Câu hỏi của người bán hàng rong

15/08/2018 16:52 GMT+7

Đã mấy hôm trôi qua kể từ lúc lặng người nghe câu hỏi của người đàn ông bán hàng rong, tôi vẫn chưa vơi bớt cảm giác ngỡ ngàng, giật mình và xấu hổ.

Tôi đã nhận được một bài học lớn một cách bất ngờ. Và người dạy tôi bài học đó chính là ông lão với tấm bảng treo lủng lẳng kính mắt, ví da, tăm bông, cùng nhiều món đồ chơi trẻ con.
Chẳng biết được ông lão tầm bao nhiêu tuổi bởi cái vẻ bên ngoài khắc khổ có thể làm ta đoán nhầm. Nhưng tôi vẫn nhớ như in dáng người nhỏ thó, khuôn mặt sạm đen và bộ quần áo kaki màu xanh rêu vác sạp hàng đi dọc các ngã đường xứ Huế.

Bước vào quán cà phê, ông lịch sự mời chào khách và bước vội đi mỗi lúc nhận được cái lắc đầu từ chối. Suốt cả hai dãy bàn dài, ông không hề bán được món hàng nào. Ông tiến về phía chúng tôi đang ngồi và hướng sạp hàng đang treo lủng lẳng một bên hông về phía khách.
Không để ông cất tiếng chào mời, tôi rút từ ví tờ hai nghìn đồng hai tay đưa về phía ông: “Dạ, biếu ông uống nước”. Lặng thinh một vài giây, ông lão liếc nhìn tôi nói khẽ: “Chị không mua gì mà lại cho tôi tiền à?”.
Câu hỏi của ông làm tôi cứng họng. Bất ngờ. Bối rối. Tờ tiền hóa thừa thãi, xấu xí. Bàn tay tôi ngượng nghịu nắm lại tờ tiền cho vào túi.
“Cháu xin lỗi…”. Lời xin lỗi của tôi bỏ lửng nửa chừng trước đôi mắt cương nghị, ánh nhìn nghiêm khắc của một người đàn ông đáng tuổi cha chú của mình.
Câu hỏi “Chị không mua gì mà lại cho tôi tiền à?” của người bán hàng rong đã thay lời từ chối đồng tiền không phải của mình, không do sức lao động mình làm ra, thậm chí là không liên quan gì đến mình.
Lời từ chối không hề hách dịch cũng chẳng kiểu cách ra vẻ dạy đời. Nhưng nó đã kịp gieo vào lòng tôi nhiều điểm sáng về lý tưởng sống và cách ứng xử giữa người với người.
Ông đang đi bán dạo, mong muốn khách mua hàng của mình chứ không phải ngửa tay chờ đợi người ta móc ví cho vài đồng như một kiểu bố thí, làm việc thiện.
Lòng tự trọng của một con người nào đó ngoài kia đôi khi bị đánh đổi dễ dàng bằng vật chất, lòng tham, tư lợi. Nhưng nhân cách một con người như ông đã không gục ngã trước đồng tiền không chính đáng. Sống và ngẩng cao đầu, an nhiên tự tại, không thẹn với lòng vẫn luôn vẹn nguyên tính biểu tượng cho sống đẹp, sống ý nghĩa.
Và riêng tôi, tôi đã học được bài học lớn từ câu hỏi của người đàn ông bán hàng rong hôm ấy. Và dù việc chìa ra tờ tiền kia xuất phát từ thiện ý đồng cảm với nỗi vất vả của ông giữa không khí oi bức ngày hạ và một buổi ế hàng thì quả thật tôi đã sai hoàn toàn trong cách cho đi.
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến …, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.