Các F0 ở TP.HCM khỏi bệnh đều có một điểm giống nhau này

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/07/2021 19:40 GMT+7

Các bạn trẻ là F0 đã khỏi bệnh đều có một đặc điểm chung, ngoài tuân thủ những lời khuyên của cán bộ y tế , đó còn là ý chí mạnh mẽ, sống lạc quan và trong hoàn cảnh nào cũng suy nghĩ, hành động tích cực.

Tinh thần vững vàng

Trong một trường hợp cụ thể, N.Ng (25 tuổi, quê Đắk Lắk, công nhân công ty Nidec Sankyo, TP.HCM) thuộc diện F0 đã được xuất viện vào ngày 26.7. "Phòng của tôi có 6 người, thì 4 người cùng khỏi bệnh và ra viện cùng một ngày. Giây phút ấy tôi hạnh phúc vô cùng. Bố mẹ còn nói tôi gan lỳ, là F0 mà không kể với ai để một mình chiến đấu với Covid-19", N.Ng nói với phóng viên Báo Thanh Niên.
Kể về cuộc chiến chống lại Covid-19 của mình, N.Ng cho hay cô tập yoga trong phòng ở bệnh viện dã chiến mỗi buổi sáng. Sau đó, cô cùng các F0 khác chia nhau dọn dẹp nơi ở cho gọn gàng sạch sẽ, thu dọn rác, chà rửa toilet cho sạch bong, rồi mới ăn sáng, uống thuốc, pha nước chanh ấm để uống…
Bệnh viện dã chiến nơi N.Ng được điều trị Covid-19 là một khu chung cư được trưng dụng ở TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ban đầu, nữ công nhân trẻ có các triệu chứng như nhiều bệnh nhân Covid-19: sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, trong khi một số F0 khác trong phòng ho nhiều, thậm chí ho ra máu. Tuy nhiên, mọi người động viên nhau dù chán ăn, mệt mỏi như thế nào cũng phải cố gắng ăn nhiều vào để có sức.

Từ phòng cách ly, Ng. nhìn ra bên ngoài bệnh viện dã chiến

Ảnh NVCC

Để dễ nuốt, các cô gái chia đồ ăn thành những bữa ăn nhỏ, có khi một ngày ăn 5 bữa. Họ đặt mua bên ngoài một ấm siêu tốc nên thường xuyên có nước nóng để tắm, pha nước chanh, cam và nấu nước xông. Ngày nào họ cũng uống nước chanh ấm và súc miệng thường xuyên bằng nước muối.
“Tinh thần rất quan trọng với các F0 khi điều trị Covid-19. Những lúc buồn chán mệt mỏi, tôi nhắn tin với những người bạn thân mà biết tình trạng sức khỏe của mình. Rồi chị em trong phòng kể chuyện vui cho nhau nghe. Chúng tôi cũng được nghe tiếng nhạc, tiếng hát của các nghệ sĩ từ dưới sân của chung cư vọng lên. Những giai điệu đó khiến chúng tôi thêm yêu cuộc sống và tự nhủ với bản thân là mình phải khỏe mạnh và chúng tôi đã làm được”, N.Ng nói.

Giấc ngủ vội của những bạn dân quân hỗ trợ đưa cơm, dọn rác trong khu cách ly điều trị Covid-19, hình ảnh khiến các bệnh nhân xúc động

Ảnh Nguyễn Quốc Khánh

Bí quyết của bệnh nhân điều trị tại nhà

Sau khi bà ngoại (63 tuổi) có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và được điều trị tại bệnh viện dã chiến số 6 (TP Thủ Đức, TP.HCM), L.N.T, 21 tuổi, làm về dây thắng xe máy, đã khai báo y tế ở địa phương. Sau đó, L.N.T được tự cách ly điều trị tại nhà ở P.11, Q.6, TP.HCM.
Anh kể với phóng viên, khi biết bà nhiễm Covid-19, anh cũng đoán mình khả năng nhiễm rất cao. Do đó, khi thấy các triệu chứng như ho, sốt, mất khứu giác, mệt mỏi trong người, anh bình tĩnh uống thuốc ho, thuốc hạ sốt, tăng cường uống vitamin C và mỗi ngày 2 lần xông mũi với sả, gừng, dầu xanh.

