Cô gái 9x đam mê viết truyện lịch sử

30/03/2019 09:52 GMT+7

Học ngành Y Dược, nhưng Mai Hoàng Yến (26 tuổi) lại đam mê viết truyện lịch sử Việt Nam . Những câu chuyện do cô sáng tác được đăng tải trên Facebook đang thu hút giới trẻ, mỗi bài viết hàng chục nghìn lượt like và share.

Săn Mộ – chất riêng không thể trộn lẫn
Chia sẻ về lý do bắt đầu viết những mẩu chuyện về các nhân vật lịch sử và đăng tải trên trang Fanpage Săn Mộ, Hoàng Yến cho biết: “Tôi chỉ bắt đầu "say" lịch sử từ khi lăn lộn với nó để viết Săn Mộ. Cái "say" ngoài dự liệu này thúc đẩy tôi biến Săn Mộ từ một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt 4.000 năm Văn hiến. Nhưng bộ tiểu thuyết thì chỉ có hạn, mà tôi thì lại muốn đọc nhiều hơn, ghi nhớ nhiều hơn và truyền tải nhiều hơn. Những câu chuyện đã ra đời như vậy.”
Từ niềm yêu thích viết tiểu thuyết lịch sử, “Săn Mộ” đã được Hoàng Yến nuôi dưỡng qua nhiều ngày tháng. Series gồm có ba cuốn, trong đó tập một “Săn Mộ - Thông Thiên La thành” được dự kiến sẽ phát hành trong năm 2019. Tác phẩm dày khoảng 400 trang và được nhà sách Đinh Tị phát hành.
Hoàng Yến rất tâm đắc với đứa con tinh thần chuẩn bị được ra mắt bởi bối cảnh lịch sử đầy biến động, vào những năm cuối thời Lê Trung Hưng, khi đội quân Tây Sơn tiến ra Bắc tiêu diệt chính quyền họ Trịnh. Đi sâu vào thế giới của Săn Mộ, độc giả được phiêu lưu ngược dòng lịch sử, phải lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và vận mệnh dân tộc, đứng ở ranh giới mong manh giữa anh hùng và kẻ tội đồ.
Những câu chuyện lịch sử trên trang Fanpage Săn Mộ thu hút nhiều độc giả trẻ Thu Nga
Để hoàn thành tác phẩm này, cô nàng cũng đã gặp không ít khó khăn, nhưng may mắn gia đình vẫn luôn ủng hộ, dù thời điểm bắt đầu viết là vào những năm cuối đại học, đây là khoảng thời gian cần tập trung cao độ để bắt đầu sự nghiệp. “Gia đình đương nhiên nhắc nhở tôi đâu mới là mục tiêu hàng đầu. Có những giai đoạn tôi không thể ngồi ôm laptop. Bản thảo cuối cùng của Săn Mộ -Thông Thiên La thành được viết lại trong vòng một năm, hoàn toàn trên điện thoại.”, Hoàng Yến bộc bạch.
Để có thể đưa facebook của Săn Mộ lên con số hơn 40.000 lượt thích trên facebook là một quá trình dài, Hoàng Yến đã tham khảo từ rất nhiều nguồn như Đại Việt sử kí, Việt Nam sử lược, Lĩnh Nam chích quái, Việt Điện u linh, rồi cả báo mạng...
Tác giả trẻ lý giải: “Săn Mộ có tên gốc là Hoàng Đế, nhưng khi tìm kiếm trên Google thì có tới hàng trăm kết quả khác nhau. Tôi cần một cái tên khác, đủ độc, đủ ngầu, đủ bao hàm toàn bộ ý nghĩa truyện. Săn Mộ là nghề nghiệp của dàn nhân vật. Tôi chốt cái tên đó ít nhất thì bây giờ mỗi khi search Săn Mộ, page sẽ trình diện đầu tiên.”
Câu chuyện lịch sử thú vị
Rất nhiều bạn trẻ là fan của page Săn Mộ đã nhận xét rằng, cách viết của Hoàng Yến giúp những câu chuyện lịch sử rất thú vị, rất “mặn” nên dễ nhớ. Mỗi bài viết thu hút đến hàng nghìn lượt thích, hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Đặc biệt là bài viết “Lý Chiêu Hoàng - đoạn kết của một vương triều” có đến hơn 18.000 like và gần 10.000 lượt share trên Facebook cho thấy độ “mặn” nhưng giàu giá trị lịch sử trong bài viết của cô nàng này.
Yến bộc bạch: “So với những người nghiên cứu lịch sử chính thống thì gánh nặng của tôi nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Là một người sáng tác, tôi không tham vọng lần tới sự thật lịch sử, cái tôi tìm kiếm là những điều khiến tôi cảm thấy hứng thú nhất, là chất liệu viết tuyệt vời nhất. Khi viết những câu chuyện lịch sử tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng cái gì mình thích thì độc giả cũng sẽ thích. Trên thực tế, bản thân lịch sử Việt Nam đã đủ mặn, tôi chỉ cần bỏ thêm chút gia vị cho đậm đà hơn mà thôi.”
Cùng thời điểm phát hành với “Săn Mộ - Thông Thiên La thành”, “Khói” sẽ là cuốn sách tập hợp lại những mẩu chuyện đã được đăng tải trên Fanpage. Dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm đầu tay về lịch sử, Hoàng Yến tâm sự: “Khi viết Săn Mộ, tôi hy vọng mỗi độc giả đều tin rằng giữa đại ngàn không chỉ có cỏ cây, dưới chân cũng không toàn sỏi đá và cát bụi. Thông Thiên La thành là bước chạy đà đầu tiên trong chuyến phiêu lưu tìm kiếm bí mật vĩ đại nhất của Việt tộc. Hãy dấn thân vào cuộc hành trình này và tôi sẽ cho bạn thấy mình có thể đẩy sức sáng tạo đi xa tới đâu.”
Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ tư trong kỳ thi vào lớp 10 là môn lịch sử. Cũng vì lý do này mà lịch sử lại được nhắc đến nhiều hơn trên các diễn đàn. Nhà văn 9x không ngại chia sẻ: “Hiện một bộ phận giới trẻ không còn say mê với bộ môn lịch sử, đặc biệt là tìm tòi về lịch sử Việt Nam. Tôi không hề có tham vọng chạm tay tới sự thật lịch sử, vậy nên tôi cũng không mong độc giả quá phụ thuộc vào những câu chuyện mình kể trong Khói. Điều tôi muốn là cho giới trẻ một lí do để bắt đầu "say" với lịch sử dân tộc. Từ cái "say" ban đầu ấy, mỗi người rồi sẽ lựa chọn được cho mình một hướng đi riêng”.
Luôn trăn trở làm thế nào để giới trẻ yêu thêm sử Việt. Hai cuốn sách sắp ra đời sẽ là "phát súng" đầu tiên trên hành trình chinh phục người yêu lịch sử của cô gái 9X.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.