Cần thúc đẩy tư duy phản biện của giới trẻ Việt

25/10/2016 10:10 GMT+7

Giới trẻ thường được giáo dục theo kiểu vâng lời, ngoan ngoãn. Trong gia đình, cha mẹ có xu hướng áp đặt, buộc con phải tuân theo. Điều này khiến cho trẻ không dám chủ động lên tiếng để thể hiện quan điểm của bản thân.

Thấy sai nhưng không dám nói
Huỳnh Văn Tùng (29 tuổi) đang làm việc ở một công ty du lịch ở Q.1, TP.HCM, anh cho hay, mặc dù thấy người quản lý nhóm PR có nhiều việc làm sai phạm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty nhưng chẳng dám phản ứng gì.
Tương tự, Nguyễn Thị Cẩm Nhung (25 tuổi, TP.HCM), đang là nhân viên của một công ty về linh kiện điện tử ở Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng thừa nhận dù biết sếp có những việc làm sai, nhưng chẳng thể đóng góp ý kiến.
Những trường hợp như Nhung và Tùng không hiếm. Khá nhiều sinh viên đã thú thật dù không đồng tình với cách dạy của giảng viên, thậm chí phát hiện những lỗi sai về kiến thức mà giảng viên chuyển tải. Nhưng họ cũng không dám phản biện lại.
“Sợ nói lại sẽ bị bị giảng viên ghét, cho rớt môn”, Lê Đức Phú, sinh viên ngành công nghệ thông tin của một trường đại học ở Q.5, giải thích.
Nhung thì cho rằng đã từng gặp tình cảnh tương tự ở công ty cũ. Nhưng khi nói ra sai phạm của đồng nghiệp, đã bị mọi người ghét bỏ, cô lập và phải làm đơn nghỉ việc. Để rồi từ đó Nhung tự nhủ “thấy gì cũng phải im bặt, không được nói ra”.
Vì đâu nên nỗi?
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thừa nhận bên cạnh nhiều người trẻ rất bản lĩnh, thẳng thắn và "dám cãi" thì thực tế cũng tồn tại một bộ phận giới trẻ thụ động, thật sự thiếu bản lĩnh và tư duy phản biện.
Theo ông Hiếu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Vì môi trường xã hội ngày nay có không ít nơi vùi dập người đấu tranh với cái xấu, chèn ép khi cấp dưới chỉ ra lỗi của cấp trên, cô lập khi một người dám phát biểu chính kiến.
Chưa kể phong cách ứng xử của gia đình cũng ảnh hưởng tới khả năng tư duy phản biện của người trẻ. Ông Hiếu lý giải: “Gia đình là nơi gắn bó với cuộc sống của bạn trẻ từ lúc bé. Nếu cha mẹ giao tiếp với con cái theo phong cách độc tài, áp đặt một chiều, không cho con cái có ý kiến, tranh luận hay chỉ ra lỗi sai của người lớn thì rất có thể tư duy phản biện đã bị giết chết từ trong trứng nước”.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng môi trường học tập là nơi mà tư duy phản biện có cơ hội được rèn luyện một cách bài bản và thường xuyên nhất, thế nhưng hiện tại cách giáo dục tại Việt Nam ít hoặc thậm chí không cho học sinh sinh viên chất vất, phản biện lại thầy cô giáo dẫn đến tâm lý xem lời nói thầy cô luôn luôn đúng. Cho dù biết thầy cô sai, học sinh cũng không dám lên tiếng vì nghĩ làm vậy là hỗn. Tuy nhiên, nhiều học sinh biểu hiện ngược lại, rất hay lên tiếng nhưng do không được rèn luyện về tư duy logic, ít được thầy cô chỉnh sửa cách phản biện nên đã "phản biện" theo kiểu cãi bướng.
Để dám phản biện
Ông Hiếu cho rằng cần tạo một môi trường giáo dục để người trẻ học cách nêu lên chính kiến. Chẳng hạn như: thầy cô khuyến khích người học luôn mở rộng thêm vốn kiến thức, lắng nghe khi người học nói, cho phép người học phản biện sách giáo khoa, giáo trình hay cởi mở đối với việc người học có quan điểm khác với mình.
Ngoài ra, nếu người dạy khuyến khích người học có thái độ hoài nghi khoa học, kiểm chứng lại thông tin, chủ động nêu vấn đề, khen ngợi khi bạn trẻ có phát hiện riêng cũng có thể là yếu tố giúp tư duy phản biện của bạn trẻ phát triển.
Bên cạnh đó, thầy cô nên tổ chức cho người học tranh luận với nhau thường xuyên, yêu cầu bạn trẻ tự chứng minh quan điểm của mình, tổ chức cho người học thực hành phát hiện chỗ sai, chỗ yếu kém, chỗ hạn chế, nhận xét những lỗi lập luận của người học, hướng dẫn người học các thức đánh giá một vấn đề, cách thức lập luận thuyết phục trong nội dung mình đang giảng dạy.