L.N.T điều trị tại nhà và đang hồi phục rất tốt

Ảnh NVCC

“Ban đầu tôi khó ăn lắm, mệt không muốn ăn gì, lại thương bà nên nằm khóc hoài. Tôi đọc được trên báo câu chuyện về một chị là F0 một mình ở Pháp điều trị Covid-19 ở nhà, chiến thắng Covid-19 sau 26 ngày thì tinh thần mạnh mẽ hơn rất nhiều. Bà con mua giúp đồ ăn, để cho tôi ngoài cửa. Tôi xông được 4 ngày thì lấy lại được khứu giác. 5 ngày hôm nay tôi ăn uống rất tốt. Tin vui tôi cũng nhận được từ trong bệnh viện dã chiến là bà ngoại tôi ăn uống tốt, đang hồi phục, bà đang đợi xét nghiệm lại xem đã âm tính trở lại chưa”, T. khoe.

Bản tin Covid-19 ngày 30.7: Cả nước 8.649 ca mới, TP.HCM lên phương án tiếp tục giãn cách xã hội trong 2 tuần

Không ngồi một chỗ và than vãn

Còn N.H.P.G., 23 tuổi, được điều trị Covid-19 ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và bệnh viện dã chiến số 4, TP.HCM, đã xuất viện hôm 25.7. Cô cho hay trong những ngày ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cô uống bổ sung vitamin C và vitamin B tổng hợp, uống thuốc bác sĩ cung cấp ở bệnh viện.
Khi được chuyển qua bệnh viện dã chiến, cô uống thuốc Panadol mỗi khi người nhức mỏi, thuốc đau bao tử, thuốc ho nhờ người quen gửi vào và tiếp tục uống vitamin C, vitamin B mỗi sáng. Ngoài ra, cô dùng thêm sữa chua, uống sữa đậu nành…
G. cho biết, là F0 trải qua 30 ngày đi cách ly, điều trị Covid-19 tới khi khỏi bệnh, cô muốn gửi lời chia sẻ, nhắn nhủ tới các F0 khác để mọi người yên tâm hơn là "hãy bình tĩnh rồi sẽ chiến thắng Covid-19".

Cô gái tên P.N.Q.C là F0 tại bệnh viện dã chiến số 3 đọc báo mỗi ngày. Cô và mẹ, chị gái, cả 3 F0 trong gia đình đã được xuất viện và trở về nhà

Ảnh NVCC

Theo G., là F0 thì phải đi cách ly, điều trị, chúng ta vào bệnh viện tới khi khỏi bệnh rồi về, nên đừng có đếm từng ngày, đếm từng lần xét nghiệm.
"Chúng ta đi cách ly để tránh lây nhiễm cộng đồng và nghỉ ngơi để hết bệnh, các bạn trẻ không nên suy nghĩ tiêu cực, cũng không nên đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo, đầy đủ tiện nghi như ở nhà. Đồng thời, người trẻ nên hành động tích cực trong mọi hoàn cảnh, chứ không chỉ ngồi đó than vãn, đòi hỏi và trách móc", G. nói. 
Ngày G. mới chuyển đến bệnh viện dã chiến số 4, nơi mới vừa được thiết lập nên có lúc cúp điện, nước, khu để rác dồn ứ. "Tuy nhiên, tôi từ tốn gọi điện lên số điện thoại lên bộ phận nhận góp ý, tôi cũng hỏi các bác sĩ về khâu khám chữa bệnh ở bệnh viện dã chiến. Tôi đều nhận được những phản hồi rất văn minh. Các cô chú, anh chị đều nói vấn đề sẽ được xử lý, mong bệnh nhân hãy kiên nhẫn", P.G kể.
Cô cảm thấy rất xúc động khi nghe bác sĩ nói, chỗ ở của bệnh nhân nếu bị cúp nước thì chỗ bác sĩ cũng như vậy, nơi bệnh nhân ở có côn trùng thì nơi bác sĩ cũng như vậy. Dù vậy, vài ngày sau, mọi góp ý đã được tiếp thu và tình hình đã cải thiện. "Tôi rất vui vì điều đó và càng biết ơn các y bác sĩ, những tình nguyện viên hỗ trợ chúng tôi ở bệnh viện dã chiến thật nhiều”, cô gái là F0 ở TP.HCM đã khỏi bệnh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.