Cai nghiện ma túy đá bằng... âm nhạc

11/04/2017 14:50 GMT+7

Với cây bút chì và quyển vở trong tay, các bạn trẻ từ một ngôi làng ở Campuchia tự sáng tác các bài hát trong nỗ lực vĩnh biệt ma túy đá.

Vào một ngày giữa tháng 10.2016, Bun Hat chạy xe máy khoảng 60 km từ một ngôi làng ven sông Sê San đến TP.Banlung, tỉnh Ratanakiri, đông bắc Campuchia để “được” nhốt vào một căn phòng kín. Chàng trai 18 tuổi này là một trong những thanh niên dân tộc Brao tự nguyện tham gia chương trình cai nghiện ma túy đá (methamphetamine) bằng cách sáng tác nhạc, theo tờ The Cambodia Daily.
Cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa tại các ngôi làng nghèo khó thuộc Ratanakiri, Bun Hat bị dụ dỗ chơi ma túy từ sớm. Ở đây, thanh niên có thể dễ dàng mua “ya ma” (viên nén tổng hợp caffeine và methamphetamine) từ những người bán dạo.
Nhờ nỗ lực kiên trì thuyết phục của một nhà hoạt động tên Bunthan Kamphen mà Bun Hat và nhiều người khác đang dần có thể tìm ra được một con đường mới tươi sáng hơn cho mình.
Sức mạnh âm nhạc
Khi Bun Hat bước vào trung tâm cai nghiện do tổ chức phi chính phủ Ủy ban Hợp tác quốc tế (ICC) bảo trợ ở Banlung thì ông Bunthan đã đợi sẵn. Cậu được dẫn vào một căn phòng kín có sẵn cà phê, bút chì, một quyển vở và một số đĩa nhạc. Tại đây, công việc chính của học viên trong ngày đầu tiên là nghe nhạc và ghi lại cảm xúc của mình ra giấy. Thời gian sau, họ sẽ được dạy các bước sáng tác cơ bản như nhạc lý, cảm âm... để rồi âm nhạc trở thành liều thuốc giúp xoa dịu nỗi đau đớn vật vã trong quá trình cắt cơn nghiện. “Các bạn trẻ hãy lắng nghe người lớn chỉ bảo chúng ta. Chơi với bạn xấu thì sớm muộn cũng sẽ sa ngã”, đây là một đoạn trong bài hát đầu tiên do Bun Hat sáng tác. Ca từ đơn sơ, mộc mạc, thậm chí có phần “thô” nhưng lại gần gũi và phản ánh hiện thực mà những người nghiện như cậu đã trải qua.
Theo The Cambodia Daily, Ratanakiri là tỉnh nghèo và hẻo lánh, tập trung 14 dân tộc thiểu số có đời sống khá khó khăn. Giới trẻ thiếu định hướng, không việc làm, còn ma túy thì tràn lan. Hầu như không ngôi làng nào ở tỉnh Ratanakiri không có người trẻ chơi “hàng đá”. Một quan chức cảnh sát tỉnh là Van Songvath cho biết số người nghiện chiếm 5 - 10% dân số các cộng đồng dân tộc địa phương. Tuy nhiên, nhà hoạt động Bunthan cho rằng con số thực tế còn có thể cao hơn vì theo một số ước tính độc lập thì cứ mỗi 10 người thì có 6 con nghiện. “Mỗi khi lên cơn, thanh niên trong làng như trở thành ma quỷ, đánh đập cả cha mẹ. Lúc trước, mỗi khi vào các làng để vận động cai nghiện, tôi vẫn rất hồi hộp sợ bị hành hung, cướp bóc”, ông Bunthan cho biết. Sau nhiều năm làm công tác tình nguyện về ngăn ngừa ma túy, chuyên gia này cảm thấy phương pháp vận động không hiệu quả nên nảy ra ý tưởng nhờ ICC hỗ trợ để xây dựng liệu pháp cai nghiện bằng âm nhạc. “Tôi muốn mang lại cho các em một thứ gì đó để vừa giải tỏa cảm xúc vừa giúp đầu óc bận rộn, quên đi ma túy”, ông nói.
Tương lai mới
Sau nhiều năm lặng lẽ, đời sống ở Ratanakiri bắt đầu thay đổi từ khi cơn sốt địa ốc và khai thác gỗ bùng nổ từ giữa thập niên 1990. Các băng nhóm khai thác gỗ lậu phá sạch các khu rừng trong khi người dân bị dụ dỗ bán đất trồng trọt. Xe máy, điện thoại thông minh, các tụ điểm đèn mờ xuất hiện tràn lan cuốn thanh thiếu niên vào vòng xoáy đua đòi. “Toàn dân nghèo thì lấy đâu ra tiền nên họ chỉ có đường bán đất canh tác và tham gia đốn gỗ”, ông Bunthan cho hay. Theo ông, các thanh niên nghiện ma túy đá đa phần đều theo các băng gỗ lậu vào rừng đốn cây và chuyển gỗ. “Các em phải vác gỗ xuyên đêm nên rất mệt mỏi và dễ dàng bị bọn buôn ma túy tiếp cận, dụ dỗ thử vài viên để tỉnh táo. Có khi chính mấy tay trùm gỗ đưa hàng đá cho các em”, chuyên gia này cho biết thêm. Sau nhiều năm, gỗ hết sạch còn người nghiện thì gia tăng.
Dù chưa bao giờ đụng đến ma túy nhưng chị họ của Hat là Sophan (19 tuổi) cũng tham gia sáng tác nhạc ở Trung tâm Banlung để góp phần ngăn chặn sự tàn phá của “ya ma”. “Em thấy nhiều thanh niên trong làng nghiện từ lúc mới 15 tuổi nên rất khó cai”, cô cho biết. Một bài hát của Sophan có đoạn: “Họ mang “ya ma” đến dụ dỗ bạn trẻ. Chúng ta nghe theo rồi sẽ phải tìm đủ mọi cách kiếm tiền thỏa mãn cơn nghiện”.
Đến nay, trung tâm của ông Bunthan đã có những thành công bước đầu khi thu hút được nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đến cai nghiện và có những người đã dứt hẳn như Bun Hat. Ông cho biết đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác. Để tăng cường sức lan tỏa cũng như tìm kinh phí, ông Bunthan dự định sản xuất băng hình karaoke và thu âm các bài hát do học viên sáng tác. Đĩa karaoke đầu tiên sẽ được quay tại công viên quốc gia Virachey ở Ratanakiri. Trong khi đó, Bun Hat bày tỏ ước mơ của cậu bây giờ là trở thành nhạc sĩ và hy vọng tác phẩm của mình sẽ giúp ích cho những người nghiện khác.

tin liên quan

Cờ Việt Nam đã tung bay ở Bắc cực
Hoàng Lê Giang, chàng trai Việt Nam đầu tiên tham gia chinh phục Bắc cực vừa kết thúc hành trình Polar với các đồng đội đến từ các nước trên thế giới. 

 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.