Chàng họa sĩ vẽ cảm xúc của người trẻ

Thuận Tùng
Thuận Tùng
06/10/2018 09:09 GMT+7

Mai Thanh Tùng (nghệ danh Kulzsc, sinh năm 1993, cựu sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) bắt đầu vẽ tranh và sáng tác các câu trích dẫn chia sẻ lên Instagram cách đây 2 năm.

Từ sở trường cá nhân
Với hơn 88.000 lượt theo dõi trên tài khoản Instagram mang tên Kulzsc, mỗi bài đăng của Tùng hiện thu hút từ 4.000 - 9.000 lượt yêu thích.
Điểm nhấn của Kulzsc chính là những câu nói, câu thơ thể hiện nhiều khía cạnh rất gần gũi trong đời sống của người trẻ. Nói về chuyện tình cảm, Tùng viết: “Bao giờ bạn mới nhận ra có những người vị trí của họ chỉ có thể là trong lòng, chứ không thể ở trong một mối quan hệ”, “Đẹp nhất của tuổi trẻ chưa chắc là tình yêu, đẹp nhất của tuổi trẻ có lẽ là hình ảnh một mình đi qua những tháng ngày cô đơn”… Đi cùng với những câu nói được chia sẻ và “like” rất nhiều đó là những hình vẽ đơn giản, ngộ nghĩnh.
Từ khi học tiểu học, Thanh Tùng luôn đạt điểm cao ở môn vẽ. Rồi anh cũng thích sưu tầm truyện tranh và tập tành vẽ lại những bức vẽ trong truyện. Từ lúc nào, vẽ tranh trở thành niềm vui cũng như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Tùng.
Theo Tùng, tranh vẽ của anh không có gì phức tạp, gần gũi và có phần mộc mạc nên được mọi người thích nhiều. Còn những câu viết ngắn phần lớn Tùng lấy cảm hứng từ chính cảm xúc hằng ngày của anh.
“Phải đến 80% những điều đó là cảm xúc thật của mình. Vì vẽ những thứ mình không có, mình không cảm nhận được thì mình khó có thể vẽ được. Đôi lúc, mình chợt nảy ra một dòng cảm xúc nào đó trong đầu, thấy hay và tâm đắc thì cầm bút vẽ ngay. Có nhiều khi, mình vẽ ra một bức tranh hay ho, muốn tranh có ý nghĩa hơn thì mình sẽ cố nghĩ ra một dòng gì đó để phù hợp với bức tranh đó”, Tùng kể.
Đến mở ra nhiều cơ hội kiếm thu nhập
Chính lượng tương tác lớn từ mạng xã hội đã mở ra nhiều cơ hội và mang tới thêm thu nhập cho Tùng.
Đôi khi, Tùng cũng vẽ tranh để quảng cáo cho vài nhãn hàng. Nguồn thu được tính bằng lượng tương tác trên bài đăng nhiều hay ít. Tùng coi trọng việc dung hòa cả 2 yếu tố quảng cáo và sáng tạo để làm sao cho tác phẩm vẫn thú vị và mang “chất” của mình. Từ trang cá nhân được xây dựng bằng sở thích, các tác giả, nhà sách cũng tìm đến Tùng để hợp tác vẽ bìa, vẽ minh họa cho sách. Quyển sách đầu tiên anh vẽ bìa và minh họa là cuốn Thanh xuân để dành của Hiên. Lúc đó, tác giả sách xem Instagram của Tùng thấy thú vị nên ngỏ lời muốn anh vẽ cho sách. Từ đó, anh vẽ thêm cho nhiều đầu sách như Những nỗi buồn không tên, Nắm tay anh rồi bình yên sẽ tới…
Chàng họa sĩ vẽ cảm xúc của người trẻ1
Chàng họa sĩ vẽ cảm xúc của người trẻ2
Những bức vẽ của Tùng luôn thu hút hàng nghìn lượt yêu thích
Khi làm công việc vẽ minh họa, vẽ bìa sách, điều Tùng quan tâm đầu tiên là nội dung cuốn sách cũng như yêu cầu của tác giả và nhà xuất bản. Để kết nối những yếu tố đó với nét vẽ của bản thân cũng là bài toán khó.
Đây là công việc mới mẻ, phù hợp với những ai có năng khiếu vẽ. Anh cho biết: “Cơ hội không chỉ dành cho các họa sĩ trẻ, những người mới ra trường, nó dành cho tất cả mọi người yêu vẽ và đam mê minh họa. Chỉ cần bạn có khả năng, bạn có thể làm công việc đó ngay cả khi bạn đang ngồi trên ghế nhà trường hay đang làm một công việc khác hoàn toàn không liên quan tới vẽ vời. Với mình, yếu tố cần thiết của một người vẽ minh họa sách là khả năng hiểu và cảm nhận nội dung của tác phẩm. Mỗi người với sở trường của bản thân sẽ có cách phát triển khác nhau. Mạng xã hội bây giờ là một công cụ hữu hiệu để mọi người có thể vừa làm việc mình yêu thích vừa có thêm thu nhập”.
Hiện tại, Thanh Tùng đang theo học thạc sĩ về graphic design tại Paris (Pháp).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.