Bị 'tra tấn' bởi karaoke xóm: Đừng để mất lòng, thậm chí mất mạng!

Lê Thanh
Lê Thanh
03/04/2019 18:29 GMT+7

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân chia sẻ: Khi cảm thấy khó chịu bởi tiếng ồn karaoke từ những buổi tiệc nhà hàng xóm, chúng ta cần có ứng xử phù hợp. Bởi hậu quả sau các cuộc cự cãi, ẩu đả thì ai cũng biết, nhẹ là mất lòng, nặng có khi mất mạng.

Ca hát là niềm vui của mọi người, mọi nhà, nhất là những lúc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, những người thích ca hát cần ý thức rằng đôi lúc niềm vui của chúng ta lại là 'nổi phiền muộn' của người khác.

Chém nhau vì yêu cầu người khác ngưng hát

Sự việc đáng buồn vừa diễn ra mới đây tại tỉnh Tiền Giang, gây bức xúc cho mọi người. Đó là chỉ do vì yêu cầu nhà hàng xóm ngưng "hát như nhạc đám ma" mà xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến cãi vã, xung đột khiến anh Lê Minh Hải (36 tuổi, ngụ xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) bị chém đến 17 nhát vào đêm 1.4.

Trong thực tế, không ít trường họp hàng xóm tổ chức tiệc tùng hay hát karaoke “tra tấn” tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh. Nhất là trong những khu dân cư đông đúc, nhà sát nhà. Vì vậy, việc ca hát cần phải được tiết giảm tối đa để tránh phiền phức cho những người xung quanh (tiết giảm âm thanh, tiết giảm giờ hát, tiết giảm số lần hát…).
Chị Trần Thị Tuyết, ngụ trên đường số 10, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM, kể: “Cách đây độ vài tháng, mình đón con đi học kỹ năng về đến nhà cũng hơn 21 giờ. Nhìn thấy một nhóm thanh niên ở trọ tổ chức tiệc tùng gây ồn ào, nhưng mình nghĩ giờ đó còn sớm nên cho qua. Nhưng càng về khuya, họ càng gây ồn ào và tổ chức hát hò khiến mình chẳng ngủ được. Lúc ấy, mình định chạy qua góp ý với mọi người nhưng nghĩ lại chẳng may họ không nghe mà còn kiếm cớ sinh sự thì nguy hiểm. Cuối cùng mình đã chịu đựng cho qua...”.
Vậy, nếu ai đó trong chúng ta gặp phải trường hợp "tra tấn" tiếng ồn bởi nhà hàng xóm thì phải xử lý như thế nào để không gặp những tình trạng đáng tiếc?

Nên nói khi họ bắt đầu hát hay vào tiệc nhậu

Theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), nếu mọi người gặp phải tình huống bị tra tấn bởi tiếng ồn phát ra từ dàn karaoke nhà hàng xóm, thì chúng ta cứ mạnh dạn đến gặp riêng “chủ xị” của bữa tiệc ấy để trao đổi nhẹ nhàng với họ. “Điều này nên nói lúc đầu khi họ bắt đầu hát hay bắt đầu vào tiệc nhậu sẽ hay hơn, đừng đợi để họ hát lâu rồi, uống say rồi chúng ta mới qua khuyên bảo rất dễ bị họ phản ứng, dẫn đến sinh chuyện. Mình nói trước như thế họ thấy mình cũng tôn trọng họ. Tuyệt đối, không nên đứng nói to tiếng trước nhiều người, vì làm như thế họ cảm thấy bị quê dễ nỗi nóng phản ứng lại rất nguy hiểm”, thạc sĩ Minh Hải, chia sẻ.

Cần suy nghĩ nhẹ nhàng 

Còn theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), nếu lỡ không may gia đình nào đó sống trong tình cảnh như thế thì cần suy nghĩ nhẹ nhàng về vấn đề này, xem ca hát cũng là một hoạt động giải trí.
“Khi chúng ta có suy nghĩ như thế thì nhìn nhận vấn đề sẽ tốt hơn. Cũng chính từ suy nghĩ ấy chúng ta sẽ có phản ứng nhẹ nhàng, thông cảm. Hạn chế vì bực mình mà quát mắng, chê bai những người đang hát. Bởi khi hát ai cũng muốn được người khác nghe và khen. Vì thế, nếu bị nhắc nhỡ hoặc chê bai thì sẽ rất ức chế, dễ dẫn đến những hành động bộc phát, nguy hiểm”, tiến sĩ Long khuyên.

Tránh xúc phạm, đe dọa người khác

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Trong trường hợp chúng ta cảm thấy khó chịu, bực bội bởi tiếng ồn từ việc hát hò, mở nhạc hay tiếng nói chuyện quá lớn từ những buổi tiệc tùng xung quanh, chúng ta cần có các ứng xử phù hợp thay vì tấn công người khác bằng lời nói hoặc hành động. Bởi bao giờ cũng vậy, “giận quá mất khôn”, hậu quả sau các cuộc cự cãi, ẩu đả thì ai cũng biết thường không mấy nhẹ nhàng, nhẹ nhất là mất lòng, nặng nhất có khi mất mạng”.
Thạc sĩ Minh Huân đưa ra cách xử lý vấn đề này như sau: “Chúng ta có thể khéo léo đề nghị nhà hàng xóm vặn nhạc nhỏ lại, đóng cửa hay kết thúc tiệc tùng sớm với các lý do hợp lý. Điều này, không đánh động đến người đang hát, nói chuyện và cũng không gây phật lòng họ...”.
Cũng theo thạc sĩ Minh Huân, nếu tình trạng hát hò của hàng xóm diễn ra liên tục chứ không phải một vài ngày thì chúng ta có thể làm đơn khiếu nại gửi chính quyền địa phương. “Việc xử lý còn tùy vào tình huống nhưng quan trọng là tránh xúc phạm hay chê bai người khác, lớn tiếng, đe dọa hoặc dùng vũ lực để giải quyết vấn đề là sai ngay từ đầu, vì có thể gây mâu thuẫn, tổn thương dẫn đến tấn công nhau không đáng có, thậm chí vi phạm pháp luật”, thạc sĩ Minh Huân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.