Cô gái Sài Gòn vượt ngàn cây số cưu mang em bé dân tộc liệt 2 chân

06/01/2018 14:47 GMT+7

1 giờ, Phương lên mạng và thấy hình ảnh một em bé trần truồng ngồi trên cát lạnh buốt, chị nhờ người hỏi địa chỉ, ngay trong sáng đó, hai vợ chồng lên đường, từ Sài Gòn về Mường Lát, Thanh Hóa để tìm em bé.

Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Ngọc Phương, 31 tuổi, cùng chồng là Huỳnh Quốc Tín, 34 tuổi trú ở Q.7, TP.HCM cưu mang em bé Vàng Thị Pàng, 6 tuổi ở xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa đã gây xúc động cho nhiều người trong những ngày đầu năm mới 2018.
Pàng đã 6 tuổi nhưng nhỏ bé như đứa trẻ lên 3, chưa biết nói, không biết cầm muỗng, đũa và mỗi khi cho đồ ăn đều cầm lấy nhai ngấu nghiến như một con khỉ lâu ngày bị bỏ đói.
Quyết định trong tích tắc
Phương là một cô gái khá xinh và còn rất trẻ so với tuổi 31 của cô. Gia đình làm kinh doanh tại Sài Gòn, Phương có một con trai 4 tuổi, một con gái 2 tuổi, cô đang mang bầu người con thứ 3 được hơn 2 tháng. Một ngày cuối năm 2017, Phương lướt facebook và thấy hình ảnh bé Pàng tội nghiệp, ngồi co ro trong giá lạnh tím tái của vùng cao. Cô và chồng quyết định lên đường.
Hình ảnh Pàng lan truyền trên mạng xã hội...
Pàng về với mẹ Phương Ngọc Phương
Pàng được chơi cùng các anh chị em, là con ruột của chị Phương Ngọc Phương
“Tôi không suy nghĩ gì cả, tôi bảo chồng phải đi ngay, kẻo em bé có mệnh hệ gì thì sao. Thế là đi thôi, dù không biết Mường Lát ở đâu, chỉ biết là sẽ bay từ Sài Gòn ra Hà Nội mất hơn 2 tiếng, còn lại từ Hà Nội đi Mường Lát thì tính sau”, Phương kể.
“Tôi cứ nghĩ là có xe khách từ Hà Nội, giống như từ Sài Gòn đi Vũng Tàu vậy, ai ngờ ra tới Hà Nội mới biết, chỉ có thể đi taxi đến Mường Lát thôi. Thế là đi, hơn hai trăm cây số, đồi núi hun hút, hoang vắng, dọc đường thì đá lở và sạt núi, chồng tôi và người tài xế hỏi tôi có đi tiếp hay quay lại, tôi kiên quyết bảo, nếu xe không đi được thì em sẽ đi bộ. Vậy là chúng tôi lại lên đường”.
Trước tiên, Phương và chồng gặp cán bộ huyện, cán bộ xã ở Mường Lát để trình bày nguyện vọng muốn thăm hỏi, hỗ trợ bé Pàng. Người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé kể với chúng tôi, đầu tiên hai vợ chồng bảo, sẽ tới tận nơi thăm và cho tiền, quần áo cho Pàng thôi, nhưng gặp tận mắt rồi, nhìn bé Pàng với đôi chân không thể đi đứng, ngồi co ro trong cái lạnh buốt giá, cô đã thuyết phục chồng để mang Pàng về Sài Gòn để chăm sóc.
"Tôi thuyết phục cán bộ huyện, xã, nhờ người phiên dịch nói với mẹ của Pàng, cho tôi mang con về Sài Gòn để có thể cứu được đôi chân cho con, rất may mắn, mọi người đồng ý. Chúng tôi làm giấy tờ, biên bản bên công an và huyện, xã mất một ngày, sau đó về lại Hà Nội. Vì Pàng chưa có giấy tờ cá nhân nên chúng tôi đi tàu hoả về Sài Gòn. Đêm 31.12 thì về tới thành phố”, chị Phương kể lại hành trình “xin” con của mình.
Pàng được ba mẹ nuôi đưa đi khám ở Sài Gòn Ngọc Phương
Điều ám ảnh chị Phương nhất, trong gần 2.000 km từ Sài Gòn lên tới Mường Lát, không phải là những con đường khúc khuỷu, không phải cái lạnh buốt da mùa đông, mà đó là cái nghèo đói, khó khăn bủa vây những bà mẹ và em bé mảnh đất này.
Pàng là con thứ 4 trong một gia đình người dân tộc Mường, mẹ Pàng thần kinh không ổn định, bà chỉ trồng lúa, ngô để các con có cái ăn, nhưng cái đói thường xuyên chực chờ. 2 chân Pàng không thể chạy nhảy như các bạn, bà cũng đành nhìn con bò, lết trên đất cát mà không biết làm gì hơn.
"Tôi thương Pàng chảy nước mắt"
Những ngày đầu tiên về với gia đình mới ở TP.HCM, Pàng được tắm rửa sạch sẽ, cắt móng tay, mặc quần áo đẹp và học cách ăn cơm bằng đũa, muỗng giống như các anh các chị.
Em bé 6 tuổi nhưng chưa biết nói, Pàng được bà ngoại, mẹ Phương, ba Tín dạy các từ “ba”, “bà”, “má” đầu tiên. Thương nhất là Pàng háu ăn, bé ăn tất cả những gì đưa cho, một cách ngấu nghiến, ngon lành, có khi còn để dành thức ăn ở hai bên má, sau đó nhai lại, ăn tiếp.
“Tôi nhìn con mà thương chảy nước mắt, có lẽ một thời gian dài con bị bỏ đói và sống theo bản năng. Tôi không dám khóc trước mặt chồng, sợ anh lo lắng vì tôi đang có bầu. Tôi thương Pàng như thương đứa con mình đẻ ra”, Phương xúc động.
Phương, "cô tiên' của bé Pàng Ảnh nhân vật cung cấp
Tay bé Pàng và tay mẹ Phương ngày ở Mường Lát
Bàn tay bé Pàng trong tay mẹ Phương khi được về tới Sài Gòn Ngọc Phương
Những ngày qua, hai vợ chồng chị Phương đã đưa Pàng làm giấy tờ cá nhân, đi khám sức khỏe tổng quát, khám hai chân. Rất may mắn, các bác sĩ nói chân của Pàng chưa bại liệt vĩnh viễn, con có cảm giác và có thể hồi phục trong tương lai, nếu được điều trị kịp thời.
Mỗi ngày, Pàng ở nhà với bà ngoại, em bé đã biết khóc khi theo mẹ Phương đi làm, biết ê a gọi ba, mẹ, bà, biết xúc cơm ăn… Chị Phương cho biết, hai vợ chồng chị sẽ cố gắng để chữa cho đôi chân của Pàng khỏe lại, chỉ có như vậy mới giúp Pàng có một tương lai tươi sáng hơn.
“Tôi không biết mình sẽ khóc nhiều như thế nào khi Pàng phải về lại Mường Lát nữa”, chị Phương bảo.
Người phụ nữ đang ở số 7 Mỹ Phú 2, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM, bộc bạch: “Nhiều người hỏi xin tôi số tài khoản để chuyển tiền cho Pàng, nhưng tôi không cho vì sợ mọi người hiểu sai ý tốt. Tôi chỉ mong, nếu ai có lòng có thể gửi cho Pàng sữa tươi, tã quần, thế là mẹ con tôi nợ lòng tốt của mọi người nhiều lắm…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.