Cách ly xã hội: Dở khóc dở cười khi người trẻ vào bếp

Tấn Đạt
Tấn Đạt
08/04/2020 13:01 GMT+7

Từ nấu đồ ăn cho đến làm thức uống, nhiều chuyện 'dở khóc dở cười' khi người trẻ vào bếp trong những ngày cách ly xã hội vì dịch Covid-19.

Bọt biển đâu không thấy…

Mấy ngày cách ly xã hội thấy ai cũng làm rồi đăng lên Facebook khoe món cà phê bọt biển quá trời, nhìn thấy đẹp nên chị Phạm Bích Trâm, 32 tuổi, làm việc tại đại lý vé số Tấn Phát, Q.9, TP.HCM cũng làm thử xem sao

Chị Bích Trâm kể, được người chị chia sẻ cách làm, thấy cũng dễ nên quyết định ra mua 6 bịch cà phê về làm. Ban đầu đổ cà phê vào đánh cả gần 15 phút nhưng không nổi bọt mà chỉ quánh cục thôi, đến mấy đứa cháu trong nhà giành đánh nhưng không biết cách đánh nên văng đầy cả nhà. Sau khi hoàn thành tụi nó bu lại hỏi “sao nó thấy ghê vậy dì”, rồi tụi nhỏ uống thử xong chê dở... 

“Làm cực cái thân mà không thành công, nên thôi uống cà phê sữa ngon hơn. Được cái đưa ảnh lên Facebook bắt 'trend' cho vui”, chị Bích Trâm chia sẻ.

Cũng làm món cà phê bọt biển giống chị Bích Trâm, nhưng lại thành công ở lần đầu tiên. Chưa dừng lại ở đó, chị Nguyễn Thị Tú Anh, 24 tuổi, trú ngụ tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đi mua thêm bột ca cao, rồi matcha về làm thay cho cà phê để xem nó như thế nào.

Chị Tú Anh kể: "Mình đánh tay 10 phút, ca cao cũng không lên bọt, dùng máy đánh trứng cũng không thành bọt biển luôn, thấy nản quá nên bỏ. Sau này mình mới biết thành phần nào có sữa là đánh không lên được bọt biển".

Món cà phê bọt biển thất bại mà chị Bích Trâm làm

Ảnh: Bích Trâm

Còn chị Nguyễn Thị Hoàng Nga, 30 tuổi, nhân viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, chia sẻ ngày nào cũng vậy cứ lướt trên Facebook thấy món nào hay hay, lạ lạ là phải nấu cho bằng được. Một ngày nấu một món, đến nổi tủ lạnh không còn chỗ chứa vì món này chưa hết món khác lại tới. Nhớ nhất là món bánh chuối nấu sao thành chè chuối hấp, thay vì dùng tăm để ăn cả nhà dùng muỗng để múc.

“Do thêm nước nhiều nên bột lỏng, rồi thiếu bột gạo nên bánh chuối không mền ngon, từ đó phải hấp gần 4 tiếng đồng hồ thay vì 30 đến 45 phút, nhưng mình cũng thấy ngon và thú vị khi chế biến thêm nước cốt dừa và rắc đậu phộng rang lên ăn”, chị Nga kể lại.

Từ phỏng tay đến suýt cháy nhà

Nhắc tới việc nấu ăn trong mùa dịch Covid-19, Nguyễn Thụy Xuân May, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lại lắc đầu ngao ngán vì sợ.

Xuân May chia sẻ: “Ba mẹ làm hạt điều ngoài ruộng nên phần bếp núc phải do mình làm. Bình thường là dùng bếp củi để tiết kiệm, mà củi ở đây là củi cao su nên nhanh cháy lắm. Bữa đó chiên cút tẩm bột, lúc dầu đang sôi em vô tình làm giọt nước rớt xuống, dầu bắn tung tóe trúng tay muốn khóc".

Chị Trần Trương Yến Nhi, 27 tuổi, ngụ tại xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, cũng phải một phen hú vía và không dám nấu ăn nữa vì suýt làm cháy nhà lúc kho nồi cá rô trong những ngày nghỉ vì dịch Covid-19. Yến Nhi cho biết, nhà chỉ xài toàn lá dừa khô nên lửa bắt nhanh lắm. Khi kho cá, chị bỏ thêm củi vào thì bất ngờ lửa cháy mạnh quá “táp” lên tới nóc nhà. Mình nhảy dựng lên và cùng đứa em hì hục lấy nước dập lửa đến tóc quéo luôn.

“Từ đó, mình chỉ dám làm mấy món như sữa chua, đá bào bình thường thôi”, Nhi bộc bạch.

Trong khi đó, anh Phạm Thanh Tuấn, 28 tuổi, trú ngụ tại xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, tâm sự đi làm trên Sài Gòn chỉ toàn chiên trứng, mì gói..., nhưng từ khi về quê anh đã vào bếp nấu cho cả gia đình trong những ngày cách ly xã hội.

“Hôm trước mình trổ tài làm món thịt kho để đãi cả nhà. Sau khi mua nguyên liệu, ướp gia vị theo đúng công thức và nấu, cứ ngỡ là cả nhà sẽ rất hãnh diện vì mình có thể nấu giỏi đến thế. Thế nhưng, kết quả ly kỳ hơn trong suy nghĩ. Hôm đó má mình ăn xong rồi nói 'nấu nướng kiểu này thì sao cưới vợ hở con', lúc đó mình chỉ biết cười. Nguyên nhân là do mình sơ ý nên nồi thịt kho khét lẹt, cả nhà sau đó phải ăn cơm với trứng luộc ”, anh Thanh Tuấn chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.