Bộ dụng cụ học toán cho trẻ đặc biệt của nữ sinh lớp 7

16/09/2018 09:52 GMT+7

Nhận thấy việc học môn toán của trẻ chậm phát triển gặp nhiều khó khăn, Phan Lê Ánh Dương, học sinh lớp 7AT6, Trường THCS Nguyễn An Khương (H.Hóc Môn, TP.HCM) đã nảy ra ý tưởng thiết kế bộ dụng cụ giải toán một cách trực quan, sinh động.

Đây là sản phẩm Ánh Dương tham dự cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2018. Sản phẩm đoạt giải khuyến khích và được đánh giá cao nhờ giá trị nhân văn.
Ở tiểu học, Dương quen khá nhiều bạn bị bệnh chậm phát triển và mắc bệnh tự kỷ tăng động. Đa phần các bạn này phải học thuộc lòng nên bị quên ngay. Dương ấp ủ: “Mình mong muốn tạo ra một bộ dụng cụ giúp các bạn học toán dễ dàng hơn. Bộ dụng cụ sẽ đầy màu sắc, đa dạng hình khối, người học sẽ học được 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia một cách sinh động”. Để có sản phẩm học toán này, thời gian đầu việc thiết kế của Dương gặp khá nhiều khó khăn. Dương phải hẹn bạn (bị bệnh) chơi vào cuối tuần, còn các ngày thường thì tranh thủ nói chuyện ở trường nhiều hơn. Thời gian đầu, Dương cũng chán nản vì khi nói chuyện với các bạn này giống như… nói chuyện một mình, vì các bạn cứ đi vòng vòng.
“Bộ dụng cụ học toán dành cho trẻ đặc biệt” ra đời với thiết kế khá đơn giản bao gồm hộp đựng công cụ, tích hợp chức năng bàn tính. Trên mặt hộp có thiết kế các lỗ để cắm que chứa dữ liệu. Dữ liệu ở đây là các hình khối được thay thế cho các con số. Nguyên liệu đều được tận dụng từ các vật liệu tái chế. Hộp đựng được làm từ hộp bánh kem. Que chứa dữ liệu được tận dụng từ ống trà sữa. Các hình tam giác, hình vuông, hoa, lá nhiều màu được làm từ những miếng cao su vụn xin từ những người thiết kế, trang trí đám tiệc. “Tìm hiểu kỹ lưỡng rồi em mới bắt tay vào thiết kế. Sản phẩm hoàn thành, em cho bạn dùng thử thì bạn em thích lắm, còn xin đem về nhà học nữa”, cô học trò lớp 7 hào hứng.
Qua vài lần thử nghiệm như vậy, Dương biết cách cải thiện sản phẩm bằng việc tạo ra những miếng dữ liệu có hình thù đẹp và nhiều màu sắc hơn. Bộ dụng cụ giúp trẻ đặc biệt học được 4 phép tính đơn giản là cộng, trừ, nhân, chia. Dương chia sẻ: “Khái niệm cộng, trừ, nhân, chia rất khó hiểu đối với các bạn tự kỷ. Vì vậy, em đã nghĩ ra cách dùng những từ dễ hiểu hơn để thay thế. Nhờ sự trợ giúp của mẹ và tìm hiểu thêm từ sách vở, cuối cùng em cũng tìm ra phương pháp học phù hợp”.
Theo Dương, khi thực hiện các phép toán, trẻ đặc biệt sẽ dễ nắm bắt hơn nếu được dạy là “thêm vào” đối với phép cộng, “bớt đi” đối với phép trừ, học khái niệm “nhiều nhóm” đối với phép nhân và “chia nhỏ” đối với phép chia. Sau khi thao tác với các dữ liệu, trẻ sẽ được yêu cầu đếm để đưa ra kết quả. Đã quan sát và có nghiên cứu về sở thích của các bạn mắc bệnh đặc biệt, cô bạn này tự tin: “Bộ dụng cụ này sẽ tạo được hứng thú cho các bạn vì thỏa mãn sở thích được sờ, cầm nắm và được tranh cãi. Các bạn giải toán bằng cách đếm một cách trực quan nên sẽ thích học và nhớ bài lâu hơn”.
Ánh Dương đã thử nghiệm “Bộ dụng cụ học toán dành cho trẻ đặc biệt” của mình tại Mái ấm Thành Đạt (TP.HCM) và thu được kết quả tích cực. Sau một tháng thử nghiệm, các bạn nhỏ tại đây đều thuộc được bảng cửu chương và biết cộng trừ nhân chia đơn giản. Các bạn còn có thể tự tính tiền tiêu vặt hằng tháng.
Giáo viên Đặng Bá Tiến, Trường THCS Lý Thường Kiệt, Q.Bình Tân đánh giá cao tính nhân văn của sản phẩm: “Sản phẩm được tạo ra từ một học sinh có niềm đam mê nghiên cứu dựa trên nền tảng một trái tim nhân ái. Bộ công cụ đơn giản hóa công thức toán học sẽ hỗ trợ giáo viên và học sinh chậm phát triển rất nhiều trong quá trình lĩnh hội tri thức toán học; đồng thời giảm sự vất vả cho giáo viên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.