Chàng trai dùng miệng... vẽ 2.000 bức tranh

24/12/2017 19:07 GMT+7

Chưa đến 10 phút, anh Lê Minh Châu cắn cây cọ vẽ xong bức tranh Hoa hướng dương, trước sự thán phục của nhiều người có mặt ở chương trình “Sánh bước yêu thương”, do Quỹ Vì trẻ em khuyết tật VN tổ chức trong tháng 12 này.

Bị cấm cản, vẫn theo đuổi đam mê 

Phía trên một thân hình không lành lặn bởi đôi chân co quắp, đôi tay teo tóp buông thõng, Lê Minh Châu luôn xuất hiện trước mặt mọi người với  gương mặt đầy tự tin và tươi tắn. Anh là một họa sĩ tự do và đang sở hữu một phòng tranh trên đường Trần Não, Quận 2, TP.HCM. 

Mặc dù phải dùng miệng thay đôi tay để vẽ tranh nhưng từ khi biết vẽ cho tới nay, Lê Minh Châu đã tạo ra hơn 2.000 tác phẩm. Anh cho hay thế mạnh của anh là tranh trừu tượng và phong cảnh. 

Từ lúc mới 6 tháng tuổi, Lê Minh Châu đã phải rời xa gia đình để vào sống tại Làng Hòa Bình Từ Dũ – nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ ảnh hưởng chất độc màu da cam. Năm lên 9, Châu mới có điều kiện tiếp cận với môn vẽ. 

“Ban đầu tôi không phát hiện ra khả năng của mình nhưng mỗi ngày học vẽ tôi lại thấy mình thích thú và say mê hơn. Khi đã tạo ra được nhiều tác phẩm khác nhau, bạn bè ngày càng khẳng định là tôi có năng khiếu vẽ tranh”, Châu chia sẻ.

Anh Châu kể tiếp: “Đến năm 12 tuổi, thấy tôi dành quá nhiều thời gian để vẽ, sợ tôi xao nhãng việc học, các cô trong Làng khuyên tôi nên tập trung nhiều hơn vào việc học và không cho vẽ tranh nữa. Do dụng cụ vẽ đã bị “tịch thu” hết nên tôi nghĩ ra cách lấy bút máy và bút chì để thay thế. Tôi thường tranh thủ giờ ngủ, trốn lên sân thượng hoặc ra khuôn viên vắng người để luyện vẽ”.

Gắn bó với Làng Hòa Bình Từ Dũ cho đến năm 17 tuổi, Châu rời làng để bắt đầu hành trình thực hiện những ước mơ. Anh tìm tới một số phòng tranh chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề để hiểu thêm những kỹ năng về vẽ tranh, cách mở phòng tranh ra sao và học cách quản lý... Sau khi thấy mình đã tích lũy được một số kinh nghiệm, Châu quyết định mở phòng tranh. 

Châu kể khi mới lập nghiệp anh từng bị một bạn hàng lừa lấy mất 5000 USD khiến anh suy sụp. 

“Lúc đó tôi rất buồn nhưng đồng thời nhiều bạn bè sẵn sàng  cho tôi mượn lại số tiền đó. Tuy không nhận sự hỗ trợ này nhưng tôi nghiệm ra nếu có người này đối xử không tốt với mình thì sẽ có người khác đới xử tốt lại. Qua đó, tôi học được cách tha thứ. Tha thứ để nhận lại nhiều hơn tình yêu thương”, Châu trải lòng.

Vượt qua những rào cản bản thân và ngoại cảnh, Lê Minh Châu quyết đeo đuổi đam mê vẽ của mình

Châu bật mí rằng anh có thói quen vẽ tranh từ 6 giờ tối cho tới 6 giờ sáng. Anh chia sẻ mình thường cảm thấy tuyệt vọng khi màn đêm buông xuống. “Những lúc đó tôi thấy mình cô đơn và tôi đã đưa tất cả xúc cảm vào tranh. Tôi muốn mỗi bức tranh của mình phải truyền tải cảm xúc buồn vui, thăng trầm… một cách chân thực nhất”, Châu tâm sự.

Khổ luyện kẹp kim bằng… miệng
Những ngày này, bất chấp những đau đớn, Lê Minh Châu vẫn miệt mài  dùng  miệng kẹp kim để tập may và thêu đồ.  Người họa sĩ tài hoa này đang từng bước vượt qua những rào cản để chinh phục ước mơ tiếp theo: Trở thành nhà thiết kế thời trang. 

Để có được sự tự tin và thành công như ngày hôm nay, chàng họa sĩ này cũng từng có những thời điểm chìm sâu trong bóng tối tuyệt vọng. Thậm chí nhiều lần anh còn nghĩ đến cái chết. Những lúc đó, anh đã tự đặt ra những câu hỏi: Mình sống cho ai? Mình sống để làm gì? Mình có vai trò gì với cuộc đời?... 

Châu nhìn nhận anh cũng từng có lúc mặc cảm vì những khiếm khuyết trên cơ thể nhưng rồi anh đã biết gạt quá khứ sang một bên để hướng đến tương lai. 

“Một khi mình biết tập trung vào mục tiêu cụ thể và dành hết tâm huyết để hoàn thành mục tiêu, mình sẽ quên mình là người khuyết tật và có cảm giác mình cũng là người bình thường như bao nhiêu người khác. Lúc đó mình sẽ được hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn”, họa sĩ Lê Minh Châu nhắn nhủ.  

Lê Minh Châu là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Châu, beyond the lines” (tạm dịch: Châu, vượt qua những giới hạn) của nữ đạo diễn Courtney Marsh – tác phẩm lọt vào đề cử top 5 phim tài liệu xuất sắc nhất Oscar năm 2016. Anh cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên nhiễm chất độc da cam tham gia kỳ họp về “Công ước về quyền của người khuyết tật” tại Liên Hiệp Quốc diễn ra tại New York (Mỹ) năm 2016...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.