Cảm động lớp dạy võ miễn phí cho người tự kỷ ở Sài Gòn

03/11/2016 11:08 GMT+7

Lớp dạy võ Aikido của võ sư Lê Hoàng Mai đều đặn tập luyện tại Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận (TP.HCM) vào sáng thứ 4 hàng tuần dành riêng cho những người mắc hội chứng Down, tự kỷ … tại Sài Gòn.

Gần hai tháng trở lại đây, lớp dạy võ Aikido của võ sư Lê Hoàng Mai vẫn đều đặn tập luyện tại Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận (TP.HCM). Đây là lớp học võ hoàn toàn miễn phí, dành riêng cho trẻ em mắc Hội chứng Down, tự kỷ…ở độ tuổi từ 17 đến 27 tuổi. Nhằm giúp các học viên cải thiện tình trạng khó khăn trong giao tiếp, học tập và sinh hoạt hàng ngày.

 
[CLIP] lớp dạy võ miễn phí cho người tự kỷ ở Sài Gòn - Thực hiện: Lê Nam - Hảo Hảo

Đồng cảm với những thiệt thòi về tinh thần lẫn thể chất của trẻ em tự kỷ, võ sư Mai mong muốn thông qua lớp học này sẽ có thể giúp các em hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. “Ở đây phương án giảng dạy sẽ phụ thuộc vào từng bạn học viên. Chúng tôi sẽ theo dõi tính cách, tìm hiểu tâm lý và sở thích của từng em, rồi theo đó áp dụng cách dạy nhẹ nhàng, tạo hứng thú cho các em để các em có thể thoải mái giao tiếp, tập luyện cùng mọi người”, võ sư Hoàng Mai cho biết.

Vào 8 giờ sáng thứ tư hàng tuần, lớp học bắt đầu với sự tham gia giảng dạy của võ sư Mai cùng với rất nhiều trợ giảng… Khi chúng tôi đến, các học viên của lớp đang ngồi thiền đầu giờ. Quan sát thấy lớp học khá đông, các em đều nghiêm túc ngheo theo sự chỉ dẫn của các thầy. 
Nụ cười của võ sư Lê Hoàng Mai trong lớp học võ đặc biệt Ảnh Lê Nam
Trong một giờ học sáng thứ 4 của trẻ tự kỷ Ảnh Lê Nam
Anh Thuận, trợ giảng chia sẻ: “Cho đến nay các em đã chuyển biến rất nhiều, ban đầu các em chỉ vào đây ngồi chơi là chính, đến nay thì thời gian ngồi chơi của các em đã giảm, các em có thể nghe theo hiệu lệnh của thầy Mai, tập trung luyện các đòn, thế và ngồi thiền 2 lần trong buổi tập”.

Anh Triết, một trợ giảng khác đang hỗ trợ học viên Mỹ Duyên luyện viết chữ trong 30 phút trước buổi học. Được biết, trước đây Duyên gần như không thể nhớ được bất cứ điều gì. Nhưng sau 3 tuần theo học, trí nhớ của Duyên có sự tiến triển rõ rệt. Em có thể nhớ được mặt chữ và phát âm đúng. “Để đạt được kết quả khả quan như vậy thì chúng tôi lẫn em Duyên cũng phải kiên nhẫn dạy và học rất nhiều lần”, anh Triết chia sẻ.
Mỹ Duyên là một trong những học viên tiến bộ nhanh tại lớp học võ Ảnh Lê Nam
Một trong những học viên nữ khác tại lớp học võ Ảnh Lê Nam
Bên cạnh việc học chữ, học võ…các em còn có thể tham gia vào lớp uốn nắn hành vi trong sinh hoạt hàng ngày. Chị Trần Thị Tâm, một trong những trợ giảng thường xuyên tại lớp học đặc biệt, vui vẻ nói: “Hiện tại thì tôi đang chăm 3 em và tất cả đều rất ngoan”. 
Nói về công việc của mình, chị Tâm kể thêm. Trước đây, khi còn là sinh viên khoa Công tác xã hôi, chị đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các trẻ em tự kỷ, Down. Chính từ những lần gặp gỡ và hướng dẫn các em từ những việc nhỏ nhất như đóng cửa sao cho nhẹ nhàng, đi lại trên cầu thang như thế nào, giao tiếp với mọi người ra sao… Đã khiến chị muốn được góp phần nào sức mình vào những tổ chức thiện nguyện như vậy.
Võ sư Lê Hoàng Mai dìu dắt từng bước chân của trẻ tự kỷ, giúp họ có được sự tự tin Ảnh Lê Nam

Nhiều phụ huynh đưa con em mình đến lớp võ bày tỏ niềm vui khi nhìn các em luyện tập tích cực. Ông Lê Thanh Tấn, một phụ huynh có con tham gia lớp võ của thầy Mai từ những ngày đầu tiên, cho biết: “Sau 3,4 tháng học võ, Yến Linh đã vui vẻ hẳn ra, cười rất nhiều và ngày nào cũng háo hức được đến lớp. Linh còn có thể nói chuyện bình thường, nói những câu tôi không ngờ con nó có thể nói được. Thấy vậy tôi cũng vui lắm”.
Ông Lê Thanh Tấn có con gái 25 tuổi, mắc hội chứng Down tham gia lớp học đang hạnh phúc nhìn con từ phía xa Ảnh Lê Nam
Dạy các bé từ thao tác thiền cho đến giúp các bé có thể hòa nhập, cởi mở với mọi người là công việc cần sự kiên nhẫn và mất nhiều thời gian. Theo võ sư Mai, quan trọng nhất là tấm lòng. Người đứng lớp phải dạy bằng cái tâm, nhìn các em như một người bình thường. Phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của từng học viên để hiểu và cảm nhận một cách chân thật nhất các em muốn gì, cảm thấy như thế nào. Hơn thế nữa, phải đam mê với cái tâm thiện nguyện, để khi nhìn vào sự tiến triển của các em sẽ càng có động lực mà tiếp tục giảng dạy.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình luyện tập, võ sư Mai cười hiền: “Khó khăn nhất là những em mắc tự kỷ sâu, trong tiềm thức đã hình thành việc từ chối tiếp nhận sự hòa nhập với cộng đồng. Nhưng chúng tôi chưa ai và cũng không ai có ý định bỏ cuộc. Vì đây là lớp võ được mở bằng niềm tin. Phải có niềm tin vào tình yêu của mình với các em khuyết tật, cũng như tin vào sự chuyển biến của các em. Nên dù khó khăn như thế nào thì chúng tôi vẫn vượt qua được”. 
Võ sư Mai và trợ giảng trong lớp học Ảnh Lê Nam
Nhiều trẻ tự kỷ đang dần làm quen với môi trường tập thể Ảnh Lê Nam


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.