Chàng trai bỏ phố về rừng: Có gian nan mới tìm được bình yên

09/05/2021 09:28 GMT+7

Ít ai biết được để có được một homestay thơ mộng, sáng ngắm mây chiều trồng rau trên đất Đà Lạt, Hà Thanh Nguyên phải trải qua hành trình vô cùng gian nan khi chọn bỏ phồ về rừng .

Sinh ra và lớn lên trong phố thị nhộn nhịp, Hà Thanh Nguyên (30 tuổi, quê Gia Lai) và vợ Tạ Thị Linh (28 tuổi, quê Hà Nội) đã gặp nhau khi cả 2 cùng đến Đà Lạt. Từ đó, cặp đôi đã chọn cuộc sống bỏ phố về rừng, tìm bình yên, tránh xa những ồn ào nơi phố thị.

Bỏ phố về rừng vì yêu Đà Lạt

Từng ôm mộng làm kinh doanh kiếm nhiều tiền, từ nhỏ Hà Thanh Nguyên đã ước mơ  sẽ học  ngành thiên về kinh tế. 18 tuổi, Nguyên rời quê hương Gia lai để vào TP.HCM học tập. Ra trường, Nguyên là một nhân viên văn phòng ở nhiều công ty. Ngày làm việc, tối về nhà, áp lực bởi guồng quay công việc luôn đè nặng Nguyên. Mỗi lần như vậy anh tìm đến Đà Lạt vào cuối tuần để giải khuây rồi trở lại tiếp tục công việc. Nhiều chuyến đi như thế khiến anh cảm thấy yêu mến thành phố mộng mơ Đà Lạt hơn.

Cả 2 chọn bỏ phố lên rừng vì có cùng sở thích yêu Đà Lạt

Thời gian đầu rất gian nan với Nguyên vì phải tự mình xây dựng ngôi nhà của  mình

Năm 2016, Nguyên nghỉ việc ở TP.HCM rồi sang tận Philippines làm việc. Năm 2018, anh trở về nước và phụ việc trong một trang trại hoa của người quen ở Đà lạt. 
Thời gian này, anh gặp được "nàng thơ" Tạ Thị Linh cũng tìm đến Đà Lạt du lịch. Cả 2 khác nhau ngành học, chỏi nhau về quan điểm sống. Anh học kinh tế, còn cô học thiết kế thời trang mỹ thuật. Cuối cùng họ lại đi chung đường, về chung nhà bởi có cùng tình yêu Đà Lạt.

Từ một nhân viên văn phòng Nguyên trở thành thợ mộc đúng nghĩa

Đã có lúc từng ôm nhau khóc vì bế tắc

Một lần vô tình hay tin có mảnh đất rộng 2.000 m2 lưng chừng đỉnh đồi được cho thuê lại, cặp đôi cùng tìm đến, đứng ngẩn ngơ rất lâu vì phong cảnh bình yên đến lạ. Đến lúc này đôi bạn trẻ đã biết nơi đây chính là điểm dừng kế tiếp trong cuộc đời mình.
Nguyên vay mượn 1,7 tỉ đồng để xây dựng "thiên đường mơ mộng" của mình. Những ngày đầu, cặp đôi thuê thợ đến xây nhà thế nhưng, thợ cứ đến mà nhà vẫn chưa thành hình. Nguyên bất lực vì tiền đã cạn, nguồn thu vẫn chưa có vì thiếu kinh nghiệm kinh doanh.
“Khó khăn gian khổ của chúng tôi bắt đầu. Tiền không còn, gia đình và bạn bè cũng không ai ở Đà lạt. 2 đứa cũng giấu gia đình khi đang yêu nhau. Lúc đấy chúng tôi cảm thấy rất khủng khiếp. Có khi tối là ôm nhau khóc bởi vì quá bế tắc, bất lực. Nhiều lúc tôi than thân trách phận, đổ lỗi cho cuộc sống”, Nguyên chia sẻ.

Còn Linh phụ trách việc trồng trọt quanh khu nhà

Tự xây ngôi nhà cho mình 

Rồi sáng mai thức giấc, Nguyên từ một chàng trang làm việc văn phòng, Linh từ người thiết kế thời trang trở thành công nhân tự xây ngôi nhà cho mình. Cặp đôi bắt đầu tự tay xây dựng lại đống đổ nát đã bày ra. Tận dụng sức trai trẻ cùng óc sáng tạo nghệ thuật của Linh, cả 2 cùng vẽ lại bức tranh mơ mộng ngày nào. Trên con đường ngoằn ngoèo, dốc cao, Nguyên vác từng bao cát, lát gạch, thanh gỗ xây ngôi nhà thân yêu.
“Từ một người không biết gì về xây dựng giờ đây tôi có thể tự xây nhà gỗ. Ngày làm, đêm làm không ngừng nghỉ. Gặp nhiều tai nạn như lưỡi cưa cắt tay, bào hư gỗ là chuyện thường xuyên. Tôi làm xong ngôi nhà nào thì mở cửa đón khách nhà đó. Xong rồi lại  xây nhà tiếp theo. May mắn chúng tôi cũng có khách, rồi có đồng ra đồng vô”, Nguyên nói thêm.
Khu homstay của Nguyên kéo dài từ lưng chừng đến đỉnh đồi. Khung cảnh rừng thông nhìn sang phố thị Đà Lạt, hệt như trong tranh. Nguyên tạo nét riêng cho homestay bằng những phần trang trí gỗ. Mỗi sáng, khách có thể thấy Nguyên làm việc xây nhà, Linh ra vườn trồng rau và chăm chó. Khắp khu vườn có rất nhiều loại hoa. Thậm chí trên những bậc thang đều có hoa dõi theo từng bước chân du khách.

Sau những gian nan, cặp đôi tận hưởng niềm vui mỗi ngày bằng việc đón khách, nuôi chó, hái rau

Một góc bình yên của Nguyên và Linh

Cuối cùng Nguyên cho rằng mình đang sống cuộc sống của mình và ở nơi mình muốn sống

Cứ thế cuộc sống của cặp đôi trở nên nhẹ nhàng hơn từ những điều bình dị. Khách của Nguyên biết đến homestay qua những lời truyền miệng. Họ tìm đến vì muốn trốn phố xá ồn ào. Dần dần, lượng khách tìm đến cũng đã ổn định. Kinh tế bắt đầu được khôi phục.
Khi ngẫm lại chặng đường đã qua,  Nguyên nói: “Đây chính là cuộc sống của tôi. Tôi cảm ơn vì những gì đã trải qua. Giờ đây, sáng tôi uống cà phê, ngủ dậy muộn, làm điều mình thích. Làm việc mệt thì nghỉ, khoẻ thì làm tiếp. Tôi quý cuộc sống của mình hơn kinh doanh. Cuộc sống giờ hơi thơ một tí, nó như mơ nhưng tôi vẫn đảm bảo về kinh tế. Tôi nghĩ có vượt qua gian nan mới tìm được bình yên cho hiện tại và không hối hận khi bỏ phố về rừng”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.