Chửi bậy, nói tục 'văng' khắp mạng xã hội

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/03/2019 07:51 GMT+7

Chửi bậy trong comment (bình luận), bài viết, livestream (phát trực tiếp) trên Facebook hoặc đăng lên YouTube để thu hút người xem. Chửi bậy, nói tục ngày càng tấn công dữ dội khắp mạng xã hội.

Văng tục càng nhiều, lượng theo dõi càng lớn

Chỉ cần gõ vài từ khóa trên thanh tìm kiếm của Facebook, không khó tìm ra những fanpage có những tên như “chửi”, “chửi bậy” hoặc những từ tục tĩu khác với hàng chục ngàn lượt đăng ký theo dõi. Những trang này có nội dung bài viết xoay quanh kể chuyện đời thường, nhưng kèm từ chửi bậy hoặc có khi mỗi bài viết vô cùng đơn giản như chỉ một dòng “hôm nay mưa lớn quá”, “có một con muỗi cắn tao” nhưng kèm theo đó là những từ ngữ văng tục. Phía dưới, rất nhiều dòng bình luận của các tài khoản cũng hùa theo, bình luận lại hoặc đặt các câu hỏi khiếm nhã cũng với các từ ngữ trên.
Nữ nghệ sĩ X. không xa lạ với cộng đồng mạng bằng những màn chửi bậy, nhiều lần phát trực tiếp để nói về một chủ đề nào đó, kèm theo những tiếng chửi bậy rất nặng khiến người xem có thể đỏ mặt tía tai vì xấu hổ. Tuy nhiên, lượng người theo dõi trang của nghệ sĩ này lên đến hàng chục ngàn. Không chỉ đăng tải công khai các video chửi, người này cũng chia sẻ nhiều ảnh chụp màn hình đã chửi nhau với người hâm mộ của mình bằng những từ ngữ khó nghe khác. Nếu có bình luận nào trái chiều, lập tức nghệ sĩ này đáp trả bằng màn chửi bậy quen thuộc.
Những phần hội thoại, từ ngữ tục tĩu được viết công khai trên mạng xã hội
Người ta cũng không xa lạ với K. sau hàng loạt video trên Facebook và YouTube chửi bậy. Mỗi video clip người đàn ông này chửi bậy, dạy dỗ đàn em... thu hút có khi hơn 8 triệu lượt xem, hàng trăm bình luận, phần nhiều trong số bình luận này cũng là những câu chửi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Bùi Việt Thành, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thừa nhận thực tế: “Ngày nay, nhiều người dùng mạng xã hội như Facebook, YouTube để phát tán những hình ảnh, những câu nói gây sốc, có thể nói là những lời “nói tục, chửi bậy” hay hình ảnh sex nhằm thu hút người dùng tham gia trong các nhóm. Và còn hàng trăm biểu hiện lệch lạc khác đang xảy ra trên các trang mạng xã hội chỉ mục đích câu like, muốn thể hiện sức mạnh bản thân, hay nói cách khác cá nhân tự cho mình có quyền lực, ảnh hưởng đến người khác. Mạng xã hội trở thành mảnh đất cho mọi người thể hiện, nhất là tầng lớp trẻ, nơi họ không chịu sự kiểm soát chặt chẽ của gia đình và cả xã hội. Họ thoải mái thể hiện bản thân, phổ biến nhất là dùng “lời nói” thiếu chuẩn mực xã hội, thậm chí có cả hội chửi thuê”.

Chửi bậy, viết bậy để xả stress ?!

P.T.Y, quản lý fanpage L.X.M chuyên chửi bậy trên Facebook thừa nhận với người viết: “Tôi lập ra trang này và có những từ ngữ kèm theo hơi thô chỉ để xả stress mà thôi (?!). Mỗi chúng ta bên ngoài luôn phải sống theo khuôn phép, có khi cả ngày ngồi im lặng trước máy vi tính để làm việc, không được dám sống thật với con người mình. Nếu lên mạng mà cũng phải ngoan hiền nữa thì cuộc sống quá chán. Nhiều bài viết của tôi mang tính giải trí là chính, người theo dõi cũng mục đích để xả stress. Chúng tôi chỉ nói bậy trên mạng thôi, ngoài đời rất ngoan (!?)”.
Trong khi đó, anh N.S, nhân viên công ty quảng cáo, trú đường Lê Quang Kim, P.9, Q.8, TP.HCM, cho hay một trong những thói quen anh hay làm là mở các kênh YouTube có nội dung lạ như đánh bài tiến lên có lời bình luận dùng nhiều từ “lóng”, đánh chửi nhau ngoài đường phố, ai đó đang chửi bậy… “Đầu tiên thì xem vì tò mò, sau đó càng xem càng như bị nghiện. Tôi cứ mở theo thói quen, vì không xem thì khó chịu. Bây giờ tôi phải dằn lòng bảo mình cố gắng không mở nữa”, anh N.S thú thật.
Thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên dạy ngữ văn, Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), chia sẻ thực tế có nhiều bạn trẻ dùng mạng xã hội 2/3 thời gian trong ngày, dần dần mất kỹ năng giao tiếp với cuộc sống bên ngoài.
“Cảm giác nếu lên mạng và bắt gặp chính học trò của mình nói tục, chửi bậy, tôi thấy rất buồn, vì điều đó minh chứng rõ ràng cho sự thất bại trong mục tiêu giảng dạy môn văn. Văn học không chỉ xây dựng cho học sinh kiến thức, kỹ năng cảm thụ mà còn hình thành chuẩn mực trong nhân cách mà ngôn từ trong giao tiếp là phương diện phản ánh. Thế nên, người ta mới bảo văn học là nhân học...”, thầy Huy bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.