Bình luận viên bóng đá “phủi”

29/01/2016 06:37 GMT+7

“Xin chào mừng quý vị khán giả đến với sân vận động Chảo Lửa để đón xem trận đấu giữa hai đội tuyển Hội đồng hương Quảng Ngãi và cựu sinh viên Trường Trần Quốc Tuấn...”, âm thanh phát ra đã thu hút mọi ánh nhìn.

“Xin chào mừng quý vị khán giả đến với sân vận động Chảo Lửa để đón xem trận đấu giữa hai đội tuyển Hội đồng hương Quảng Ngãi và cựu sinh viên Trường Trần Quốc Tuấn...”, âm thanh phát ra đã thu hút mọi ánh nhìn.

Thành Nhân đang bình luận một trận đấu “phủi” tại TP.HCM - Ảnh: X.PThành Nhân đang bình luận một trận đấu “phủi” tại TP.HCM - Ảnh: X.P
Lôi cuốn, hấp dẫn hơn
Buổi chiều làm việc của Huỳnh Văn Thanh (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) bắt đầu như thế. Trận đấu bắt đầu, tay phải cầm micro, tay trái cầm bảng danh sách các cầu thủ hai đội, Thanh hướng mắt về quả bóng đang lăn, nhìn theo những bước chạy của cầu thủ và liên tục bình luận. “Hoàng Anh đang có bóng trong chân, anh đã vượt qua hậu vệ Đình Khánh, tiếp tục dùng kỹ năng khéo léo của mình để loại bỏ sự truy cản của Đức Toàn. Đối mặt rồi, sút, vào... Một bàn thắng tuyệt đẹp”, giọng Thanh vang lên làm cả sân bóng sôi động hẳn, hòa cùng những tràng pháo tay rộn rã.
Theo Thanh, cái nghề mà anh đang theo đuổi có sức hấp dẫn với những người trẻ hiện nay. “Phủi là tên gọi những giải bóng đá phong trào. Tuy không quy mô như những giải chuyên nghiệp, nhưng nếu có người bình luận thì sẽ tạo hứng khởi cho cả cầu thủ lẫn khán giả. Thế nên mình đã làm nghề này”, Thanh kể.
Không chỉ Thanh, hiện ở TP.HCM có khá nhiều bình luận viên (BLV) bóng đá “phủi”. Người được xem là nổi tiếng nhất trong giới này là Nguyễn Thành Nhân (27 tuổi). Nói về cơ duyên theo nghề BLV bóng đá “phủi” suốt nhiều năm qua, Thành Nhân tâm sự: “Tôi đam mê đá bóng, và không chỉ mê từng đường banh mà còn mê luôn cả BLV trên truyền hình. Càng lớn càng muốn trở thành BLV chuyên nghiệp như thần tượng là BLV Quang Huy, nên đã chọn nghề này như một nghề tay trái”.
Nhiều nỗi niềm
Thành Nhân cho biết làm nghề này “vừa dễ vừa khó”. Anh chàng này giải thích: “Dễ vì khi làm nghề không phải chuẩn bị đạo cụ gì cả. Thường thì ban tổ chức các giải đấu sẽ chuẩn bị âm thanh cho BLV. Chỉ cần cầm micro và tha hồ bình luận. Còn khó là mỗi người phải có kiến thức nhất định về bóng đá, phải có vốn từ phong phú để lời bình hấp dẫn khiến người nghe có thể thăng hoa cùng những pha bóng, những bàn thắng, những khoảnh khắc trên sân”.
Cũng theo Thành Nhân, để theo đuổi nghề này, cần có giọng nói dễ nghe. Vì thế anh từng mất khá nhiều thời gian để luyện giọng. “Ban đầu mình nói giọng Quảng Trị nên người nghe hơi khó hiểu. Mình đã luyện giọng nói sao cho dễ nghe hơn”, Thành Nhân chia sẻ.
Theo Trần Quang Thắng, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, người đã theo nghề BLV bóng đá “phủi” nửa năm qua, trong những năm gần đây, đá bóng phong trào có sức hút với nhiều người. Những giải đấu “phủi” dành cho giới trẻ, sinh viên, các hội đồng hương… ngày càng nhiều nên có nhiều cơ hội để kiếm thêm thu nhập.
Tuy vậy, khi trò chuyện với những BLV bóng đá “phủi” mới biết, có nhiều nỗi niềm mà chỉ những ai từng trải nghiệm, chỉ những người trong cuộc mới hiểu được. Như để có được những thành công nhất định, được nhận nhiều đơn đặt hàng như hiện tại, Thành Nhân cho biết đã trải qua những tháng ngày đi làm không lương để được mọi người biết đến. Hay có những giải mà thù lao chỉ là… ly trà đá.
Và nếu như những BLV các giải đấu chuyên nghiệp chỉ bình luận qua màn hình ti vi, thì công việc bình luận giải bóng đá phong trào khác hoàn toàn, chủ yếu là “bình luận sống”, nghĩa là bình luận trực tiếp trên sân. “Vậy nên phải làm sao cho khéo léo. Phải biết cách tiết chế trong từng câu từng lời để không gây ức chế cho cầu thủ cũng như trọng tài trên sân, đồng thời phải truyền được lửa để trận đấu sôi nổi, nóng bỏng. Ngoài ra mình còn phục vụ khán giả nên phải biết tạo được tiếng cười một cách văn hóa. Lúc cần nghiêm túc thì nghiêm túc, lúc cần xả stress cho trận đấu bớt căng thẳng thì cũng phải biết cách nói cho các bên giảm nhiệt đầu nóng…”, Thành Nhân tâm sự.
Vũ Văn Thắng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, người đã có kinh nghiệm bình luận gần trăm trận đấu “phủi”, kể lại: “Có một lần vì quá hứng thú trong một bàn thắng, tôi chẳng thể kiềm chế cảm xúc nên vô tình chê hậu vệ và thủ môn của đội bị lủng lưới, hết lời khen ngợi cầu thủ ghi bàn. Hậu quả là bị cả cầu thủ lẫn khán giả đội thua rượt quanh sân cả 15 phút, may mắn là thoát nạn sau lần vạ miệng ấy. Nên giờ phải tiết chế cảm xúc nhiều hơn khi bình luận”.
Hiện nay công việc bình luận mỗi trận bóng “phủi” có thu nhập khoảng 200.000 - 250.000 đồng, tùy quy mô lớn nhỏ của giải đấu. Nếu là giải lớn, ban tổ chức thuê cả ngày thì các BLV sẽ lấy giá thấp hơn. Ngoài ra, giá cả cho BLV còn tùy thuộc vào sân bóng đá. Nếu là sân 5 người thì giá khác, sân 7 người, giá cao hơn, khoảng 300.000 đồng mỗi trận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.