Chờ Sài Gòn sau ngày 30.9: Nghe tháo chốt trước giờ G mừng đến phát khóc

26/09/2021 15:45 GMT+7

Người lao động tại Sài Gòn đang chờ đợi từng giờ, từng phút để sau ngày 30.9 được nới lỏng giãn cách và đi làm trở lại. Nay nghe thông tin sẽ tháo các chốt, rào chắn trước giờ G, nhiều người mừng đến phát khóc.

Như Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 25.9 tại chương trình tọa đàm trực tuyến do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức về chủ đề kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thông tin trong cuộc họp ngày 24.9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc tháo gỡ chốt kiểm soát trong nội ô đã được thống nhất. “Chúng ta sẽ xóa hàng rào trước ngày 30.9, để bước sang ngày 1.10 sẽ có một hướng mới”, ông Ngân nói.

“Thấy có hy vọng được đi làm trở lại rồi”!

Nghe thông tin sẽ tiến dần đến việc tháo gỡ các chốt kiểm soát nội ô trước ngày 30.9, Trần Thị Minh Hằng (29 tuổi, ngụ tại Chung cư Fresca Riverside, P. Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) vui mừng hỏi lại như không tin: “Ôi! Đã được mở thật rồi sao?”.

Mọi người đang rất hy vọng sẽ sớm được đi làm trở lại

KHẢ HÒA

“Chồng tôi làm xây dựng, các công trình xây dựng nghỉ 4 tháng nay nên công ty cũng không có tiền chi trả. Tháng đầu công ty hỗ trợ 50% lương cơ bản, tháng 8 và 9 thì chỉ chuyển có 1 triệu. Mà chồng tôi là trụ cột chính trong gia đình nên tiền lãi ngân hàng cứ đến tháng phải trả khiến cả 2 vợ chồng áp lực vô cùng. Chính vì vậy, nghe thông tin được tháo gỡ các chốt, không chỉ vợ chồng tôi mà người dân khắp thành phố chắc ai cũng vui mừng. Đây là tín hiệu cho việc dần nới lỏng giãn cách và thấy có hy vọng được đi làm trở lại rồi”, Hằng bày tỏ.
Phạm Hoàng Thùy Trang (18 tuổi, ngụ trên đường Bà Triệu, H.Hóc Môn, TP.HCM) không kiềm được cảm xúc, chia sẻ: “Nghe được thông tin tháo gỡ các chốt mà gia đình em ai cũng mừng muốn phát khóc luôn, mẹ cũng vui vì hy vọng là sẽ sắp được ra đường đi làm. Mấy tháng vừa qua nhà em thật sự rất khó khăn, mẹ bị mù nhưng là trụ cột chính của gia đình, thường ngày đi bán vé số kiếm tiền trang trải nhưng dịch này thì mẹ chẳng được đi bán, thu nhập cũng không có nhưng lại không nằm trong danh sách được hỗ trợ. Chỉ có bà ngoại nhận được hỗ trợ cho hộ nghèo 1,2 triệu đồng và túi an sinh 300.000 đồng. Mọi người cho trứng gà, thịt và rau củ rồi cả gia đình dành dụm sống qua ngày”.

Các chốt chặn, rào chắn là nỗi ám ảnh của người dân sống trong vùng dịch

KHẢ HÒA

Trang cho biết có những hôm ăn cơm mà cứ sợ hôm nay ăn nhiều thì ngày mai lấy gì để ăn. Mỗi bữa ăn, gia đình Trang cố gắng tằn tiện từng chút một, ai cho gì thì ăn nấy. Vì vậy mong ước lớn nhất của Trang và mẹ là sẽ sớm được đi làm để còn có tiền trang trải cuộc sống.
“Tiền ăn hằng ngày cũng không có, em lại là sinh viên năm nhất nên việc đóng học phí để có mã sinh viên là điều mà em đang rất lo hiện nay. Chính vì điều đó nên việc gỡ hết chốt chặn là điều hạnh phúc đối với em và mọi người. Mong sao cho dịch bệnh mau chóng qua đi, trả lại cho mọi người sự bình yên để em cũng có thể kiếm việc làm  phụ giúp mẹ”, Trang bày tỏ.

