Chàng trai Việt giả ăn xin thử lòng dân nghèo Nepal nhận cái kết bất ngờ

31/08/2016 15:45 GMT+7

'Nhiều người cho tiền ăn xin theo phản xạ, nhưng đến lượt tôi, họ nghiêng đầu đọc tờ giấy có nội dung: Tôi vui. Hãy lấy tiền nếu bạn buồn. Hãy cho tôi tiền nếu bạn vui. Thế là, họ quyết định cho tôi nhiều hơn', Quỳnh kể.

Du lịch bụi để trải nghiệm là xu hướng sống đang được lòng người trẻ thời gian qua. Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1985, Hà Nội) cũng là một người trẻ giàu đam mê chinh phục như thế. Nhưng không dừng lại ở việc cảm nhận, khám phá địa danh mới đến, Quỳnh còn bắt tay thực hiện một kế hoạch thú vị - giả làm ăn xin để kiểm tra suy nghĩ về “cho và nhận, vui và buồn” của người dân nghèo ở đất nước mà anh đặt chân đến - Nepal. Và kết quả sau cuộc thử nghiệm ấy đã khiến Quỳnh cùng nhiều người khác bất ngờ.

Sau nhiều ngày quan sát, Ngọc Quỳnh nhận ra ở Nepal có rất nhiều người ăn xin. Thực tế ấy thúc đẩy anh muốn làm điều gì đó để đo mức độ hạnh phúc của con người nơi đây.
Quỳnh hòa mình vào nhóm người ăn xin ở bảo tháp Boudhanath Ảnh NVCC
Không phải cứ nghèo thì con người sẽ có xu hướng thích nhận hơn là cho, có những giá trị khác vượt trên sức nặng của đồng tiền, đó chính là nền tảng của hạnh phúc.
Nguyễn Ngọc Quỳnh
Khoảng 6 giờ 30 sáng 30.8, anh đóng giả người ăn xin ngồi ở khu vực bảo tháp Boudhanath (Kathmandu, Nepal) nơi nhiều người theo đạo Phật thường xuyên đi nhiễu tháp (đi vòng quanh tháp). Quỳnh chọn nơi có hai người bán vòng hạt, kiêm ăn xin để bắt đầu kế hoạch của mình.

Đầu tiên, chàng trai Việt viết những dòng chữ sau lên một tấm bảng: “Im Happy. Take if you sad. Give if you happy” (tạm dịch: Tôi vui. Hãy lấy tiền nếu bạn buồn. Hãy cho tôi tiền nếu bạn vui). Sau đó, anh tự bỏ vào mũ của mình 15 tờ 5 Rupees (NPR) (khoảng 15.000 đồng) để ai đó lấy nếu họ buồn. Cứ thế, anh bắt đầu "hành nghề".

'Tôi vui. Hãy lấy tiền nếu bạn buồn. Hãy cho tôi tiền nếu bạn vui'  Ảnh NVCC

Kết quả thật bất ngờ, không ai lấy tiền từ chiếc mũ "cái bang" của anh, họ chỉ cho tiền. Ngọc Quỳnh kể với Thanh Niên: “Những người ăn xin ngồi cạnh tôi được cho trung bình từ 5 đến 20 Rupees (1 - 4.000 đồng). Tôi được trung bình từ 5 đến 200 Rupees (1 - 40.000 đồng). Một lúc sau, tôi thành hiện tượng lạ khi có rất nhiều người kéo đến cho tiền”.

Cứ như vậy, 30 phút sau Ngọc Quỳnh được cho 3.000 Rupees (hơn 600.000 đồng). Số tiền này có thể là con số nhiều nhất từ trước đến giờ một người ăn xin tại đây có thể nhận được.

"Khi những người ăn xin khác đi qua, tôi gọi họ vào rồi lấy tiền từ mũ của mình chia cho họ. Điều này khiến những người địa phương rất bất ngờ. Cũng có nhiều người từ thiện theo phản xạ, nhưng đến lượt tôi, họ nghiêng đầu đọc tờ giấy rồi mỉm cười vui vẻ rồi quyết định cho tôi nhiều hơn. Điều đó khiến tôi thấy vui vui", Ngọc Quỳnh kể.

Anh được nhiều người xúm lại cho tiền ở Nepal Ảnh NVCC

Số người đổ đến xem người ăn xin lạ mặt có cách xin tiền thú vị ngày một đông. Sợ làm ảnh hưởng đến giao thông, chàng trai Việt kết thúc buổi xin ăn. Anh chia số tiền xin được cho những người hành khất ở Nepal, số còn lại anh dùng để mua quà lưu niệm, kỷ niệm kế hoạch ăn xin ở xứ người thành công vượt mong đợi".

Trao đổi với Thanh Niên, Quỳnh cho biết mục đích chính của việc làm này là muốn thử xem liệu có ai cho hoặc nhận tiền của mình không, liệu việc đó có làm nên một vòng tròn cho và nhận hay không. Và kết quả cho anh thấy rằng: Không phải cứ nghèo thì con người sẽ có xu hướng thích nhận hơn là cho, có những giá trị khác vượt trên sức nặng của đồng tiền, đó chính là nền tảng của hạnh phúc.

Quỳnh thuyết phục một người dân nhận tiền mình xin được. Anh nói: 'Hãy nhận đi, anh vui thì tôi vui' Ảnh NVCC

Cách giả làm ăn xin thử lòng người dân Nepal của Ngọc Quỳnh ở góc độ nào đó giống với những bài kiểm tra tâm lý đám đông mà nhiều người trên thế giới vẫn làm như giả vờ rơi ví, dán tiền lên người… Song cách tiếp cận đám đông của Quỳnh có phần đa chiều hơn, anh chủ động tương tác với mọi người bằng cách bỏ vào chiếc mũ của mình 15.000 đồng để cho đi trước khi nhận về. Cách làm này của Quỳnh được đánh giá là khéo léo và để lại nhiều thiện cảm cho người lắng nghe câu chuyện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.