Chàng trai 'kỳ cục'

14/12/2014 08:22 GMT+7

Những gì Mạc Đăng Mừng đạt được hôm nay là cả một kỳ tích đối với bản thân và gia đình chàng trai này, dẫu rằng đó có thể là bình thường với nhiều người khác.

Những gì Mạc Đăng Mừng đạt được hôm nay là cả một kỳ tích đối với bản thân và gia đình chàng trai này, dẫu rằng đó có thể là bình thường với nhiều người khác.

Chàng trai 'kỳ cục'Mạc Đăng Mừng (bìa trái) trong một lớp học tiếng Anh - Ảnh: Như Lịch
Đa năng
Ông Mạc Văn Mỹ, cha của Mừng (26 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) cho hay Mừng là đứa con duy nhất của vợ chồng ông, nhưng lại mang hội chứng Down bẩm sinh. Đến năm 7 tuổi, cậu bé mới biết đi và bắt đầu bập bẹ nói vào năm lên 9 tuổi.
Như những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ khác, con đường đi học và hòa nhập của Mạc Đăng Mừng rất chông chênh. Ông Mỹ kể, ông từng gõ cửa nhiều nơi để cho con đi học, song đa phần người ta thường xua tay ái ngại từ chối.
Thế nhưng, thật bất ngờ khi hay rằng, Mừng đã học đến lớp 9 tại Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Không những vậy, sau 6 tháng miệt mài, Mừng đã lấy được chứng chỉ A tin học và hiện tiếp tục học nâng cao. Mừng khoe: “Em sử dụng được Powerpoint, Exel, lướt mạng internet, chat và gửi email cho cha mẹ, cô giáo, bạn bè”.
Tại giải thể thao người khuyết tật TP.HCM 2014, Mạc Đăng Mừng đoạt HCV cá nhân, HCĐ tập thể môn bóng gỗ (bocce) và HCB đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người thiểu năng trí tuệ và người không bị thiểu năng trí tuệ. Chàng trai này còn biết chơi đàn organ khá điêu luyện, biết võ aikido, bơi lội, đá banh và có khả năng đọc - hiểu một số bài tiếng Anh cơ bản…
“Hồi trước, Mừng học bài chưa tới 5 phút là đã có ý kiến ý cò: Con mệt rồi nha ba! Khi tôi nói ráng thêm chút nữa thôi, nó nổi nóng: Thôi ba dạy ba học luôn đi! Nhưng bây giờ, nó kiên nhẫn hơn rất nhiều, ít quạu quọ”, ông Mỹ vui vẻ nói.
Tấm lòng người cha
Cùng với nỗ lực bền bỉ của Mạc Đăng Mừng là sự tiếp sức tận tình của cha mẹ chàng trai này. Ông Mỹ vốn theo học chương trình giáo dục của Pháp cách đây mấy chục năm. Để có thể dạy được cho con, ông thường tìm mua nhiều bộ sách giáo khoa bằng tiếng Việt rồi mày mò tự học. Hằng ngày, ông đưa con đến các lớp học rồi lao đi mưu sinh bằng “nghề thợ đụng” (ai kêu gì làm nấy), nhưng không quên căn giờ chạy lại đón con.
Ông Mỹ tâm sự, hồi Mừng còn nhỏ và thường xuyên bị bệnh, vợ chồng ông từng suy sụp vì tuyệt vọng. Ông nhớ lại: “Lúc 5 tuổi, nó vẫn chưa biết đi đứng nói năng gì cả, đầu ngoẹo một bên. Trong lúc đang bị mất phương hướng, chúng tôi được một bác sĩ khuyên rằng hãy mua ngay một cây đàn cho cháu. Bởi vì theo ông ấy, những đầu ngón tay được kích thích thường xuyên sẽ giúp não bộ phát triển”. Về nhà, vợ chồng ông gom hết tài sản quý giá để mua cho con một cây đàn organ trị giá 5 chỉ vàng thời đó.
Khi Mừng đã đàn được một số bài, ông đưa con đến cơ sở dạy nhạc tư nhân để đăng ký học đàn organ một cách bài bản. Tuy nhiên, người chủ cơ sở dạy nhạc thẳng thừng: “Mấy đứa này mà học làm gì, tốn tiền vô ích thôi”. Không buông xuôi, ông Mỹ đề nghị khóa đàn lại, để tự Mừng mở đàn đồng thời đưa một số bản nhạc đơn giản cho Mừng thể hiện. Lúc này, ông chủ kinh ngạc thốt lên: “Ủa, sao thằng này kỳ cục vậy, nó biết đàn luôn hả!”…
Chia sẻ với những phụ huynh có con em đồng cảnh ngộ, ông Mỹ tự tin nói: “Đừng nản lòng! Hãy chung vai sát cánh, từ từ nâng nó lên. Mình làm trước, nó làm sau. Làm 1, 2, 3 lần không được thì hy vọng lần 4, 5, 6 nó sẽ nhập tâm, sẽ nhớ được và làm được”.
Chúng tôi hỏi Mạc Đăng Mừng có mong ước gì không, chàng trai nhoẻn nụ cười hiền: “Bây giờ em muốn học một cái nghề, để đi làm có tiền giúp ba mẹ. Em thương ba mẹ lắm, nhất là ba em, vì ba đã chăm lo cho em nhiều nhất trên đời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.