Câu chuyện giới tính: Kỳ 2: Xin nửa tỉ đồng đi chuyển giới

03/12/2013 05:50 GMT+7

(TNO) N.M.T. (16 tuổi, ngụ Cần Thơ) nằng nặc đòi ba mẹ cho 500 triệu để qua Thái Lan phẫu thuật chuyển giới vì “con muốn làm con gái” với áp lực “nếu ba mẹ không cho con chuyển giới, con sẽ bỏ nhà ra đi”. Trường hợp như N.M.T không còn là chuyện xưa nay hiếm.

 
Ngày nay, không ít bạn nam có xu hướng nữ tính hoặc muốn làm nữ - Ảnh: ShutterStock/Viên An (đồ họa)

Mơ thành con gái

Sốc, choáng và không thể dập tắt được mong muốn này của con, ba mẹ đành dỗ ngọt M.N.T. lên Bệnh viện Bình Dân TP.HCM khám, với lý do “phải đi khám trước rồi mới đi chuyển giới được”.

Tại Bệnh viện Bình Dân, ba mẹ T. đã cầu cứu bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân để “xác định giới tính cho con mình”.

Trường hợp khác, một hôm, ba mẹ bé trai T.T.D (12 tuổi, ngụ TP.HCM) về đến nhà thì “tá hỏa” khi thấy con trai mình diện nguyên bộ đầm và đánh son, phấn của mẹ ra mừng.

 
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng phân tích: Qua tiếp xúc, tìm hiểu với nhiều bạn đến Khoa Nam học nhờ can thiệp để thành nữ, thì các bạn còn bị ảnh hưởng bởi các nhân vật trong phim ảnh, âm nhạc hiện giờ, đặc biệt là các ban nhạc Hàn Quốc. Mẫu số chung của những nhân vật, ban nhạc nam này là vẻ đẹp nhẹ nhàng, nữ tính; phục sức cũng thế.

Cớ sự là D. hiện là con một, bố đi công tác suốt nên hầu như D. chỉ quanh quẩn với mẹ. Thế nên hình ảnh đập vào mắt D. chỉ có mẹ cũng như trang phục, những sinh hoạt hằng ngày của mẹ. Cậu bé cũng không ít lần nghịch trang phục, mỹ phẩm của mẹ và tỏ ra thích thú, quen thuộc.

Bác sĩ Dũng cho biết, trường hợp con trai muốn làm con gái như T. hay D. không phải là trường hợp hi hữu.

Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp thanh thiếu niên đến Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân nhờ can thiệp với mong muốn được thay đổi giới tính của mình thành nữ.

Không ít trường hợp con trai nhưng lại thích dùng son phấn, thích mặc đồ nhẹ nhàng, ăn nói, cử chỉ rất dịu dàng, thùy mị và nữ tính.

Hội chứng giả trang giới tính

“Hầu như các bạn có “ước mong” này đa số ở vào độ tuổi 19-25 tuổi, với tâm sự “Bác sĩ ơi, giờ em mới hiểu được mình giới nào”. Thế là các bạn nam muốn phẫu thuật để thành nữ”, bác sĩ Dũng kể.

Bác sĩ Dũng nói thêm: Nhiều phụ huynh gặp phải trường hợp này đã đặt thẳng câu hỏi với bác sĩ: “Con tôi có đồng tính không?”

Tuy nhiên, qua thăm khám, khảo sát, làm các xét nghiệm về giới tính, sự phát triển cơ thể, thể chất, cơ quan sinh dục, sinh lý cũng như nhiễm sắc thể thì các trường hợp này đều bình thường, 100% là nam.

“Như vậy, các bạn nam này hoàn toàn không bị nhầm lẫn giới tính, cần xác định lại cũng như cần phân biệt rõ ràng đây không phải là đồng tính”, bác sĩ Dũng khẳng định.

Bác sĩ Dũng cho biết, trong y khoa xác định những trường hợp này là “hội chứng giả trang giới tính”. Đây là một bệnh lý về tâm lý.

