Bí mật sau những trang cook book ẩm thực đẹp long lanh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/03/2019 20:48 GMT+7

Ẩm thực vốn có sức hấp dẫn khó mà chối từ, người làm ra những cuốn sách hướng dẫn nấu ăn - cook book - cũng có những tuyệt chiêu để cuốn sách 'ngon' từ lúc nhìn thấy trang bìa.

Mới đây, sách nấu ăn - cook book Eat Clean, thực đơn 14 ngày thanh lọc cơ thể và giảm cân do huấn luyện viên sức khỏe Quỳnh Nga và nhóm Deto Concept thực hiện đã tái bản, chỉ sau 2 ngày mới phát hành.

Cùng thời điểm này, sách Chào Juice, công thức các món nước ép cũng được tái bản. Đánh trúng tâm lý khách hàng trẻ, muốn ăn uống lành mạnh và giảm cân là một phần, phải kể đến nội dung hay và hình ảnh được đầu tư kỹ lưỡng đã làm nên sự thành công của những cuốn sách này.

Những cuốn sách dẫn đầu xu hướng ăn sạch

Đức Bùi, 28 tuổi, Food Photographer (nhiếp ảnh ẩm thực), đồng sáng lập Deto Concept cho biết anh và Food Stylist (người trang điểm món ăn) cùng ê kíp chụp hình đã thực hiện chụp trong vòng 10 ngày. Thời gian thiết kế cuốn sách mất 2 tháng nữa, tất cả mọi người đã làm việc hết công suất. Tuy nhiên, nhìn sách được đón nhận và chỉ sau 2 ngày phát hành đã tái bản khiến tất cả cùng vui sướng, bất ngờ.
Những món ăn trong cook book do nhiếp ảnh ẩm thực Đức Bùi và ê kíp thực hiện Ảnh nhân vật cung cấp
Nhắc đến những cuốn cook book đang “hot” trong cộng đồng người trẻ, không thể không kể đến Về Nhà Ăn Cơm - 45 công thức thuần chay cho mâm cơm nhà, cuốn sách đầu tay của tác giả Ducan Kitchen, tên thật là Nguyễn Văn Đức, 26 tuổi.
Ducan Kitchen chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, toàn bộ việc nấu nướng, sắp đặt món ăn, chụp hình, viết bài trong cuốn sách là do anh thực hiện.
“Dĩ nhiên khi bản thân kiêm luôn 3 vị trí là người viết lách, bài trí và chụp hình sẽ có những khó khăn nhất định, thời gian và công sức bỏ ra rất lớn. Có những ngày cuối tuần, cả 2 ngày thứ 7 và chủ nhật tôi ở trong nhà suốt, cặm cụi lăn lê nấu nướng từ sáng tới tối. Nấu xong món nào là lo thiết kế phong cách rồi chụp ảnh. Dù rất mệt nhưng tôi vẫn rất tâm đắc với thành quả. Chính khó khăn đó cũng là một thuận lợi, khi mình chính là người chụp và thiết kế hình ảnh cho món ăn mình nấu, những thông điệp tôi muốn gửi gắm qua bức ảnh món ăn cũng được thể hiện một cách trọn vẹn nhất, thống nhất với phong cách chung của cả cuốn sách”, anh nói.

Cook book yêu cầu cao cả về nội dung và hình thức

Tác giả Ducan Kitchen cho rằng, cook book là một loại hình sách đặc thù. Để có một cuốn sách chất lượng, kỹ năng cần có phải là khả năng tạo nên những công thức nấu ăn, không chỉ hấp dẫn, đặc sắc mà còn gần gũi, không quá phức tạp. Điều này giúp công thức nấu ăn đó có thể dễ dàng đi vào cuộc sống của độc giả.
Ducan Kitchen tự tay chế biến, bài trí, chụp hình và viết bài cho cuốn sách nấu ăn của mình Ảnh nhân vật cung cấp
Ẩm thực chay cũng có sự hấp dẫn riêng Ảnh nhân vật cung cấp
“Ngoài ra, những kỹ năng như viết lách và chụp ảnh là những yếu tố khác đóng góp vào chất lượng của cuốn sách. Một công thức được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, cùng với những chia sẻ đi vào lòng người là điều tôi luôn hướng đến khi viết cook book. Kỹ năng chụp ảnh, có thể nói là một yếu tố cần, không nhất thiết tác giả nào cũng cần có vì nhiều tác giả hợp tác với Food Stylists và nhiếp ảnh ẩm thực để có những hình ảnh chất lượng, còn họ tập trung vào nội dung”, Ducan Kitchen chia sẻ.
Nhiếp ảnh ẩm thực Đức Bùi, người trực tiếp bấm máy cho toàn bộ phần hình ảnh trong cook book Eat Clean thừa nhận, nhiếp ảnh ẩm thực là khó nhất trong tất cả loại hình nhiếp ảnh. Không nhiều nhiếp ảnh ẩm thực có thể kiêm cả phần trang trí món ăn của một Food Stylists, do đó nhiếp ảnh và người trang trí món ăn cần phối hợp, bổ trợ cho nhau để buổi chụp hình được thành công. “Cái khó nhất của nhiếp ảnh ẩm thực, đó chính là làm sao để sản phẩm nhìn thật nhất và đẹp nhất, giống như chiếc pizza, khi nhìn menu đã thấy muốn ăn với lớp vỏ giòn rụm, lớp phô mai vàng ươm vừa kịp chảy ra, những con tôm thật nóng sốt. Nhưng nó cũng không được quá giả, để khách hàng không thất vọng khi nhìn thấy sản phẩm thực bên ngoài”, Đức Bùi nói.
Đức Bùi (phải) và Food Stylist Meo Thùy Dương Thiên Hà
Chị Giang Vũ, từng làm việc tại kênh Saigonamthuc.vn, hiện theo đuổi dự án viết sách cook book, cho hay không đơn giản để một cuốn sách hướng dẫn nấu ăn tâm huyết xuất hiện trên kệ sách. Nó đòi hỏi sự nghiêm túc của người làm nghề, từ khâu nấu nướng, bài trí món ăn, chụp hình nó và đúc kết công thức nấu nướng trong những dòng chữ trên sách.
Là một người tự đảm nhiệm từ khâu chế biến, trang trí, chụp hình, viết lách, chị Giang Vũ cho rằng mỗi cuốn cook book thành công, không phải chỉ ở hình thức đẹp, hào nhoáng, mà cần nội dung ý nghĩa, truyền được nguồn cảm hứng nấu nướng cho các gia đình, để gian bếp thực sự là trái tim của ngôi nhà, luôn lanh canh tiếng chén bát, mùi thơm sực nức của đồ ăn.

