Bước vào lãnh địa cửa người mê tranh

12/06/2016 08:05 GMT+7

'Chuyện mua tranh là cái duyên. Duyên tới thì muốn ngăn cũng không thể được. Thật tình tôi không được học mỹ thuật nên cũng chưa từng nghĩ đến ngày mình sẽ bỏ tiền ra mua một bức tranh mà còn là tranh gốc...', Bảo Nam nói.

Không tự nhận là người sưu tập tranh chuyên nghiệp, anh Bảo Nam cho rằng các bức tranh mà anh có thực sự là những đứa con tinh thần. “Thật sự tôi không phải là người có nhiều tiền nhưng có lẽ là nhờ chữ duyên nên tôi cũng đã sở hữu được nhiều bức tranh gốc”, anh cho biết.
Kể về lần đầu tiên bén duyên với nghiệp sưu tập tranh, anh tâm sự: “Chuyện mua tranh là cái duyên. Duyên tới thì muốn ngăn cũng không thể được. Thật tình tôi không được học mỹ thuật nên cũng chưa từng nghĩ đến ngày mình sẽ bỏ tiền ra mua một bức tranh mà còn là tranh gốc. Nói thật là cũng vì giá của tranh cao quá, bức rẻ nhất của tôi cũng có giá 1.000 USD".
"Tôi chơi thân với một anh làm họa sĩ từ rất lâu rồi nhưng cũng chưa nghĩ đến việc sẽ mua tranh của anh ấy. Vậy mà vào một ngày khi đến xưởng vẽ của anh ấy, chỉ trong một phút thôi, khi tôi nhìn thấy bức tranh bạn mình đang vẽ 18 cô gái khoác áo màu đỏ rực. Sao mà đẹp đến thế! Mỗi cô là một gương mặt, một thần thái khác nhau nhưng lại được đặt chung một bối cảnh hài hòa. Ngay lúc đó, tôi đã quyết định mua bức tranh này. Anh bạn họa sĩ của tôi hoàn toàn bất ngờ với quyết định của tôi”,  anh Nam nói thêm.
Bước vào lãnh địa cửa người mê tranh 1
Chỉ vào bức tranh vẽ khuôn mặt của họa sĩ Thái Lan tên Age, anh Bảo Nam nói thêm: “Họa sĩ này chuyên vẽ về phụ nữ, nhất là người chị. Trong bức này, bạn ấy vẽ về chị và những trò chơi mà thuở nhỏ hai người đã vui đùa cùng nhau”.
Phải tiếp xúc rồi mới có thể cảm nhận niềm đam mê những bức tranh khắc họa hình ảnh người phụ nữ của anh Bảo Nam. Gần như 2/3 số lượng tranh của anh là về đề tài này. Hiện tại, bộ sưu tập (BST) tranh của anh Bảo Nam gần 30 bức với tổng giá trị hơn một tỉ đồng.

