệnh viện phụ sản Hùng Vương , Đinh Hoàng Bảo Trâm không may trở thành F0, tuy nhiên cô đã mạnh mẽ vượt qua và quyết định trở lại bệnh viện để tiếp tục cống hiến sức trẻ .

Đi tình nguyện bị F0

Năm học vừa rồi Đinh Hoàng Bảo Trâm, đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú ở Q.Tân Phú. Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp Trâm tạm thời chọn tình nguyện tham gia chống dịch.
Trâm tìm kiếm thông tin ở nhiều đơn vị, cuối cùng đăng ký theo danh sách từ Thành đoàn TP.HCM rồi được cử đến bệnh viện phụ sản Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) tham gia chống dịch.
“Tôi nghĩ mình có thời gian rảnh rỗi mà bệnh viện lại thiếu người, rất cần người phụ giúp chăm sóc các bệnh nhân F0. Cho nên, tôi quyết định đăng ký tham gia”, Trâm nói.

Bảo Trâm trong những ngày ở bệnh viện dã chiến

Ngày 25.8, là ngày đầu tiên Trâm vào bệnh viện phụ sản với tâm trạng khó tả bởi những can ngăn vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Tuy vậy, Trâm gạt bỏ hết mọi nghi ngại, bước vào con đường tình nguyện với tâm thế muốn chung tay với cộng đồng. Cô cố gắng gạt bỏ nỗi lo âu, học hỏi kỹ năng y khoa cơ bản từ đội ngũ y, bác sĩ rồi cũng dần dần thành thạo.
Nhiệm vụ đầu tiên của cô gái nhỏ mỗi ngày ở khoa sản là hỗ trợ sản phụ có nghi nhiễm đi siêu âm, khám bệnh, đi gửi các mẫu đi xét nghiệm, và làm thủ tục xuất viện. Công việc được khoảng 1 tuần rồi xảy ra biến cố. Trâm bị nhiễm Covid-19 ở nơi làm việc.
“Khi tôi biết mình bị nhiễm, tôi rất sốc nhưng tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi không có triệu chứng, không ho, sốt, mất vị giác. Tôi gọi về nhà báo tin, ba mẹ cũng lo lắm bởi từ xưa giờ tôi chưa bao giờ đi xa nhà lâu đến vậy mà lần này còn bị bệnh. Sau đó ba mẹ cũng động viên tôi”, Trâm kể lại.

Bảo Trâm vui mừng khi cầm trên tay giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19

Cô gái bị F0 tạm gác việc tình nguyện lại và đi chữa trị ở Bệnh viện dã chiến số 8. 1 tuần chữa trị với cô trong tâm trạng rất thoải mái. Cô thực hiện các biện pháp sinh hoạt điều độ, ăn uống đúng giờ và thường xuyên tậm thể dục. Trâm luôn nghĩ mình phải giữ một tinh thần thật tốt để cơ thể có thể mau bình phục. Ngoài ra, động lực để Trâm mau khỏe là luôn nghĩ về gia đình, người xung quanh và nhất là còn dang dở trên con đường tình nguyện.

TP.HCM: 152.894 ca Covid-19 hồi phục, hơn 90% dân số trên 18 tuổi tiêm vắc xin

Hết bị F0 lại chọn trở về bệnh viện

Một tuần sau, Trâm nhận tin vui vì kết quả xét nghiệm âm tính. Cô được xuất viện trở về với nhịp sống bình thường. Trâm nói: “Tôi lại chọn quay về bệnh viện phụ sản Hùng Vương mà không về nhà để tiếp tục cống hiến. Tôi chọn chuyển vào khu K1, nơi đang điều trị cho F0 nặng”.
Công việc lần này với cô khó khăn hơn gấp nhiều lần. Trâm phải mặc đồ bảo hộ toàn thân, mỗi ngày tiếp xúc với những F0 có chuyển biến nặng. Trâm phụ trách công việc gần giống với các hộ lý như: thay tã, gom đồ, nhận bệnh và kiểm tra sinh hiệu, chuyển bệnh nhân đi bệnh viện dã chiến…
Trâm chia sẻ đây là lần đầu tiên trong đời làm những công việc mà mình chưa từng đụng và thấy đến. “Vì từ đó giờ ở nhà tôi chưa bao giờ làm những việc đó. Vào bệnh viện rồi tôi mới thấy y, bác sĩ rất cực nhọc, nhất là chị điều dưỡng, cô hộ lý. Tôi thương những sản phụ chẳng may bị F0 mà không có người chăm sóc. Họ vừa phải nuôi đứa bé trong bụng vừa chống chọi với bệnh nền mà vừa bị nhiễm Covid-19 nữa”.

Sau khi trở về từ bệnh viện dã chiến Bảo Trâm xin vào làm việc tại tòa nhà K1, nơi có những người F0 nặng

Đối với Trâm, những ngày làm việc ở bệnh viện là những ngày thật giá trị. Cô học được những bài học về sự sống và cái chết với cá nhân mình. Có những lúc Trâm cuống cuồng bởi những lần tòa K1 bật báo động đỏ cấp cứu khẩn cấp. Nó báo hiệu lằn ranh sinh tử của bệnh nhân đang diễn ra gấp gáp. Tất cả đội ngũ y, bác sĩ trực ca lúc đó đều phải chạy vào nơi bệnh nhân đang nguy kịch. Họ cùng cố gắng cứu chữa bệnh nhân một cách tốt nhất. “Nhưng có đôi lúc tôi không khỏi sốc khi thấy cảnh bệnh nhân không qua khỏi”, Trâm chia sẻ.
Hay như lần Trâm cảm thấy sự sống được hồi sinh khi chứng kiến cảnh một sản phụ F0 đẻ rơi khi trên đường chuyển vào Khoa sanh. Đó là cảm giá khó tả vì lần đầu Trâm chứng kiến cảnh một em bé chào đời rõ ràng như thế nào.
“Sau những lần chứng kiến như vậy, tôi thấy mình cần phải trân trọng cuộc sống hơn. Bời vì tôi đã thấy được lằn ranh sinh tử của bệnh nhân. Các bác sĩ cũng đã chiến đấu như thế nào để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Cho nên tôi cảm thấy phải yêu thương hơn và cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Nếu được các bạn trẻ hãy một lần cống hiến cho xã hội”, Bảo Trâm cô gái từng là một F0 chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.