Cuốn sách nào cũng cần tình yêu

Với tác giả Ducan Kitchen, tình yêu với ẩm thực nói chung, đặc biệt ẩm thực chay nói riêng khó mà có thể diễn tả hết bằng lời, tình yêu đó có thể dễ dàng nhận thấy trong cook book Về nhà ăn cơm hoặc các bài viết trên blog Ducan Kitchen.
Chân dung Ducan Kitchen, tên thật là Nguyễn Văn Đức, 26 tuổi Thiên Hà
Tác giả 26 tuổi bộc bạch: “Những lúc được rảnh rang, được lăn vào bếp, nấu nướng và làm những công thức mới để chia sẻ với mọi người, là những lúc tôi cảm thấy thư giãn nhất. Những nguyên liệu tươi ngon hay những âm thanh quen thuộc chốn bếp núc, mùi thơm ngon của đồ ăn luôn hấp dẫn tôi. Và ẩm thực chay nói riêng, luôn thôi thúc tôi tìm kiếm và khám phá những chân trời mới. Với tôi, niềm vui mỗi cuối tuần là có khể thu xếp thời gian, xách làn đi chợ, lựa rau củ tươi ngon rồi vào bếp nấu nướng, đơn giản vậy thôi”.
Trong khi đó, nhiếp ảnh ẩm thực Đức Bùi thì cho rằng, bạn không thể nào là người viết sách ẩm thực hay chụp ảnh món ăn siêu mà không biết nấu ăn, “chỉ khi bạn có sự am hiểu và tình yêu với nguyên liệu, tình yêu với ẩm thực, bạn sẽ biết cách để miếng thịt bò ngon hơn với lớp mỡ vàng, một hạt sương thôi cũng đủ khiến trái cây chín mọng long lanh hơn trong từng hình ảnh”.
Để cảm xúc trong từng trang viết
Blogger ẩm thực Hương Thảo, tác giả cook book Khu vườn dâu đỏ, cho hay hiện nay rất nhiều người muốn thử sức trong lĩnh vực sách nấu ăn, tuy nhiên cũng có những cuốn sách trên thị trường làm qua loa, không đầu tư, không thuyết phục được chính những người làm chuyên môn và chính các độc giả khi cho người đọc cảm giác “nội dung viết một đằng, ảnh một nẻo”, tức là chỉ mang tính minh họa.
Theo chị Hương Thảo, dù là những bức ảnh chụp món ăn hay trang sách, cũng cần cảm xúc của người làm nên nó, mỗi bức ảnh biết kể câu chuyện về món ăn, trong món ăn “ngửi” được hương vị ký ức, hoài niệm, hay thông điệp mà người nấu nó đã gửi gắm.
Chị Hương Thảo bộc bạch với phóng viên Thanh Niên: “Với tôi, nấu ăn bằng cảm giác, chụp hình từ cảm xúc. Chụp ảnh món ăn là niềm đam mê song song cùng với nấu ăn, nên lúc nào tôi cũng mong muốn được tự chụp lại những món ăn mình nấu. Chụp ảnh món ăn là cách để mình thể hiện thế giới quan với cuộc sống. Tôi quan tâm tới cảm xúc thực hiện những bức ảnh hơn là yếu tố kỹ thuật. Không cần dưới ánh đèn studio cầu kỳ, dưới những tia nắng hay cả những lúc trời âm u, tôi cũng có những cảm xúc để mình rung động và bấm máy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.