tin liên quan

Người lưu giữ ký ức
Từ những năm 1970, ông Cao Hải đã bắt đầu sưu tầm máy ảnh và đến nay đã sở hữu được một bộ sưu tập toàn những cái tên 'khủng' như Leica M3, M4, M5. Với ông, từng chiếc máy có số phận riêng.
“Hầu hết tranh của tôi đều vẽ về người phụ nữ. Tôi cũng không biết vì sao mình lại đặc biệt yêu thích loại tranh này. Nói chung khó mà diễn tả được cảm giác của mình tại sao lại thích bức tranh này mà không thích bức tranh kia. Cảm thụ nghệ thuật khó mà nói hay viết được thành lời. Tôi thích tranh chân dung vì tôi có thể ứng dụng vào trong thiết kế nội thất.
Ví dụ khi muốn vào căn nhà, có một gương mặt thì căn nhà sẽ có điểm nhấn hơn là một mảng tranh màu hay tranh phong cảnh. Theo ý kiến của riêng tôi, tranh phong cảnh nên treo trong phòng ngủ. Mua một bức tranh là vì mình thích và mình có duyên với nó. Có một anh họa sĩ vẫn thường gửi tranh cho tôi, nhưng cũng không mua được vì mình không cảm được những bức tranh ấy”.
Bước vào lãnh địa cửa người mê tranh 3
Trong BST của anh, anh Bảo Nam tâm đắt nhất bức tranh chân dung hoàng hậu của tác giả Bùi Hữu Hùng. Bức tranh này được anh ứng dụng để trang trí các sản phẩm như nến thơm, tinh dầu… Bên cạnh đó, anh cũng say mê những bức họa của họa sĩ người Thái Lan tên Chist.
Chia sẻ về quan niệm sưu tập tranh, anh cho biết thêm: “Kể về quá trình sưu tập tranh vô chừng lắm. Mặc dù thích những bức tranh vẽ phụ nữ nhưng có lần tôi đã mua đến sáu bức vẽ phong cảnh của một họa sĩ người Ý. Tôi cũng thích bức tranh vẽ bản đồ của tác giả người Đức, bức tranh này cũng đã gần 100 tuổi. Với nhiều người sưu tầm tranh, người ta chọn những tác giả có tên tuổi hoặc những bức tranh có từ lâu đời nhưng tôi lại theo một trường phái khác. Tôi chọn những tác giả trẻ có phong cách hiện đại và tôi có thể ứng dụng những bức tranh của họ vào trong thiết kế nội thất. Tranh tôi sưu tầm ngoài những tác giả đến từ Việt Nam như Bùi Hữu Hùng, Trung Nghĩa, Trần Thanh Cảnh, Dũng Art, Trần Phương Chi thì còn lại là từ nước ngoài như Ý, Thái Lan, Trung Quốc”.
Bước vào lãnh địa cửa người mê tranh 4
Bước vào con đường sưu tầm tranh chưa được bao lâu nhưng tình cảm mà anh Bảo Nam dành cho “những đứa con tinh thần” này không phải là ít. Dành tình cảm cho tranh nên anh Bảo Nam luôn trăn trở về chuyện làm thế nào để văn hóa thưởng thức tranh đến gần với người Việt hơn.
Anh Bảo Nam nói: “Có một điều rất hay là khi mua được một bức tranh gốc về treo trong nhà, mình sẽ thấy căn nhà hoàn toàn khác biệt so với khi mình treo tranh chép”.
Bước vào lãnh địa cửa người mê tranh 5
“Sưu tập tranh có khả năng gây nghiện. Bước vào phòng tranh, nếu thấy ưng ý bức tranh nào là suốt cả ngày chỉ nghĩ về nó và muốn mang nó về nhà cho bằng được. Thông thường, khi có dịp đi công tác nước ngoài tôi sẽ ghé vào phòng tranh và nếu ưng ý sẽ mua”, anh nói thêm. Yêu tranh nên anh Bảo Nam quan tâm luôn đời sống của các họa sĩ VN.
“Ở Thái Lan, tại chợ Chatuchak có riêng một khu dành cho các họa sĩ sáng tác, bày bán tranh. Tại Trung Quốc cũng có một ngôi làng như vậy. Còn ở VN những nơi như vậy vẫn còn nằm ở trong giấc mơ. Mong rằng trong thời gian tới, sẽ xuất hiện một nơi như vậy để những người mê sưu tập tranh như tôi có nơi để thưởng thức và biết đâu… có thể “làm dày” hơn cho BST của mình”.
Theo anh Bảo Nam, chuyện sưu tập tranh với người VN cũng còn nhiều xa lạ: “Nhất là vì vấn đề giá cả. Đa phần mọi người có thể bỏ vài chục ngàn đô để mua một chiếc túi xách, nhưng lại tiếc tiền mua tranh. Nhưng điều này cũng đã dần thay đổi rồi, vừa rồi tôi thiết kế nội thất nhà cho chị khách, chị ấy đã bỏ ra gần 1 tỉ đồng để mua tranh gốc về treo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.