'Cha đẻ' của Năm Thanh niên: 'Câu chuyện ly kỳ lắm!'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
22/01/2021 08:00 GMT+7

'Năm Thanh niên được ra đời với phong trào nổi bật là Thanh niên tình nguyện , tiếp thêm động lực cho 2 phong trào lớn lúc đó là Thanh niên lập nghiệp và Tuổi trẻ giữ nước. Đó là câu chuyện ly kỳ lắm!'.

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, hiện là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, đã chia sẻ với PV Thanh Niên về những câu chuyện ra đời Năm Thanh niên và dấu ấn trong công tác Đoàn.

Có 3 cống hiến khoa học

Ông nhớ nhất kỷ niệm gì khi đảm trách vai trò là thủ lĩnh thanh niên?
Khi tham gia lãnh đạo công tác Đoàn, ở tầm quốc gia, tôi nghĩ có 2 điều quan trọng nhất phải kiên quyết làm. Một là, nghiên cứu hệ thống lý thuyết căn bản. Hai là, tổ chức hoạt động thực tiễn sống động. Nghĩa là, một thủ lĩnh thanh niên phải làm vai trò mở đường các hoạt động. Muốn mở đường phải có hệ thống lý luận, có nghiệp vụ và cả nghệ thuật nữa; phải biết kết hợp nhuần nhuyễn các mặt công tác của Đoàn với toàn bộ công việc trong hệ thống chính trị.
Nói chung, công tác thanh niên là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, trong đó vai trò quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên là hết sức quan trọng. Vì vậy, tôi đã chủ trì nghiên cứu một đề tài tầm cỡ về công tác thanh niên mang tên Quản lý nhà nước về công tác thanh niên (sau này đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật in thành sách cùng tên). Bây giờ nhìn lại thấy định hướng mục tiêu nghiên cứu rất trúng vấn đề và đúng yêu cầu. Trong hơn 20 năm qua, các kết quả nghiên cứu đó vẫn được kế thừa và phát huy tốt trong công tác vận động thanh niên và quản lý nhà nước về công tác thanh niên.

Hơn ai hết, thanh niên hãy sớm định hướng cho mình một lối đi phù hợp với nếp nghĩ mạnh dạn, táo bạo hơn, hình thành một phong cách lao động mới, với tinh thần mạnh mẽ của người công dân mang tấm lòng yêu nước và sớm đưa Việt Nam trở thành nước thịnh vượng, hùng cường

Xin ông cho biết cụ thể kết quả công trình khoa học đó như thế nào?
Đề tài đã đánh giá toàn diện tình hình thanh niên, tiềm năng thanh niên, vai trò lực lượng thanh niên ở giai đoạn cuối thế kỷ 20, chuẩn bị cho bước chuyển sang thế kỷ 21 và thiên niên kỷ mới. Nhận thấy rằng, thế hệ thanh niên ở giai đoạn này có tri thức, rất năng động, sáng tạo và sẵn sàng cống hiến, đó là lớp thanh niên có ý chí, rất hăng hái, sinh ra sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Vậy, Đoàn thanh niên phải có trách nhiệm động viên, cổ vũ, gợi mở những cảm xúc thăng hoa cống hiến sức trẻ cho nước nhà.
Công trình nghiên cứu đã đưa ra 3 sáng kiến, trở thành tiền đề, gốc rễ của mọi chủ trương, chính sách thanh niên trong thời kỳ mới, đó là: xây dựng một chiến lược phát triển thanh niên trong thời kỳ mới do nhà nước ban hành; xúc tiến ra đời luật Thanh niên; và thành lập Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Trong 3 sáng kiến đó, sự ra đời của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam do Chính phủ thành lập là vô cùng có ý nghĩa, bởi từ đó, công tác thanh niên đặt ở vị trí trung tâm của trách nhiệm nhà nước và toàn xã hội. Giá trị hữu hiệu là cơ chế phối hợp liên ngành về công tác thanh niên, nhiều chính sách bồi dưỡng và phát huy vai trò thanh niên lần lượt ra đời từ đó.

“Thanh niên hãy là người mau bước lên hàng đầu”

