Cần lắm, vầng sáng nhỏ trong đêm

16/11/2018 08:48 GMT+7

Lợi ích của biểu trưng an toàn cá nhân đã được khẳng định từ gần 70 năm qua tại nhiều nước trên thế giới và việc tạo ra thói quen sử dụng biểu trưng này trong quá trình tham gia giao thông tại nước ta là thực sự cần thiết.

Được nhìn thấy, được an toàn
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia bày tỏ sự ủng hộ: “Ý tưởng của Báo Thanh Niên và các đơn vị doanh nghiệp khi trao tặng biểu trưng phản quang cá nhân cho học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân...  là việc làm rất thiết thực, sẽ góp phần đảm bảo an toàn khi lưu thông cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi nguy cơ mất ATGT này”.
Cũng theo ông Hùng, trước đó Ủy ban ATGT đã ký kết hợp tác với Công ty 3M nhằm thực hiện việc dán phản quang vào các phương tiện tham gia giao thông dễ bị tổn thương khi thiếu sáng như: mũ bảo hiểm của người đi xe máy, xe đạp điện và các phương tiện có nguy cơ cao vì thiếu sáng như xe container.
Việc đeo/dán tấm phản quang một cách phổ biến trong cộng đồng chắc chắn sẽ hạn chế được nguy cơ bị tai nạn, góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông
Biểu trưng phản quang an toàn cá nhân (safety reflector) được sử dụng đầu tiên tại các nước Bắc Âu từ những năm 1950 theo sáng kiến của một công dân Phần Lan, nhằm làm tăng tính nhận biết đối với người tham gia giao thông giản đơn (đi bộ, đi xe đạp, xe đạp điện...) khi có nguồn sáng đèn từ ô tô, xe máy chiếu vào trong đêm tối hoặc khi thời tiết xấu. Đến nay, việc sử dụng biểu trưng này đã được sử dụng tại Anh, Mỹ, Úc và nhiều nước châu Âu khác. Từ năm 1954, Tổ chức Quốc gia vì an toàn giao thông Thụy Điển đã tặng miễn phí cho công dân nước này những miếng kim loại nhỏ có phủ sơn phản quang. Các nước Đông Nam Á, trong đó có nước ta, chưa thấy việc sản xuất, quảng bá sử dụng loại biểu tượng phản quang cá nhân; có chăng là một số ít mẫu được bạn trẻ dùng trong lễ hội Halloween hay các buổi ca nhạc với mục đích trang trí y phục.
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) các nước Mỹ, Úc thì tài xế ô tô, mô tô có thể nhìn thấy người đeo vật phản quang đang đi bộ, đi xe đạp… trong cự ly hơn 250 m, trong khi chỉ nhìn thấy người không đeo vật phát sáng ở cự ly dưới 50 m. Việc nhận biết kịp thời sẽ giúp các bác tài có hơn 7 giây để xử lý tình huống, nếu có (khi điều khiển phương tiện với tốc độ 60 km/giờ). Cũng theo nguồn này, năm 2017, 75% vụ tai nạn giao thông tại Mỹ diễn ra vào ban đêm; khoảng 75% nạn nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên, 1/5 trong số các nạn nhân là người đi bộ. Khu vực có tai nạn phổ biến hơn cả là các giao lộ lớn, nhỏ.
Một số nước đã ban hành quy định về việc người đi bộ, hoặc sử dụng các phương tiện giao thông đơn giản khác phải đeo biểu trưng phản quang cá nhân khi ra đường; trong đó có quy định của Bộ Giao thông Phần Lan từ 1982, trong luật pháp của Estonia, Latvia, Lithuania. Các nước vùng Scandinavian đã ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng biểu trưng phản quang từ những năm 1970; đến năm 2001, tiêu chuẩn chất lượng châu Âu EN 13356 đối với vật phẩm này được ban hành, áp dụng tại Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh...
Miếng phản quang do Báo Thanh Niên phối hợp với các đơn vị sản xuất

