Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn: Trăn trở về chăm sóc sức khỏe tinh thần của người trẻ

18/05/2021 07:13 GMT+7

Những vấn đề nóng như chăm sóc đời sống tinh thần cho người trẻ trong thời điểm dịch bệnh, các vấn đề về môi trường, lối sống lệch lạc trên thế giới mạng ... đã tác động không nhỏ đến người trẻ và được họ quan tâm, đặt câu hỏi cho Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn. .

Trong buổi tiếp xúc cử tri diễn ra tại nhà điều hành ĐH Quốc gia TP.HCM (P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) sáng 17.5, nhiều người trẻ đã đặt câu hỏi đề đạt những tâm tư, nguyện vọng với anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Cử tri sinh viên thành phố Thủ Đức và 4 nhóm vấn đề trăn trở

Mạng xã hội tác động lớn đến người trẻ

Trần Thị Xuân Mai, sinh viên Trường ĐH An ninh, đặt vấn đề: “Hiện nay trên mạng xã hội đang xuất hiện nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh như giang hồ mạng, hài nhảm nhí, thô tục hoặc lối sống thác loạn, vi phạm thuần phong mỹ tục... lan truyền rất nhanh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi của người xem, nhất là người trẻ. Vậy anh có đề xuất giải pháp gì để giải quyết thực trạng nhức nhối này?”.

Tôi không chỉ xem đây là những câu hỏi, vấn đề mà các bạn, các anh chị đặt ra mà đồng thời cũng là gợi ý để tôi thực hiện tốt hơn công việc của mình trong thời gian tới

NGUYỄN ANH TUẤN Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Còn Nguyễn Hồng Nhung, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, mong muốn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội có thể tìm ra những giải pháp phù hợp để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người trẻ trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Giảng viên trẻ Tô Thanh My, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, thì đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường hiện nay. Thanh My đặt câu hỏi với Bí thư thứ nhất: “Vấn đề môi trường đang rất nóng hiện nay, đặc biệt là rác thải ở nông thôn đang là vấn đề gây bức xúc. Vậy anh có nhận định gì về thực trạng đó và thanh niên nông thôn sẽ đóng vai trò như thế nào để giải quyết vấn đề này?”.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về khởi nghiệp, về hoạt động Đoàn và công tác chăm lo cho thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em cơ nhỡ... cũng được các bạn trẻ rất quan tâm.

Sẽ kiến nghị với quốc hội để giải quyết thấu đáo

Đón nhận những câu hỏi, vấn đề mà thanh niên, sinh viên quan tâm đặt ra cho mình, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi nhận thấy những câu hỏi các bạn đặt ra liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của tôi đang làm với tư cách là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhiều hơn là nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội. Chính vì thế, tôi rất cảm ơn các bạn, tôi không chỉ xem đây là những câu hỏi, vấn đề mà các bạn, các anh chị đặt ra mà đồng thời cũng là gợi ý để tôi thực hiện tốt hơn công việc của mình trong thời gian tới”.
Liên quan đến vấn đề giáo dục đạo đức, tránh tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, thờ ơ chính trị”; hạn chế những tác động xấu của mạng xã hội... anh Tuấn cho biết đây là vấn đề rất lớn và cũng là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn thanh niên được Đảng giao là tập hợp, giáo dục thanh thiếu nhi.
“Chúng tôi có rất nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề này và cũng đã tham mưu cho Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị 42 về việc tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh thiếu nhi giai đoạn 2015 - 2030. Trong đó có cả những đề án giáo dục cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng. Vì sao chỉ thị lại đặt ra trong thời gian dài như vậy (15 năm)? Bởi đây là một việc phải làm kiên trì, hằng ngày, bền bỉ, liên tục, từ thói quen mới hình thành nhân cách, từ nhân cách mới hình thành đạo đức, lý tưởng”, anh Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng cho biết Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ IV năm 2021 mà T.Ư Đoàn vừa khai mạc ngày 16.5 cũng là một cách thức để giúp giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh thiếu nhi.
Về vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn trẻ, anh Tuấn cho rằng đây cũng là một vấn đề rất lớn, mặc dù chúng ta cũng có nhiều chính sách để điều chỉnh lĩnh vực này, đặc biệt là thành lập các phòng tham vấn tâm lý học đường ở các cấp học nhưng vẫn chưa thể giải quyết được.
“Chẳng hạn như trong thời buổi dịch bệnh này, thiếu nhi ở nhà dễ dẫn đến hiện tượng tự kỷ, hoặc bị nghiện mạng xã hội... từ đó các em dễ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần. Vấn đề này thì Đoàn, Hội, Đội cũng có nhiều giải pháp, nhưng về mặt chính sách tôi nghĩ cũng cần phải hết sức quan tâm đến vấn đề này”, anh Tuấn trăn trở và hứa sẽ ghi nhận để kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan chức năng trong thời gian tới để có những giải quyết thấu đáo.
Nhắc đến hoạt động bảo vệ môi trường, anh Tuấn cho rằng cần phải có đề án chứ không thể làm theo kiểu phong trào. Bởi vì làm phong trào, ngày hôm nay đi thu gom thì hôm sau rác lại xả ra, rồi vấn đề thu gom xong xử lý ở đâu...
“Chính vì thế, chúng tôi thành lập các hợp tác xã thanh niên của người trẻ để thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn, gồm cả rác thải sinh hoạt và rác thải chăn nuôi. Nhiều thanh niên cũng đã có rất nhiều sáng tạo trong việc tạo ra các lò đốt rác để phát điện, và hiện nay nhiều bạn trẻ cũng đã khởi nghiệp được từ chính công việc này, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu nhập”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.