Được biết, năm 2000 đã được đặt tên là Năm Thanh niên và để lại rất nhiều dấu ấn sâu đậm cho toàn xã hội. Ông có thể chia sẻ ý tưởng ra đời tên gọi đó?
Xuất phát từ suy nghĩ bước vào năm 2000 sẽ là giao thừa thế kỷ, thiên niên kỷ, lòng người đón chờ một cái gì đó, nhất là thế hệ trẻ, một lực lượng tràn đầy sức sống, họ ấp ủ hoài bão, mong muốn lớn, không chỉ cho riêng mình và gia đình, mà còn là cho đất nước. Đón bắt tâm lý đó, nên tôi chuẩn bị kế hoạch và gọi tên là Chào thế kỷ mới, đồng thời đặt tên năm 2000, năm mở đầu của thế kỷ, mở đầu thiên niên kỷ mới sẽ là Năm Thanh niên. Vậy là Năm Thanh niên được ra đời với phong trào nổi bật là Thanh niên tình nguyện, tiếp thêm động lực cho 2 phong trào lớn lúc đó là Thanh niên lập nghiệp và Tuổi trẻ giữ nước. Tên gọi đó đã được Bộ Chính trị đồng ý cho tuyên bố. Đó là câu chuyện ly kỳ lắm!
Có câu chuyện nào khiến ông nhớ nhất về Năm Thanh niên?
Năm đó đã ra đời “một lô ý tưởng”, trở thành đề án trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. Nổi bật là những dự án, chương trình như: 5 bài học lý luận cơ bản cho đoàn viên, thanh niên, được Tổng bí thư Lê Khả Phiêu viết lời mở đầu; dự án thành lập các nhóm Tuyên truyền ca khúc cách mạng; thành lập các Tổng đội thanh niên xung phong đấu thầu xây dựng đường Hồ Chí Minh; dự án đưa trí thức trẻ về nông thôn miền núi; dự án xây dựng Đảo thanh niên; dự án thanh niên xóa cầu khỉ xây dựng cầu nông thôn mới, bắt đầu từ vùng ĐBSCL. Có lẽ đây là dự án đột phá ngay trong ngày 26.3 năm ấy, một dự án nhà nước và thanh niên cùng làm, mang rất nhiều ý nghĩa và thiết thực. Ngoài ra, có nhiều chương trình, dự án khác như Đoàn thanh niên đảm nhận các dự án 327 (phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khai thác ao hồ, ven biển trồng cây, nuôi thủy hải sản)...
Ông Vũ Trọng Kim tham gia du kích xã và thanh niên xung phong từ cơ sở; tham gia kháng chiến cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nên ông gắn bó với công tác thanh niên từ khi còn rất trẻ. Năm 16 tuổi, ông Vũ Trọng Kim được kết nạp vào Đoàn, phụ trách thiếu niên tham gia lực lượng quần chúng khởi nghĩa Tết Mậu Thân tại đô thị Hội An, Thăng Bình năm 1968.
Ông là cán bộ Khu Đoàn thanh niên Khu 5, được điều động lên T.Ư Đoàn năm 1975, cử đi học Trường Đoàn cao cấp Hà Nội và sau đó đi học tại CHDC Đức. Ông có 14 năm được T.Ư Đoàn phân công về công tác tỉnh Gia Lai - Kon Tum, từ cán bộ văn phòng cho đến Bí thư Tỉnh đoàn, rồi làm Bí thư Huyện ủy. Đầu năm 1993, ông được bầu làm Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, sau đó là Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn nhiệm kỳ 1996 - 2001.
Đáng nhớ là cũng năm đó đã “ra đời” chiếc áo xanh thanh niên mang tên tình nguyện. Ngày ấy tôi đã sắm cả máy in màu về nhà tự tay thiết kế, đặt hàng sản xuất ra hàng loạt chiếc áo xanh in hình dòng chữ Thanh niên Việt Nam trên nền màu cờ Tổ quốc. Nhưng việc thuyết phục bỏ hơn 50 loại áo thanh niên đang sử dụng trên toàn quốc, từ tỉnh thành đến T.Ư, là việc khó khăn. Tôi phải vận động, thuyết phục và may mắn đã thống nhất được mẫu áo do mình thiết kế và đã được hàng chục triệu thanh niên Việt Nam sử dụng từ đó cho đến nay. Ngày ra quân, các bí thư, chủ tịch tỉnh cũng mặc áo xanh cùng thanh niên, trông thật khí thế và tự hào.
Ông đánh giá như thế nào về thanh niên hiện nay so với thời kỳ ông làm bí thư thứ nhất, và ông kỳ vọng gì ở họ?
Đánh giá của tôi về thanh niên cơ bản là không thay đổi. Tôi vẫn luôn yêu quý và tin tưởng thanh niên, họ mãi mãi là lực lượng hậu bị đáng tin cậy của Đảng, là lực lượng xã hội hùng hậu có thể dời non lấp biển. Đánh giá đó rất đúng trong thời điểm hiện nay, bởi thời điểm đất nước chúng ta đang “vươn vai” để trở thành “người lớn” và đang bước ra để hội nhập với thế giới. Không ai khác, thanh niên hãy là người mau bước lên hàng đầu. Tôi tin tưởng và mong muốn xã hội, Đảng, Nhà nước tin tưởng và trao trọng trách cho thanh niên.
Tôi không còn trẻ nữa, nhưng luôn mang khát vọng cống hiến của thanh niên. Tôi mong hơn ai hết, thanh niên hãy sớm định hướng cho mình một lối đi phù hợp với nếp nghĩ mạnh dạn, táo bạo hơn, hình thành một phong cách lao động mới, với tinh thần mạnh mẽ của người công dân mang tấm lòng yêu nước và sớm đưa Việt Nam trở thành nước thịnh vượng, hùng cường.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.