Cây trâm có trái, con gái có chồng: Ký ức những mùa trâm không thể quên

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/05/2020 14:21 GMT+7

Mỗi khi thấy một xe bán trái trâm trên đường phố TP.HCM, anh Thạch Ngọc Thành thường khựng lại mất mấy giây. Giữa bộn bề công việc đời thường, anh Thành thấy ùa về bao ký ức về cây trái gắn bó cả tuổi thơ.

Bồi hồi khi gặp lại trái trâm

Trời mưa lâm râm cây trâm có trái, con gái có chồng, đàn ông có vợ... Anh Thạch Ngọc Thành, 35 tuổi, đang sống ở hẻm 21 đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM và những bạn bè tuổi nhỏ thường thuộc nằm lòng câu vè ấy. 10 năm đầu đời sống ở ấp Chợ, xã An Quảng Hữu, H.Trà Cú, Trà Vinh, cho đến dịp tháng 5 này, mỗi khi tình cờ nhìn đâu đó xe bán trái trâm, bao kỷ niệm trong anh Thành sống lại.
“Tôi vẫn nhớ như in quãng thời gian mình 9-10 tuổi ở một làng quê heo hút, nghèo khó. Những buổi trưa hè rảnh rỗi, lũ trẻ vốn ít trò tiêu khiển thường lê la tắm sông, trèo cây, hái quả. Những cây trái để lại nhiều dấu ấn nhất trong tôi là me keo, thứ nhì là trâm”, anh Thành hồi tưởng.

Một chùm trâm, với nhiều trái đã chín thẫm, nhiều cái còn xanh, non

Ảnh Thúy Hằng

“Cây trâm vào những mùa hè, tầm tháng 5, tháng 6 thì trái chín tím cây, vị ngọt, chua, nếu trái còn chưa chín thì hơi chát, nhưng trẻ con thích ăn. Dù có người lớn khuyên cành giòn, dễ gẫy đừng có leo trèo nhưng mà tụi trẻ con lại thấy mê, chúng tôi luôn thấy trái ngon mà. Chúng tôi hái trái trâm bằng cách trèo, lấy đồ ném để cả cành rớt xuống rồi vặt trái ăn. Trái non thì hơi chát nhưng đi hái trâm ăn thì luôn rất vui, nhất là khi ăn xong nhìn đứa nào miệng cũng tím ngắt. Ở làng quê của tôi còn kể một câu chuyện về cây trâm, đó là người Khmer thời đó hay dùng gỗ trâm để thiêu xác người đã qua đời ở giữa đồng không mông quạnh. Nhà người Khmer nào cũng trồng vài cây trâm, để dành gỗ trâm. Tụi nhỏ đang tập trung chơi, bỗng thấy từ xa lửa cháy đùng đùng, mùi khói bốc lên là tán loạn chạy. Những câu chuyện như thế khiến đôi lúc khiến chúng tôi sợ hãi, nhưng bây giờ ngẫm lại mới thấy cây trâm gắn bó với cuộc đời con người miền quê tôi sâu sắc đến thế nào”, anh Thành nhớ lại.

Những cây trâm cổ thụ ở một miền quê

Ảnh Thúy Hằng

Những ngày ăn trâm trừ bữa

Với anh Nguyễn Văn Túy, 36 tuổi, nhân viên lái xe cho Công ty kiến trúc A.Đ.H, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, quê ở xã Cô Tô, H.Tri Tôn, An Giang, trâm là thứ quả “không gì có thể thân thuộc hơn”.
“Cây trâm ở xã Cô Tô quê tôi nhiều lắm. Tuổi thơ đứa nào chẳng có lúc ăn trâm trừ bữa, vì ngày xưa nhà nghèo lắm, đi chăn trâu cắt cỏ, lúc đói thì lại rủ nhau trèo cây trâm, ăn tới khi no bụng, lưỡi tím ngắt rồi nhìn nhau cười. Ngày xưa chẳng có ai hái trâm bán như bây giờ, vì nhà nào chẳng có, ai mua, bây giờ nhiều người có thu nhập bằng nghề hái trâm, mang lên thành phố bán. Chúng tôi cũng nhiều lần mua trâm ở TP.HCM ăn, để nhớ về kỷ niệm ngày xưa là chính, gọi là món ăn của ký ức chứ không phải ăn để cho no như ngày xưa ấy”, anh Túy nói.

Trái trâm mua ở một xe trâm trên đường phố TP.HCM, trái chín thẫm ăn có vị ngọt, hơi chan chát

Ảnh Thúy Hằng

Những mùa trâm đã mất

Trần Thúy Hằng, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, quê ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi xúc động kể cho chúng tôi câu chuyện về trái trâm quê hương bạn với những ký ức nhiều năm trước.
“Cây trâm ở chỗ tôi mọc ngay bìa rừng, cạnh cái giếng. Lúc tôi với bạn trèo lên cây trâm, có thể thấy bà con nông dân thường là trồng dưa hấu, trồng mè ngồi dưới gốc cây, mọi người múc nước từ dưới giếng lên để rửa chân tay, mặt mũi. Chúng tôi cũng được nghe mọi người kể chuyện đồng áng, chuyện làng này xã nọ. Ở chỗ cây trâm, tôi còn có thể thấy tàu chạy ngang qua, thấy quê hương làng mạc... Mùa trâm thường là vào mùa hè, bây giờ học ĐH ở TP.HCM, mỗi mùa hè về quê tôi vẫn ăn trâm nhưng cảm giác không còn trọn vẹn nữa. Có vẻ lúc lớn, tôi không còn vô tư ngồi trên cây trâm nữa, tôi nhìn mọi thứ bằng một đôi mắt khác. Năm nay, tôi chỉ đứng dưới gốc, chứ không trèo được lên cây trâm. Mọi người bảo tôi lớn rồi. Mà cành trâm giòn, dễ gãy, leo lên sợ té ngã. Cảm giác không thể thấy làng mạc, đường tàu, người nông dân làm lụng từ cây trâm, tự nhiên tôi thấy mình vừa trải qua một cái gì đó đẹp đẽ, nhưng đã mất rồi”, Hằng bộc bạch.

Trên đường 3/2 của TP.HCM vào mùa hè, tháng 5, 6, không khó để tìm thấy một xe trâm, một bịch trâm này giá 30.000 đồng

Ảnh Thúy Hằng

Người viết bài cũng lớn lên với lời kể của bà nội ngày bà còn sống về cây trâm, những ngày bà khai hoang một vùng đất chỉ toàn đồi núi, rừng cây, mỗi mùa hè là hái một lúc cả nón trâm hay nón sim chín, ăn đến no nê. Hay như mùa hè nhiều năm trước, chúng tôi trở lại quê của người thân ở ấp Săm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh, thấy những đứa trẻ sống gần nghĩa trang Cà Ngam say mê hái những trái trâm và tranh nhau ăn, thấy bao câu chuyện của hồi ức ùa về. Thạch Ngọc Xuân, cậu nhóc ngày đó 12 tuổi, da đen nhẻm, sống trong ấp hồn nhiên: “Trái này ngon lắm, cô ăn đi”.

Cậu nhóc Thạch Ngọc Xuân và chùm trâm vừa hái được

Ảnh Thúy Hằng

Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái lấy chồng… Những cây trâm vẫn ở đó, cổ thụ, vươn tán trong những thôn xóm, làng quê, chỉ có mỗi người sẽ dần lớn lên, xa quê hương, và một lúc nào mắt chợt cay sè khi nếm được vị trái trâm ở một phố thị xa xôi khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.