Bác sĩ Dũng giải thích những trường hợp nam thích làm nữ như “hội chứng giả trang giới tính” thế này có nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể xác định nguyên nhân do ảnh hưởng của yếu tố gia đình trong quá trình phát triển của trẻ.

Thường là trẻ rơi vào hoàn cảnh gia đình hơi phức tạp, éo le như có trục trặc trong mối quan hệ với bố mẹ, bố mẹ ly dị, trẻ sống chung với mẹ, xung quanh có nhiều chị em gái, cô dì. Người mẹ không chú ý chăm sóc con về mặt tâm sinh lý mà để trẻ tự phát triển theo những ảnh hưởng môi trường.

“Trẻ phát triển như cây con tự lớn, gió cuốn chiều nào thì theo chiều nấy”, bác sĩ Dũng nói.

"Giới tính thứ ba" tác động đến các em

Thạc sĩ Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy, giảng viên tâm lý, Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM lưu ý rằng cần phân biệt rõ giữa giới tính và xu hướng tính dục. 

Giới tính chỉ có 2 dạng do nhiễm sắc thể giới tính quy định trong quá trình mang thai là XX và XY, trong khi xu hướng tính dục lại có nhiều dạng: xu hướng tính dục khác giới (hấp dẫn về mặt tình cảm và tình dục với người khác giới nam - nữ, nữ - nam); xu hướng tính dục đồng giới; và xu hướng tính dục cả hai giới (lưỡng giới).

Theo thạc sĩ Thy, về mặt sinh lý, giới tính một người được xác định rõ ngay từ khi sinh ra nhưng chưa xác định được xu hướng tính dục. Xu hướng tính dục đa phần bước sang tuổi dậy thì mới thể hiện rõ.

“Còn nhiều bàn cãi về độ tuổi nào thì trẻ nhận biết được về giới tính, nhưng các nhà tâm lý học đều khẳng định, ở tuổi vị thành niên, các bạn đã nhận thức được về giới tính của mình. Tuy nhiên, tuổi vị thành niên là độ tuổi gắn liền với hiện tượng dậy thì, thay đổi hormone sinh dục dẫn đến thay đổi nhiều về sinh lý và phát triển về mặt tình cảm và cảm xúc giới tính nên sẽ có một số trường hợp chưa nhận diện rõ xu hướng tính dục của mình”, giảng viên Dạ Thy phân tích.

Còn theo thạc sĩ  Đào Thị Vân Anh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khi thực hiện khảo sát ở các trường THPT, qua phỏng vấn trực tiếp giáo viên và học sinh thì thấy rằng có một thực tế là học sinh có những suy nghĩ, phân vân về hiện tượng “giới tính thứ ba” và tình yêu đồng giới.

“Có lẽ các trường hợp “giới tính thứ ba” ngoài xã hội cũng tác động đến các em. Vấn đề này cũng đáng lưu ý nhằm giải thích cho các em khi xã hội ngày nay đã cởi mở và dần công nhận “giới tính thứ ba”, thạc sĩ Vân Anh nhận xét.

Thạc sĩ Vân Anh cũng thừa nhận rằng, từ trước đến nay, vẫn chưa có một đề tài hay nghiên cứu nào liên quan đến vấn đề này trong học đường, dù đây là thực tế được nhận thấy trong quá trình khảo sát về kiến thức giới tính.

Minh Quyên (ghi)

Viên An

>> Hàng loạt trẻ em phải xác định lại giới tính
>> Trường hợp đầu tiên được cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính
>> Thủ tục xác định lại giới tính
>> Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 1: 1.001 nhầm lẫn dở khóc dở cười
>> Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 2: Ai được điều chỉnh giới tính?
>> Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 3: Người chuyển giới ở Mỹ cũng đụng "thủ tục
>> Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 4: Cuộc chiến pháp lý quanh cái... toilet

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.