Trong gia đình cần tạo ra bầu không khí cởi mở với các cuộc tranh luận mang tính xây dựng, thể hiện thái độ lắng nghe khi con nói, khuyến khích con tham gia các lớp học bổ ích (học kỹ năng sống, tham dự các hội thảo...) để mở rộng kiến thức, khen ngợi khi con cái phát hiện ra điểm sai, nghịch lý, chủ động hỏi ý kiến con cái, đề nghị con cái tự đưa ra ý kiến riêng... để giúp bạn trẻ có lập trường, biết lập luận và dám phát biểu.
Tư duy phản biện
Trước khi chờ đợi sự thay đổi của môi trường xã hội, nhà trường hay gia đình, thì chính bản thân người trẻ cần có sự thay đổi.
Thực tế có không ít người trẻ cho biết muốn thay đổi tình trạng hiện tại, muốn không còn rụt rè mà dám nói chính kiến, dám đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình. Thế nhưng điều họ băn khoăn là cần trang bị kỹ năng gì?
Theo tiến sĩ Khắc Hiếu, người trẻ cần trang bị cho mình kiến thức rộng, dồi dào, từ luật pháp, chuẩn mực xã hội, giá trị đạo đức... Vì hiểu biết chính là ngọn đèn giúp cái đầu sáng, để dễ dàng phát hiện ra cái gì đang có vấn đề, cái gì hợp lý, cái gì không. Kiến thức đúng sẽ giúp người trẻ có một thước đo đúng khi nhìn nhận sự việc.
Ngoài ra, mỗi người trẻ cần hình thành được tâm thế sẵn sàng phản biện khi cần, dám đấu tranh với cái xấu, lên án cái ác, chỉ ra cái sai. Điều này thể hiện qua việc sẵn sàng tìm kiếm chứng cứ để xác định đâu là chân lý, sẵn sàng nghi ngờ kiến thức đến từ các nguồn có uy tín (như thầy cô, chuyên gia, sách giáo khoa, giáo trình...), sẵn sàng xem xét và tranh luận nếu cần thiết dù đó là thông tin thuộc lĩnh vực kiến thức nào, cũng như dù đã được số đông đồng ý. Cũng như sẵn sàng phê phán chính kết luận của bản thân, sẵn sàng chỉ ra chỗ sai trong phát biểu của người khác hay sẵn sàng tranh luận và phản biện trước đông người.
Không những vậy, cần phải luyện tập tư duy phản biện thường xuyên để giúp hình thành thói quen soi xét mọi thông tin dưới góc nhìn phản biện. Nên loại bỏ việc tiếp nhận thông tin một cách thụ động, không phê phán, học vẹt… vì đây là rào cản vô cùng lớn khiến cho tư duy phản biện èo uột và yếu ớt. Cũng như cần loại bỏ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tư duy phản biện, đặc biệt là những định kiến xã hội đã hằn sâu vào tiềm thức như: thầy cô là chân lý, nói ngược lại ý kiến người lớn là hỗn xược, xã hội không công bằng, sẽ bị trù dập khi bảo vệ lẽ phải...
Sẵn sàng đối mặt cơn gió ngược
Giới trẻ thường được giáo dục theo kiểu vâng lời, ngoan ngoãn mà ít được dạy cách thể hiện chính kiến của mình. Trong gia đình, cha mẹ có xu hướng áp đặt, mệnh lệnh và buộc con phải tuân theo. Điều này khiến cho trẻ không biết, không dám chủ động lên tiếng để thể hiện quan điểm của bản thân.
Giáo dục nhà trường cũng có nhiều điều phải quan tâm. Mặc dù giáo dục không ngừng được đổi mới nhưng tiêu chí "lấy học sinh làm trung tâm" vẫn chưa được thực hiện triệt để. Dạy học theo kiểu một chiều từ giáo viên đến học sinh cùng với các tiêu chuẩn đánh giá học sinh coi trọng về sự chấp hành đã hình thành nên các thế hệ học trò thiếu sự chủ động, không dám đấu tranh với cái sai.
Bên cạnh đó, các em cũng ít được dạy về tư duy phê phán, tư duy phản biện để nhìn nhận và hành xử với những điều không đúng một cách thích hợp. Dưới góc độ xã hội, sự thờ ơ của xã hội ngày càng phổ biến, những hiện tượng "Lục Vân Tiên" ngày càng ít đi, đâu đó còn có việc "làm ơn mắc oán"... khiến cho tinh thần nghĩa khí, dám đấu tranh với cái sai, cái xấu của cá nhân bị ảnh hưởng và suy giảm.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở nhà trường mà ở phạm vi toàn xã hội. Thế nên ngoài vai trò của gia đình, nhà trường thì các bạn trẻ cần học cách tư duy phê phán, tư duy phản biện. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội để trui rèn bản lĩnh trong cuộc sống. Dám đương đầu, dám thách thức và sẵn sàng đối mặt với những "cơn gió ngược" khi mình làm đúng.
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân
Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.