Cần giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng

27/12/2013 03:00 GMT+7

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ 9 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 29.12. 650 đại biểu đại diện cho trên 2 triệu sinh viên cả nước về dự.

 
Kỹ năng tìm việc được nhiều sinh viên quan tâm - Ảnh: Lê Thanh

Trước thềm đại hội, rất nhiều trăn trở, mong muốn Hội Sinh viên đồng hành và hỗ trợ sinh viên về nhu cầu học tập, việc làm, vui chơi…

Hỗ trợ vốn khởi nghiệp

 
Hiện nay, nhiều sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp khả thi, nhưng hầu hết gặp những khó khăn về tài chính. Nếu có được sự hỗ trợ về nguồn tài chính ban đầu, tôi nghĩ công việc kinh doanh của sinh viên sẽ tốt hơn rất nhiều. Tôi rất mong hội nên vận động thành lập được một quỹ hỗ trợ nói trên. Bên cạnh đó hội nên kết nối với những doanh nhân thành đạt để họ chia sẻ kinh nghiệm cũng như những chiến lược kinh doanh giúp nhiều sinh viên mạnh dạn hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp.

Nguyễn Thị Nguyên Anh
(Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương)

 

Cần có giải pháp hỗ trợ sinh viên tìm việc làm

 
Hiện nay sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, tôi mong đại hội có được những giải pháp thực tế, hiệu quả để giúp sinh viên tìm kiếm việc làm phù hợp. Đó là nhu cầu của sinh viên. Hội Sinh viên cũng cần có giải pháp hỗ trợ sinh viên chuẩn bị nền tảng kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp trước khi tham gia vào thị trường lao động.

Nguyễn Vũ Bảo Duy
(Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Để các công trình nghiên cứu không “đóng băng”

 
Tôi hy vọng rằng sau đại hội lần này sẽ phát triển nhiều sân chơi nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên. Nhà trường cần tổ chức nhiều cuộc thi với những phần thưởng hấp dẫn để kích thích sự năng động sáng tạo của sinh viên. Đặc biệt, đừng để các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu và “đóng băng” mà phải được quan tâm đưa ra thị trường và giúp sinh viên ứng dụng.

Nguyễn Hoàng Khải
(Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn)

Đổi mới phong trào tình nguyện

 
Theo tôi, phong trào tình nguyện hiện nay cứ đi theo lối mòn nên chưa thu hút và đáp ứng được hết nhu cầu rèn luyện của sinh viên. Tôi mong muốn nhìn thấy những thay đổi tích cực, “phá cách” trong phong trào tình nguyện. Cần phải đổi mới trong cách thức tổ chức cũng như tư duy để tạo ra được những sản phẩm tình nguyện có tính thực tiễn cao, thể hiện được trách nhiệm của sinh viên đối với cộng đồng xã hội.

Nguyễn Lê Thị Trâm Anh
 (Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Nên có giải thưởng cho sáng kiến phục vụ biển, đảo

 
Hội chưa có nhiều chương trình, hoạt động về chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia được tổ chức trong các trường học nên nhận thức của sinh viên còn nhiều hạn chế. Khi nói đến chủ đề chủ quyền biển, đảo, nhiều sinh viên sẽ nghĩ đến hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không biết đến đất nước ta còn có hàng nghìn đảo khác nữa.

Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề về chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia nên xây dựng và đầu tư riêng về chương trình giáo dục truyền thông sẽ giúp sinh viên có thông tin chính xác, nâng cao nhận thức, ý thức gìn giữ chủ quyền.

Ngoài các cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”, “Giải thưởng Sao tháng giêng”… trong sinh viên, hội cũng nên có những giải thưởng tuyên dương cho những có những nghiên cứu, sáng kiến hoặc các công trình hoạt động tình nguyện hướng vào phục vụ, khai thác tiềm năng biển, đảo. Nếu những nhận thức về chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia đúng đắn thì sẽ củng cố thêm sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

Trần Minh Cường
(Sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân)

Kết nối câu lạc bộ, đội, nhóm

 
Hiện nay trong các trường học có rất nhiều câu lạc bộ, tình nguyện, đội nhóm, thế nhưng hội chưa kết nối được các mô hình đội nhóm này.

Các tổ chức thành viên trong hội vẫn mạnh ai nấy làm, ít có sự phối hợp chung với nhau trong các chương trình, hoạt động. Nếu như có sự quản lý và điều phối tốt, Hội Sinh viên có thể chọn cho mình đối tượng cụ thể để định hướng hoạt động, tập trung nguồn lực. Hội có thể tổ chức đội tình nguyện dạy học, các dự án kinh doanh xã hội… sau đó trích lại lợi nhuận để hỗ trợ thêm đồ dùng học tập hoặc tổ chức các đối tượng tham gia các dự án. Nếu làm tốt vai trò kết nối các câu lạc bộ, đội, nhóm trong nhà trường thì sẽ giúp sinh viên trải nghiệm, rèn kỹ năng xã hội. Hơn nữa sẽ giúp các chương trình tình nguyện của sinh viên có hiệu quả hơn.

Nguyễn Hồng Thúy
(Sinh viên Trường CĐ Kinh tế và Công nghệ Hà Nội)

Một số chỉ tiêu công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2013 - 2018

- 100% Hội Sinh viên các cấp có công trình, phần việc sinh viên.

- 100% Hội Sinh viên cấp trường, cấp tỉnh tổ chức việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- 100% Hội Sinh viên cấp trường hằng năm tổ chức được các hoạt động: tư vấn, hỗ trợ sinh viên; xây dựng mô hình trang bị kỹ năng thực hành xã hội; ít nhất 1 hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

- Tổ chức ít nhất 2 đợt tập huấn cho cán bộ chủ chốt Hội Sinh viên cấp tỉnh.

- Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ đại hội có 2 triệu hội viên, phát triển thêm 05 tổ chức Hội Sinh viên cấp tỉnh và 2 tổ chức Hội Sinh viên ngoài nước.

- 1.000 sinh viên được tôn vinh Sinh viên 5 tốt cấp trung ương; 5.000 sinh viên được tôn vinh Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh; 200.000 sinh viên được tôn vinh “Sinh viên 5 tốt” cấp trường.

- 100% Hội Sinh viên cấp trường tổ chức chiến dịch tình nguyện hè và tình nguyện thường xuyên; mỗi hội viên Hội Sinh viên tham gia ít nhất 5 ngày tình nguyện trong mỗi năm học.

- Các cấp bộ Hội phấn đấu huy động 200 tỉ đồng trao học bổng, giải thưởng cho sinh viên từ các nguồn xã hội hóa.

(Trích dự thảo Báo cáo của BCH T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Sinh viên Việt Nam)

L.Thanh - P.Hậu
(ghi)

>> Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ gia đình
>> Kỹ năng tìm việc
>> Học kỹ năng mềm miễn phí
>> Học kỹ năng làm phim
>> Trang bị kỹ năng tư duy sáng tạo
>> Kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên
>> Kỹ năng an toàn lao động
>> Học kỹ năng sống miễn phí
>> 3.500 thanh thiếu niên học kỹ năng sống

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.