Chợ đêm làng đại học: Điểm hẹn kinh doanh của sinh viên

29/12/2019 07:31 GMT+7

Không còn chỉ bán hàng trên mạng, không còn phải lo địa điểm để có thể đưa sản phẩm khởi nghiệp ra thị trường... Từ nay, sinh viên đã có một chợ đêm hoàn toàn mới, nơi sinh viên có thể thỏa sức thử tài kinh doanh và khởi nghiệp.

Sau hơn gần 2 năm vắng bóng, mới đây một phiên bản mới của chợ đêm làng đại học mang tên “Điểm hẹn cuối tuần” đã được khai trương ngay trong khuôn viên Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM (Q.Thủ Đức). Tại đây, nhiều gian hàng đang hỗ trợ miễn phí để sinh viên (SV) trải nghiệm kinh doanh và khởi nghiệp.

Gian hàng của 3 cô gái luôn thu hút các bạn trẻ

Tết này chắc sẽ “ấm” hơn

Hỗ trợ tối đa cho sinh viên

Theo chị Bùi Huỳnh Kiều My, Trưởng phòng Tổ chức - hành chính - quản trị Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, “điểm hẹn cuối tuần” được SV gọi là chợ đêm đã khai trương từ ngày 20.12 và hiện tại có gần 200 gian hàng hoạt động vào hầu hết các buổi tối trong tuần. Phiên chợ lập ra nhằm hỗ trợ tối đa cho SV trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh. Bên cạnh đó, những câu lạc bộ, đội, nhóm thực hiện bán hàng gây quỹ cho các chiến dịch tình nguyện đều sẽ được hỗ trợ miễn phí gian hàng.
Có mặt từ 16 giờ 30, nhóm 3 bạn nữ Trương Thị Phượng, Lê Thị Bích Phượng và Lê Thị Thu Nhi (cùng là SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) hối hả dọn hàng ra bán. Trong tích tắc, Phượng cùng 2 bạn đã dọn xong quầy hàng.
Mặc dù gian hàng rất đơn giản, nhưng 3 cô gái thiết kế quầy hàng của mình cũng nhí nhảnh đáng yêu như chủ nhân của chúng. Nhóm Phượng tận dụng những thùng cạc tông để làm bàn trưng bày sản phẩm, rồi thiết kế thêm những sợi dây điện chớp nháy đủ màu sắc, cộng với cách bố trí rất dụng công những sản phẩm nhỏ nhắn, xinh xắn… khiến gian hàng của nhóm luôn níu chân nhiều SV khi đến phiên chợ.
Nhóm Phượng bán các mặt hàng làm điệu cho hội chị em như kẹp tóc, bông tai, mắt kiếng, các loại mũ điệu đà từ vật liệu mây, tre, cói… Nhìn mặt hàng nào cũng đáng yêu và được nhiều bạn trẻ ưa thích nên người viết hỏi bí quyết chọn hàng để bán, thì 3 cô gái nhìn nhau cười. Phượng cho biết nhờ một người quen nên nhóm có được nguồn hàng ưng ý, không những thế còn vừa túi tiền của SV.
“Tụi em không tốn quá nhiều vốn, trước đây khi bán online thì các bạn chọn mẫu nào tụi em lấy về mẫu đó để bán. Còn mấy hôm nay được ra bán miễn phí ở chợ nên tụi em mới lấy hàng về nhiều, nhưng bán được 2 đêm mà hàng đã gần hết, nên cũng hào hứng lắm”, Phượng kể và chia sẻ thêm: “Được bán ở đây khác cảm giác bán trên online rất nhiều, vì tụi em được gặp gỡ bạn bè, được cười cười nói nói với nhiều người nên rất vui. Nhưng trước đây là SV thì đâu có tiền để thuê địa điểm, còn bán ngoài đường lại bị những người bán lâu năm xua đuổi. Được có nơi bán như thế này, SV tụi em rất vui và hy vọng kiếm được kha khá để tết này sẽ ấm hơn”.

Không phải chật vật xin việc làm thêm

Kỹ năng bán hàng của Nguyễn Lê Dương Khánh, SV Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, rất điêu luyện. Khánh sở hữu gian hàng miễn phí để thử tài kinh doanh trong thời gian đầu tiên.
Trước đây, khi chợ đêm cũ còn hoạt động, Khánh đi bán giày dép thuê cho một tiểu thương ở chợ. Từ đó, anh chàng thấy mình có năng khiếu bán hàng, thế là bắt đầu tìm nguồn và nhập áo quần về bán. Theo Khánh, việc tìm nguồn hàng rất đơn giản, chỉ cần lên mạng và gõ cụm từ “chuyên sỉ quần áo” là hàng loạt các trang hiện ra và việc của chúng ta là chọn chỗ uy tín, mẫu mã đẹp mà giá cũng phải vừa túi tiền SV.
Ngoài hàng thời trang, Khánh còn kết hợp với người bạn thân đam mê thiết kế để tự tạo nên những chiếc áo “không đụng hàng”. “Bạn em thiết kế rồi đưa đến cơ sở để người ta gia công đúng theo ý muốn của mình. Tụi em chọn vải tốt mà tự thiết kế nên hạ được giá thành rất nhiều. Vì cùng là SV nên em muốn bên cạnh việc kiếm tiền vẫn giúp các bạn có thể mặc được hàng chất lượng mà giá cả đúng chất SV”, Khánh chia sẻ.
Chính vì bán những mặt hàng hiểu được tâm lý SV, nên chưa được nửa buổi chợ mà Khánh đã bán được 9 - 10 chiếc áo. Từ công việc kinh doanh này, Khánh có thể tự trang trải mọi sinh hoạt và học tập. “Tận dụng lúc được hỗ trợ không gian bán hàng thì sẽ dễ kiếm lời hơn, hơn nữa gần tết cũng không phải chật vật xin việc làm thêm”, Khánh nói.
Từ khi thấy thông tin chợ đêm sẽ mở lại và hỗ trợ gian hàng để SV kinh doanh, khởi nghiệp thì Trịnh Ngọc Việt, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đăng ký và chọn cho mình một gian để bán mặt hàng lưu niệm là chuồn chuồn tre.
“Thường thời gian ban đêm cũng không làm gì nên mình muốn thử tài kinh doanh, có được địa điểm đông vui thế này lại không phải tốn nhiều tiền thuê mặt bằng. Hơn nữa, có đi làm kiếm tiền mới biết quý trọng đồng tiền mà cha mẹ lo cho mình ăn học”, Việt tâm sự.
Dạo quanh chợ vài vòng, Nguyễn Minh Duy, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, quyết định tìm đến quầy tư vấn của chợ đêm với ý định đăng ký một gian để bán chính mặt hàng khởi nghiệp của nhóm. Duy kể: “Nhóm tụi em làm các sản phẩm liên quan đến việc bảo vệ môi trường như ống hút cỏ, ống hút tre và liên kết với nhóm các anh chị cựu SV làm về sản phẩm quai xách nước từ các vật liệu thân thiện. Bên cạnh đó, cũng có những sản phẩm nông nghiệp sạch và em thấy ở chợ đêm chưa có những mặt hàng này nên định đăng ký để kinh doanh thử xem thế nào”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.