Việc xây dựng nhận thức và thói quen sử dụng biểu trưng phản quang cá nhân đã được các nước vùng Scandinavian tiến hành trong nhiều năm qua bởi các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thiện nguyện, nhà trường, công ty... Các hãng sản xuất ô tô, ngân hàng, doanh nghiệp vận tải... đã tài trợ cho việc tặng biểu trưng này cho cộng đồng. Theo Hội đồng An toàn giao thông các nước Bắc Âu, từ năm 2010, khu vực này đã có 87% người đi bộ đeo biểu trưng phản quang khi ra đường ban đêm. Vào tháng 10 hằng năm, một số nước còn tổ chức ngày hội phản quang an toàn cấp quốc gia. Tại Anh, cuộc vận động phổ biến và cung cấp biểu trưng phản quang cá nhân được phát động vào năm 2001, đối tượng chính là trẻ em từ 5 - 15 tuổi. 8 năm sau, theo số liệu của Bộ Giao thông Anh (2009), số vụ tai nạn giao thông của trẻ nhóm tuổi này đã giảm hơn 60%.
Tháng 5.2011, Chương trình hành động vì ATGT toàn thế giới đã được khởi động với sự ký kết tham gia của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với mục tiêu kéo giảm, ngăn chặn 5 triệu cái chết do tai nạn giao thông trong giai đoạn 2011 - 2020. Các nước Úc, New Zealand đã nhanh chóng triển khai thực hiện nhiều nội dung đáp ứng mục tiêu trên, trong đó có việc phổ cập biểu trưng an toàn giao thông cá nhân. Khẩu hiệu thường dùng trong các đợt vận động là: Be safe, be seen.
Tại nước ta, kết quả nghiên cứu trong chương trình hợp tác của Ủy ban ATGT quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%). Còn học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện với tỷ lệ 52%. Sự thay đổi từ phương tiện đi bộ và xe đạp sang xe đạp điện và xe máy điện - loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25 - 50 km/giờ) đã khiến học sinh THPT chiếm tới 90% các vụ tai nạn giao thông của trẻ. Tỷ lệ tai nạn giao thông của nhóm đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất với khoảng 0,5 vụ/học sinh. Có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT sử dụng xe máy điện và xe đạp điện.
Không chỉ là nhận thức
Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia đảm bảo trật tự ATGT trong nhiệm kỳ XI (2017 - 2021) nêu rõ nhiệm vụ: “… Xây dựng bộ công cụ để phổ biến pháp luật và văn hóa giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho thanh thiếu nhi. Duy trì hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia đảm bảo trật tự ATGT, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông. Đăng ký đảm nhận các phần việc thanh niên tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý ATGT. Nhân rộng các mô hình cổng trường ATGT, bến đò ngang an toàn, điểm giao cắt đường bộ - đường sắt và các tuyến đường bộ có khu công nghiệp, kinh tế; tích cực tham gia xóa các điểm đen về ATGT”.
Trong đêm, khi dùng xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ khác trên quốc lộ, đường vắng, thiếu đèn đường hoặc khi mặc áo màu sẫm đi bộ qua đường... người tham gia giao thông luôn đối diện với nhiều rủi ro, lý do chính là người điều khiển các phương tiện xe cơ giới thường tập trung chú ý vào các vật phát sáng. Người đi xe đạp hay đi bộ lúc ban đêm hoặc rạng sáng nên mặc áo màu nhạt; và tốt nhất là nên cài, đeo các biểu trưng hay dây phản quang. Tốc độ của các loại xe cơ giới ban đêm thường khá cao, nếu không có yếu tố phát quang để người điều khiển xe thấy và tránh từ xa, thì nguy cơ sẽ khó lường. Theo các chuyên gia về ATGT, một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông chính do người điều khiển phương tiện cơ giới thiếu quan sát hoặc bị hạn chế tầm nhìn.
Báo Thanh Niên đã tiến hành phối hợp với một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, Công ty CP đầu tư Thành Thành Công, Công ty TNHH Grab… để sản xuất biểu trưng phản quang cá nhân tặng cho học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân trong thời gian từ nay đến cuối năm 2018. Biểu trưng gồm 5 lớp chất liệu mềm do đơn vị trong nước thực hiện, đạt chuẩn thực nghiệm hiện trường, giá thành bằng 1/4 so với hàng nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu. Chúng tôi cũng mong nhận được hợp tác cùng các doanh nghiệp, đơn vị hoặc cá nhân khác trong các kế hoạch tương tự nhằm mục tiêu phục vụ cộng đồng.
Biểu trưng phản quang an toàn được sử dụng để đeo cổ, hoặc kẹp vào ba lô, túi xách, trang phục ngoài, hoặc treo trực tiếp vào xe đạp , xe đạp điện, xe đẩy em bé... có hình tròn, hoặc hình các con thú, hoa, ngôi sao, hoặc biểu tượng các môn thể thao, bằng nhựa tái sinh (cứng hoặc mềm), có in, dán các lớp chất liệu phản quang, diện tích tối đa 25 cm2 (để không ảnh hưởng đến người điều khiển các phương tiện giao thông khác).
Việc sử dụng biểu trưng phản quang cá nhân phát huy hiệu quả tối ưu với sợi dây đeo sao cho biểu trưng này có thể đong đưa trong khoảng giữa hông và đầu gối. Như thế, việc phản quang sẽ có tác dụng với mọi góc nhìn. Trong trường hợp người sử dụng biểu trưng cài, móc trực tiếp vào trang phục, túi đeo ... thì nên cài cả trước và sau thân người.
Nên giữ cho biểu trưng phản quang không bị nứt, gãy, tiếp xúc với các bề mặt nhám, không để nơi có nhiệt độ cao hoặc nhúng rửa vào nước; lau khô bằng giẻ mềm là cách tốt nhất. Độ bền của biểu trưng chất liệu mềm khoảng 3 năm; với chất liệu cứng thì lâu hơn. Người sử dụng có thể kiểm tra chất lượng phản quang bằng mắt thường khi dùng nguồn sáng rọi hoặc chụp ảnh (mở flash) biểu trưng trong không gian tối ở cự ly ít nhất 4 m. Thực tế, người điều khiển phương tiện cơ giới sẽ nhìn thấy sự phản quang rõ ràng hơn chính cả người đeo cảm nhận. Hy vọng đó cũng là yếu tố góp phần giảm thiểu những tai nạn giao thông đáng tiếc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.