Buồn vui livestream bán hàng đấu giá

Thanh Nam
Thanh Nam
28/11/2018 20:08 GMT+7

Livestream (phát trực tiếp) trên Facebook để bán hàng đấu giá là cách thức buôn bán mà nhiều người đã và đang áp dụng. Xoay quanh việc này cũng có lắm buồn vui.

Mua rồi không mua
Nếu như trước đây, người bán hàng online thường chỉ livestream để bán hàng, thì giờ đây, nhằm tăng sự tương tác với khách hàng, tạo ra những điều thú vị để kích thích người mua, và đôi khi bán được sản phẩm với giá cao hơn... nên ngày càng nhiều người tổ chức livestream bán hàng đấu giá.
Chưa kể nhiều người livestream đấu giá để nhằm gây quỹ thực hiện các chương trình thiện nguyện.
Từ mỹ phẩm, giày dép, quần áo cho đến các mặt hàng khác như: đá phong thủy, vòng đeo tay, hột quẹt Zippo... đều có thể trở thành sản phẩm chính trong những phiên đấu giá trên Facebook.
Anh Trần Đình Khoa (27 tuổi, ở Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết cách đây không lâu anh tổ chức phiên livestream đấu giá các đồ vật độc đáo, dành cho những người mê đồ độc, có sở thích sưu tập đồ vật lạ mắt đó là các mô hình mô phỏng tháp Eiffel (Pháp), nhà hát con sò (Úc)... được làm bằng tăm tre rất đẹp.
Dù đưa ra mức giá khởi điểm là 100.000 đồng, với bước giá 30.000 đồng mỗi lần lên giá, thế nhưng đến khi phiên đấu giá kết thúc, cả hai vật phẩm ấy đều được mua lại với mức giá trên 1,2 triệu đồng.
Chưa kịp mừng vì hai sản phẩm được bán lại với giá cao, thì anh Khoa cảm thấy chưng hửng khi gọi điện thoại cho một người đã đấu giá thành công, đưa ra mức giá cao nhất cho sản phẩm livestream tháp Eiffel, thì người này thú thật: "Đấu giá cho vui, thấy mọi người đưa ra bình luận giá tiền nên cũng tham gia, chứ không có ý định mua". Người còn lại, anh Khoa gọi điện cả vài chục cuộc đều không được đầu dây bên kia nghe máy, nhắn tin điện thoại qua Zalo, Facebook, điện thoại đều không được phản hồi. Anh Khoa tự hiểu là gặp phải khách... tào lao.
Tổ chức livestream để bán hàng đấu giá là cách mà nhiều người áp dụng khi bán hàng online - ẢNH: X.P
Câu chuyện khách tỏ vẻ hào hứng khi xem các phiên đấu giá và hào hứng đưa ra những giá tiền để cố gắng giành chiến thắng, cố gắng sở hữu sản phẩm cho bằng được, nhưng sau đó thay đổi ý định, không muốn mua sản phẩm nữa, không phải là chuyện hiếm.
Anh Hoàng Đại Sự (24 tuổi, ở Q.5, TP.HCM) cho biết thường xuyên tổ chức livestream bán hột quẹt Zippo cho khách. Những buổi livestream này thu hút khá đông người xem, đồng thời để lại bình luận đặt mua. "Nhưng có đêm, khi rao đấu giá thì bán được cả 20 sản phẩm. Ai nấy đều tỏ vẻ vui mừng khi sở hữu được sản phẩm chất lượng, cổ, khó tìm trên thị trường. Vậy mà đến ngày hôm sau liên lạc lại thì không thể liên lạc được, hoặc họ nhắn tin lại xin lỗi: "Em hứng lên thì bình luận, chứ em không có tiền mua". Để rồi mình phải tổ chức những đêm khác để bày biện, livestream rao bán lại", anh Sự kể.
Nhiều chủ cửa hàng bán hàng online cũng cho biết tình trạng khách đột ngột hủy mua hàng dù trước đó là người đã đưa ra mức giá mua cao nhất, thắng trong các phiên đấu giá là diễn ra thường xuyên. "Ở ngoài đời thực, đấu giá thắng rồi không mua ít diễn ra, thì trên những phiên livestream đấu giá ở Facebook, tình trạng này diễn ra rất nhiều lần", chị Nguyễn Thị Thế (31 tuổi, ở Bắc Giang, chủ cửa hàng thời trang), cho biết.
Hãy là người mua hàng có trách nhiệm
Đó là thông điệp mà những người tổ chức livestream bán hàng đấu giá trên Facebook kêu gọi. "Có lần mình tổ chức đấu giá để gây quỹ tổ chức chương trình từ thiện. 15 sản phẩm thời trang được bán hết, với tổng số tiền lên đến 9 triệu đồng. Cứ tưởng với số tiền ấy sẽ mua được nhiều phần quà, có thêm vài suất học bổng cho trẻ em địa phương mình đến. Nào ngờ khi liên lạc với khách đã đấu giá thành công thì đều bị từ chối. Khi đó mình hụt hẫng lắm", Đặng Thị Duyên (28 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ.
Đã có nhiều nội quy mà các chủ cửa hàng đặt ra cho khách khi tham gia các phiên đấu giá bán hàng online, đó là phải sử dụng tài khoản thật, cung cấp số điện thoại... Nhưng những điều đó vẫn không thể hạn chế tình trạng: bình luận đấu giá cho... vui, thích thì đấu giá nhưng... không mua hàng...
"Có cả trường hợp các đối thủ làm ăn cạnh tranh, vào bình luận giá cao để những người khác không có cơ hội mua. Rồi sau đó họ cũng 'hủy kèo', khiến mình bị tồn hàng", Sự nói thêm.
Theo Duyên, mỗi người khi tham gia mua bán bằng hình thức đấu giá sản phẩm cần có trách nhiệm với những mức giá mà bản thân đưa ra. Khi thấy sản phẩm không vừa ý, đang có giá quá cao, không có nhu cầu sử dụng thì đừng đấu giá. Chứ đấu giá rồi không lấy thì sẽ làm phiền người khác, vừa khiến chủ cửa hàng mất cơ hội bán sản phẩm, vừa khiến người mong muốn sở hữu mất đi cơ hội mua sản phẩm.
"Đôi khi đưa ra những mức giá cho vui, nhưng khiến người khác tổn thương. Muốn mua hãy đấu giá, còn ngược lại thì không nên để lại những bình luận đấu giá làm gì", anh Khoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.