TP.HCM: Thêm 3.495 ca Covid-19 xuất viện, tổng cộng 190.573 bệnh nhân hồi phục

Con sẽ có sữa để uống…

Chị Phan Thị Tài Linh (31 tuổi, trọ trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) từng khóc nghẹn chia sẻ: “Mình chỉ mong hết giãn cách để được đi làm trở lại. Quá khổ rồi, ở nhà mấy tháng nay, con nhỏ 2 đứa kêu khóc cả ngày, tiền ăn không có, tiền trọ nợ mấy tháng, cha mẹ già yếu ở quê không có tiền gửi về lo”. Nghe được thông tin sẽ gỡ các chốt chặn, rào chắn trước giờ G, chị Linh vui mừng bày tỏ: “Vợ chồng tôi chỉ muốn được đi làm trở lại để còn có tiền trả tiền trọ, tiền nợ mấy tháng nay. Được đi làm lại là vui nhất rồi vì con sẽ có sữa để uống chứ từ bữa dịch đến giờ cứ thấy có chỗ nào cho sữa là tôi lại gọi điện đến xin. Con nhỏ không có sữa uống nó quấy khóc cả ngày, làm cha làm mẹ tôi xót lắm”.

Sau nhiều tháng phải giãn cách chống dịch, nhiều lao động trẻ chỉ mong được gỡ giãn cách để họ được đi làm kiếm tiền sinh sống

KHẢ HÒA

Đào Đình Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Thiệt sự là hay tin thành phố dần nới lỏng giãn cách, tháo gỡ các chốt chặn thì mọi người trong đó có cả gia đình em vui lắm. Gần nửa năm qua đại dịch đã khiến kinh tế của mỗi gia đình đều gần như kiệt quệ. Những gia đình lao động như nhà em thật sự rất vất vả và chật vật. Gia đình em hay nhiều hộ gia đình khác đều phải đi vay mượn từ nhiều chỗ để có thể trang trải. Gánh nặng nợ nần, bữa ăn hằng ngày khiến ai cũng áp lực và chỉ muốn được đi làm trở lại”, Đức bày tỏ.

Không còn ai mong muốn nhìn thấy cảnh rào chắn khắp mọi ngã đường như thời gian qua

KHẢ HÒA

Nguyễn Thị Hoài Phương (22 tuổi, ngụ tại Quốc lộ 1A phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM) khi hay tin sẽ tháo gỡ các chốt chặn trước ngày 30.9 thì cho biết điều đầu tiên  sẽ làm là đi mua nhang về thắp cho bà ngoại đã mất vì Covid-19.
“Cả nhà mình nhiễm Covid-19 hơn 1 tháng nay. Và Covid còn cướp đi bà ngoại của mình nữa nên mình thấy sợ nó vô cùng. Nghe tin gỡ các chốt chặn, dần tiến đến nới lỏng giãn cách mình cũng thấy nhẹ lòng. Chỉ mong hết giãn cách để có thể đi chợ mua đồ thuận tiện hơn. Mấy ngày đầu ngoại mất còn không tìm mua được nhang đốt cho ngoại em nữa, cũng không mua được trái cây làm mâm cúng”, Phương nghẹn ngào chia sẻ. 
“Mình mong Sài Gòn sau ngày 30.9 cuộc sống được trở lại bình thường, tháo hết chốt chặn, nới lỏng giãn cách để còn có thể đi làm thêm phụ giúp cho mẹ. Sức khỏe mẹ giờ còn yếu hơn cả lúc bị dương tính do mẹ đã quá suy sụp trong đợt dịch đợt này”, Phương bùi ngùi nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.