Chàng trai muốn xây thật nhiều nhà vệ sinh cho trẻ em nghèo

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/11/2018 19:51 GMT+7

Bán bánh bột lọc, bán quần áo, bánh kẹo ở các hội chợ… Phạm Tâm Tuấn Khương không ngần ngại công việc để có thể gây quỹ cho những dự án cộng đồng mà anh và đồng đội đang theo đuổi.

Phạm Tâm Tuấn Khương là cái tên không xa lạ với những bạn trẻ đam mê hoạt động cộng đồng tại TP.HCM. Chàng trai 26 tuổi là đồng sáng lập dự án Bếp Sẻ Chia (The Sharing Kitchen), không chỉ mang đến cho người già, trẻ em các mái ấm những bữa ăn ngon, dự án của Khương đang theo đuổi kế hoạch xây nhiều nhà vệ sinh an toàn, những hệ thống nước sạch cho trẻ em nghèo ở nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam.
Từ bữa ăn đặc biệt tới những nhà vệ sinh sạch đẹp
6 năm trước, Phạm Tâm Tuấn Khương khi mới là chàng trai 20 tuổi đã mang 600.000 đồng có được để bắt đầu hành trình gây quỹ cho những bữa ăn ngon, đặc biệt cho người già, trẻ em tại các mái ấm trong TP.HCM. Đó là cơ duyên để Bếp Sẻ Chia -The Sharing Kitchen ra đời, nhận được sự ủng hộ của đông đảo các mạnh thường quân. Đến nay, Khương và các bạn trẻ trong đội ngũ của anh đang đồng hành cùng 4 mái ấm là La Vang, Sơn Kỳ, mái ấm khiếm thị Bừng Sáng và Dưỡng Lão Thiên Ân trên địa bàn thành phố, mỗi năm mang tới gần 2.000 bữa ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn nơi này.
Một nhà vệ sinh tại Đắk Lắk do Bếp Sẻ Chia và các mạnh thường quân xây dựng Khương Phạm
Khương chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ mang tới các bữa ăn thông thường, mà phải là những bữa ăn ngon, đặc biệt, để người ăn sẽ nhớ. Ngoài những bữa ăn, chúng tôi còn giúp đỡ mọi người có máy giặt, thuốc men, sữa tã cho người già; máy tính, sách vở cho các em nhỏ. Thành viên của Bếp Sẻ Chia rất đa dạng, nhưng điều quan trọng là tất cả mọi người đều hiểu, hành trình mình đang đi là lâu dài, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các em nhỏ các mái ấm cả cuộc đời, khi các em lớn lên, học ĐH, đi làm, cưới vợ, gả chồng, lúc khó khăn hoạn nạn… chứ không phải chỉ đến tặng cho hộp bánh, cục kẹo một hai lần rồi thôi”.
Năm 2014, khi cùng các mạnh thường quân đi thực tế tại một số địa phương, Khương và mọi người nhìn thấy trẻ em, người dân ở nhiều vùng quê, nhiều trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không vệ sinh chút nào. Họ bắt tay vào việc xin tài trợ của nhiều phía, đến nay, những người bạn trẻ đã xây dựng được 4 nhà vệ sinh, và đang gấp rút hoàn thiện kế hoạch để giữa tháng 12.2018, cùng các bạn trẻ trong nhóm Tô Đậm xây dựng hoàn thiện nhà vệ sinh tại Trường tiểu học An Lạc Thôn 2, tỉnh Sóc Trăng.
Giữa tháng 12 tới đây, nhà vệ sinh tại Trường tiểu học An Lạc Thôn 2 sẽ được xây dựng lại khang trang hơn, đẹp đẽ hơn Khương Phạm
Cũng sau nhiều lần đi thực tế tại Di Linh (Lâm Đồng) và thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), nhận ra nơi này nguồn nước sạch không đảm bảo, có nơi ở Nha Trang nước bị nhiễm thiếc, chi phí lọc nước, mua nước của nhà trường tốn kém, Bếp Sẻ Chia đã kêu gọi thành công các khoản hỗ trợ từ nhiều bên, từ Việt Nam và lãnh sự quán Úc tại TP.HCM, quỹ YSEALI (Mỹ) …, xây dựng được 4 hệ thống nước sạch tại Di Linh, Nha Trang, xây dựng một nhà bếp an toàn, sạch đẹp cho một trường mẫu giáo tại Nha Trang…
“Tại sao là nhà vệ sinh, nước sạch và bếp ăn mà không phải những thứ khác, vì trong nhiều lần đồng hành cùng những mạnh thường quân tới những vùng khó khăn, gặp gỡ nhiều mảnh đời, chúng tôi nhận thấy rằng đó là những thứ hết sức thiết yếu để chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của các bạn nhỏ. Các bạn lớn lên khỏe mạnh thì mới có cơ hội làm nên những điều tốt đẹp cho tương lai sau này. Nếu chỉ giúp gói bánh, cái kẹo, các em ăn một hai ngày là hết, nhưng khi trao cho các em sức khỏe, chúng tôi mong muốn đồng hành cùng các em suốt cả cuộc đời, trên những chặng đường xa hơn, dài hơn”, Khương nói.
Khương trong một lần nấu ăn cùng Bếp Sẻ Chia Khương Phạm
Cách gây quỹ của chàng trai trẻ
Từ 600.000 đồng đầu tiên khi bắt đầu ra đời và xin tài trợ của các mạnh thường quân, sau 6 năm, nhẩm lại Khương cho biết anh và các cộng sự đã xin được hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng cho tất cả các dự án vừa qua.
Làm sao để từ những cá nhân nhỏ bé, có thể gây quỹ thành công với số tiền không nhỏ cho nhiều hoạt động xã hội, Khương cho biết bí quyết là anh không bao giờ đi “tay trắng” tới gặp các mạnh thường quân.
“Không bao giờ tôi nói với họ, tôi chưa có một đồng nào trong tay, chúng tôi với nhiều hoạt động gây quỹ như bán bánh bột lọc, mỗi chiếc lãi 1.000 đồng, bán quần áo, nước trong các hội chợ… đã cố gắng hết sức để có những khoản tiền đầu tiên. Chúng tôi xây dựng lòng tin từ chính những việc làm chân thành, truyền cảm hứng tích cực cho mọi người được đăng tải trên Fanpage. Khi mạnh thường quân biết chúng tôi đã cố gắng hết sức, phần hỗ trợ của họ sẽ giúp dự án được hoàn thành, họ sẽ cảm động và sẵn sàng hỗ trợ”, Khương chia sẻ.
Những bữa ăn đặc biệt và tình yêu thương Bếp Sẻ Chia mang đến các mái ấm Khương Phạm
Các bạn trẻ mong muốn theo chân các bạn nhỏ tại các mái ấm lâu dài hơn Khương Phạm
Hiện tại Khương đang học tại New Zealand theo một chương trình tài trợ, anh ấp ủ khi về Việt Nam có thể trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh, sau đó mở một trung tâm tiếng Anh nhỏ, một nhà hàng, để vừa có thể dạy học cho những em nhỏ ở các mái ấm, vừa tạo công ăn việc làm cho các em, tạo cho các em một cuộc sống ổn định.
Khương cho hay mục tiêu lâu dài luôn mong muốn thành viên của Bếp Sẻ Chia chủ động lo được chi phí đi lại, không ảnh hưởng tới nguồn hỗ trợ từ các bên; không chỉ là mang bữa ăn tới các mái ấm, xây dựng nhà vệ sinh, nguồn nước sạch mà còn thực hiện được nhiều hơn các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của giới trẻ đối với xã hội… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.