Cần có... chút liều !

28/05/2015 07:15 GMT+7

Không ít người trẻ khởi nghiệp than thở mình đang rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn, không có thương hiệu... Phải chăng đó thực sự là nỗi bế tắc của họ?

Không ít người trẻ khởi nghiệp than thở mình đang rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn, không có thương hiệu... Phải chăng đó thực sự là nỗi bế tắc của họ?
Bạn trẻ quảng bá dự án của mình tại sàn giao dịch Ý tưởng khởi nghiệp - Ảnh: Như Lịch
Bạn trẻ quảng bá dự án của mình tại sàn giao dịch Ý tưởng khởi nghiệp - Ảnh: Như Lịch
Tìm cơ hội trong khó khăn
“Chị nghĩ sao khi nhiều bạn trẻ mới khởi nghiệp luôn ưu tư về chuyện thiếu vốn, không có thương hiệu?”, PV Thanh Niên đặt câu hỏi. Chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM, khẳng định: “Đây là hai vấn đề không hẳn đã trùng nhau và cũng không luôn là hệ quả của nhau. Cần tách chúng ra, nếu không sẽ tự rơi vào vòng luẩn quẩn. Thiếu vốn, chưa xây dựng được thương hiệu là câu chuyện rất thường gặp của giới khởi nghiệp nói chung. Nhưng bạn phải tìm cơ hội sống sót trong giai đoạn bạn thiếu thốn”.
Tìm cơ hội bằng cách nào? Chị Hoàng Phi gợi ý: “Đối với thương hiệu khởi nghiệp, bạn cần thông qua nhiều kênh để người ta biết đến bạn. Tham gia những cuộc thi khởi nghiệp, sàn giao dịch ý tưởng, các buổi chia sẻ... cũng là cách để người ta biết đến mình”.
Theo chị Hoàng Phi, những người khởi nghiệp không nên nói chuyện thương hiệu gì đó quá xa xôi hoặc muốn cả thị trường biết đến mình. Thay vào đó, cần “biết mặt đặt tên” đối tượng khách hàng mình cần hướng đến. “Trên thực tế, có những thương hiệu thành công ngay cả khi không có nguồn vốn dồi dào, thậm chí không có tiền đầu tư cho thương hiệu. Đừng để tiền bạc giới hạn khả năng sáng tạo của mình và con đường mình đang đi”, chị Hoàng Phi nhắn nhủ.
Trong buổi tọa đàm "Gây dựng thương hiệu - Mạnh được yếu thua?" vừa diễn ra tại một trường ĐH ở TP.HCM, một bạn trẻ tên Tuấn nêu băn khoăn: “Tôi đang có kế hoạch cung cấp gà rán cho công nhân ở khu công nghiệp, nhưng chưa tìm được giải pháp”. Bà Đặng Hoài An, Giám đốc marketing Microsoft MDS VN, tư vấn: “Bạn phải trả lời các câu hỏi: Công nhân có thích thức ăn nhanh không? Nếu có, món họ ưa chuộng nhất có phải là gà rán? Rồi bạn phải so sánh với những thương hiệu gà rán trên thị trường, xem người ta đã đáp ứng khách hàng đó hay chưa?... Từ đó, bạn có cơ sở tìm bước đột phá cho thương hiệu. Làm sao để khách hàng tin sản phẩm của bạn phù hợp với họ”.
Làm việc nhỏ, nhưng dám nghĩ lớn
Ông Trần Hoàng Bảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và phát triển nguồn nhân lực (BCC), nói: “Tôi cho rằng khởi nghiệp là bắt đầu bằng công việc nhỏ nhưng dám nghĩ lớn, tạo ra được sản nghiệp sau này. Nếu bạn bắt tay ngay vào những cái lớn thì dễ sụp đổ”.
Theo ông Bảo, công thức khởi nghiệp thành công gồm 5 yếu tố. Trước hết, động lực là yếu tố rất quan trọng (Khởi nghiệp vì cái gì và để làm gì? Động lực có đủ lớn, đủ mạnh để đeo bám đến cùng?). Thứ hai, đó là chiến lược (Ý tưởng, dự án có đủ sắc bén, khác biệt và khả thi không? Nên tìm một sản phẩm dù nhỏ thôi nhưng nó có sức khoan thủng thị trường). Tiếp đó là khả năng kết nối nguồn lực (nhân sự, tài chính, mối quan hệ); cách thực thi thông minh, quyết liệt; phải biết… liều một chút!
“Đó là những điều tôi học hỏi từ những bậc đàn anh của mình. Tuy nhiên, nếu làm đúng y chang công thức thành công đó thì sẽ… thất bại. Bởi công thức chỉ có giá trị tham khảo khoảng 20%. 80% còn lại mỗi người phải vận dụng, điều tiết sáng tạo phù hợp với thể trạng của mình”, ông Bảo nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý người khởi nghiệp thường yếu ở khâu kết nối nguồn lực, bởi vấn đề này là khó nhất trong khi họ không được đào tạo.
Hỗ trợ nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong những năm qua, chị Trương Lý Hoàng Phi thẳng thắn góp ý: Người khởi nghiệp thường chưa đầu tư cho dự án một cách sâu sắc, đúng nghĩa. Chẳng hạn, với kế hoạch kinh doanh, các bạn cứ nghĩ nó không quan trọng nên viết cho có. Khi nhà đầu tư hỏi đến, kế hoạch đa phần sơ sài, không cập nhật thực tế. Ở tình huống này, chính bạn tự đặt mình vào sự khẩn cấp làm giới hạn tính sáng tạo và không tạo lợi thế cho dự án của mình. Muốn nhận đầu tư thì bạn phải "đầu tư" từ những việc nhỏ.
“Cơ hội chỉ dành cho những ai có sự chuẩn bị tốt hơn. Đường vừa dài, vừa lạ nên phải học cách đọc bản đồ, biết cách đi từng chặng, học quan sát để đỡ phải lạc đường, mất thời gian, lãng phí nguồn lực. Thay vì than thiếu, hãy sáng tạo và quyết tâm”, chị Hoàng Phi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.