Chúng cháu không muốn phải lao động sớm!

Thu Hằng
Thu Hằng
08/06/2019 07:07 GMT+7

'Trẻ em không nên làm việc trên đồng ruộng, mà phải được nuôi dưỡng ước mơ. Tất cả trẻ em, cho dù có hoàn cảnh thế nào, đều phải được tự do tiếp cận giáo dục và những kỹ năng cho phép các em ước mơ về một tương lai tốt đẹp cho bản thân'.

Đây là thông điệp được ông Chang Hee-lee, Giám đốc văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN, chia sẻ tại diễn đàn vận động chính sách hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2019 do Bộ LĐ-TB-XH, T.Ư Đoàn và ILO phối hợp tổ chức ngày 7.6 tại Hà Nội.
Diễn đàn hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12.6) với chủ đề “Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ”.

Xử lý nghiêm việc bóc lột sức lao động trẻ em

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, tại VN có khoảng 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động (chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi).
“Trẻ em phải được học tập và vui chơi theo đúng quyền của mình. Lao động trẻ em có thể gây ra tổn hại rất lớn cho bản thân và toàn xã hội vì nó ngăn cản không cho trẻ được học hành và cản trở sự phát triển lành mạnh về tinh thần và các chương trình học tập cùng những ước mơ của các em”, bà Hà chia sẻ.
Ông Chang Hee-lee nhìn nhận: “Nhiều trẻ em ở VN phải làm việc ngoài trời và ở những khu vực phi chính thức, khó tiếp cận, với các hoạt động có nguy cơ bị tai nạn cao, nhiệt độ khắc nghiệt, môi trường độc hại. Kết quả của cuộc điều tra đã cho thấy 1,31 triệu trẻ em lao động tại VN có nguy cơ tham gia những công việc nguy hiểm”.

T.Ư Đoàn sẽ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em. Thông qua các phong trào của mình, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giúp các em có điều kiện rèn luyện kiến thức, kỹ năng, phát triển các ước mơ, hoài bão của mình

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư

Đại diện cho 200 trẻ em tham dự diễn đàn, Lê Thị Thu Ngân, học sinh Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), bày tỏ: “Khi chứng kiến các bạn nhỏ phải lao động vất vả, cháu tự hỏi người thân các bạn ở đâu? Tại sao các bạn phải làm công việc như vậy? Sao không được quyền của trẻ như những đứa trẻ khác? Chúng cháu mong muốn tất cả các bạn sống ở nông thôn, thành thị hay vùng núi đều được cắp sách đến trường, không ai phải đi làm sớm, không ai phải lang thang kiếm sống, không phải làm việc trong môi trường độc hại. Chúng cháu mong muốn mọi trường hợp bóc lột sức lao động đều bị xử lý nghiêm minh”.

Chung tay giúp trẻ chạm tới ước mơ

Là đại diện cơ quan nói lên tiếng nói và nguyện vọng trẻ em, giám sát quyền trẻ em, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, chia sẻ: “Chúng tôi ý thức rằng “trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”, mỗi đất nước, mỗi dân tộc, mỗi xã hội trong tương lai phát triển như thế nào phần lớn dựa vào ngày hôm nay. Vì vậy, chúng ta phải hỗ trợ, quan tâm, giáo dục các em. Với chức năng nhiệm vụ của mình, T.Ư Đoàn sẽ cố gắng thu thập, tổng hợp toàn bộ ý kiến, nguyện vọng của các em ở các vùng, các địa bàn khác nhau, trong đó có những kiến nghị với các cơ quan chức năng thực hiện tốt các công việc này”.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chính phủ cũng có kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với 17 mục tiêu, trong đó có mục tiêu 8.7, nhằm xóa bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ và đến năm 2025 chấm dứt toàn bộ các hình thức lao động trẻ em.
Anh Nguyễn Ngọc Lương cũng cho biết tới đây T.Ư Đoàn sẽ cố gắng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em. “Thông qua các phong trào, các hoạt động, các chương trình của mình, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giúp các em có điều kiện rèn luyện kiến thức, kỹ năng, phát triển các ước mơ, hoài bão của mình”, anh Lương khẳng định.
Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, ông Chang Hee-lee cho rằng pháp luật và chính sách của VN liên quan đến lao động trẻ em cần được rà soát và sửa đổi để đảm bảo sự gắn kết và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng và khởi xướng các chương trình hỗ trợ sinh kế cho các gia đình cần sự trợ giúp, đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo nghề.
“Trẻ em không nên làm việc trên đồng ruộng, mà phải được nuôi dưỡng ước mơ. Tầm nhìn của ILO là tất cả trẻ em, cho dù có hoàn cảnh như thế nào, đều phải được tự do tiếp cận giáo dục và những kỹ năng cho phép các em ước mơ về một tương lai tốt đẹp cho bản thân, bước vào thế giới việc làm đàng hoàng khi trưởng thành và đóng góp tích cực cho xã hội, cho gia đình và cộng đồng. ILO cam kết hỗ trợ VN trong những vai trò khác nhau để ngăn chặn lao động trẻ em tại VN”, ông Lee nhấn mạnh.
Theo ông Lee, nếu bất kỳ ai trong cộng đồng chứng kiến một trường hợp lao động trẻ em, hãy lên tiếng và tạo ra sự thay đổi, bằng cách liên hệ với đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia theo số 111. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.