Bi hài chuyện sinh viên ở chung: Nghệ thuật giữ tình bạn mãi mãi

20/10/2016 11:10 GMT+7

Các chuyên gia tâm lý cho rằng các bạn trẻ cần trang bị cho bản thân những kỹ năng để có thể giữ hòa khí khi sống chung, cũng như ứng xử hợp lý khi xảy ra mâu thuẫn.

Sống chung dễ va chạm
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), thì trong quá trình tiếp xúc, tư vấn tâm lý, trò chuyện với những người trẻ, đã được nghe không ít người thú thật đã phải chia tay những tình bạn, hoặc “từ bạn thành thù” chỉ trong chốc lát.
“Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là trong quá trình sống có những va chạm làm nảy sinh mâu thuẫn, và các bạn không biết cách giải quyết những mâu thuẫn đó dẫn đến tình trang biến bạn thành thù”, ông Duy nói về lý do khiến những tình bạn chấm dứt.
Khi trò chuyện với người viết, không ít sinh viên, hoặc những người trẻ chưa lập gia đình, đã đúc rút kinh nghiệm: “Nếu đã là bạn bè thì cách duy nhất để giữ mãi mối quan hệ này một cách đẹp nhất đó chính là đừng bao giờ ở trọ cùng nhau. Bởi khi sống trọ, sẽ phát hiện ra nhiều điều không tốt của nhau, sẽ dần dà sẽ không còn là “người bạn tuyệt vời” trong mắt nhau nữa, dẫn đến mâu thuẫn, tình bạn rạn nứt”.
Nói về điều này, ông Duy cho rằng mỗi người là một nhân cách riêng biệt, không ai giống ai. Ai cũng có cái tôi riêng của mình, giữa những cái tối đó có những điểm không khớp nên ít va chạm thì không sao nhưng nếu sống trọ chung, sự va chạm sẽ nhiều lâu dần làm nảy sinh mâu thuẫn. Nếu không biết kiểm soát và giải quyết thì sẽ dẫn mối quan hệ đến bờ vực thẳm. Vậy nên biết tính xấu của nhau không phải là vấn đề chính để hai người bạn thân đắn đo có ở chung với nhau hay không. Và nếu đã là bạn thân thì càng phải biết điểm xấu để sửa cho nhau.
Đừng vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà làm mất đi những tình bạn chân thành
T.T.H.Th, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phản ánh có một bộ phận người trẻ có thói quen coi "của người khác, của bạn cũng là của mình". Khi ở trọ chung, cứ dùng thỏa thích đồ của bạn, từ quần áo, giày dép, dụng cụ học tập... Chính điều này đã vô tình làm ảnh hưởng đến tình bạn. “Vì chẳng ai vui khi thấy đồ mình bị người khác sử dụng thản nhiên. Ngay cả những vật dụng cá nhân và riêng tư nhất như quần áo, dụng cụ vệ sinh cá nhân…”, Thu nói.
Cùng quan điểm, vị chuyên gia tâm lý này cho rằng việc dùng đồ của bạn như "đồ chùa" là không đúng. Ông Duy lý giải: “Vì dù có thân đến đâu ai cũng cần có không gian riêng và quyền sở hữu riêng. Đó là sự tôn trọng tối thiểu trong giao tiếp. Nếu mượn dụng một vài lần thì không sao những dùng đồ của người như đồ của mình cách tự nhiên nhiên như vậy thì dù có là bạn thân cũng không hay”.
Giải quyết mâu thuẫn bằng cách nào?
Rất nhiều người trẻ đã, đang hoặc sắp sửa hứng chịu tình cảnh phải mất đi những người bạn thân thiết chỉ vì không thể giải quyết được những mâu thuẫn đã tỏ ra băn khoăn: “Làm thế nào để giữ hòa khí khi sống trọ cùng?”.
N.N.T., sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, than vãn: “Cũng hay cãi nhau với mấy bạn cùng phòng hoài. Có khi cãi nhau lớn tiếng và mâu thuẫn kéo dài thường xuyên. Nhiều khi cả tuần chẳng thèm “đếm xỉa” gì nhau. Nhưng thật sự chẳng biết làm hòa bằng cách nào cả”.
Cũng có không ít sinh viên chia sẻ rất muốn nói lời xin lỗi, nhưng lời xin lỗi ấy bị “đè xuống” bởi cái tôi cá nhân quá lớn, nên không mở lời trước, cứ chờ đợi đối phương xin lỗi. Từ đó, những xung đột cứ thế tồn tại. Không giải quyết được, tình bạn tan vỡ, người bạn của ngày hôm qua nhưng hôm nay đã là “kẻ đáng ghét”. “Thật sự mình chẳng biết giải quyết mâu thuẫn bằng cách nào cả, cũng như 'bó tay' trước việc nối lại tình bạn một cách bình thường”, Tú thừa nhận.
Giải đáp những thắc mắc này, ông Duy cho rằng sống trọ chung là một nghê thuật, và nó đòi hỏi rất nhiều thứ.  Đừng bao giờ để "núi lửa cảm xúc phun trào" hãy dập tắt khi nó còn le lói. Nghĩa là hãy giải quyết những mâu thuẫn khi nó mới phát sinh, đừng im lặng, ghim lại trong lòng để rồ sự dồn nén sẽ đến lúc "tức nước vỡ bờ" thì nguy cơ đánh mất tình bạn là rất lớn.
Có cả những phân vân: “Liệu những người mâu thuẫn tính cách có thể sống trọ cùng nhau hay không?”.
Trả lời điều này, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, cho biết “vẫn có thể sống cùng nhau được nếu đã trang bị tốt cho mình những kỹ năng”.
Đã là bạn bè thì hãy biết cách chấp nhận ưu khuyết của nhau, tôn trọng nhau, đừng bao giờ kết tội nhau
Bà Thương khuyên người trẻ, nhất là SV, những người thường có cuộc sống ở trọ với bạn bè, nên trang bị cho bản thân những kỹ năng cơ bản như: giao tiếp, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề… Khi có những kỹ năng này, thì dù gặp tình huống khó đỡ đến mấy, tưởng chừng như không biết cách giải quyết vẫn có thể giải quyết được.
“Khi đang mâu thuẫn, nếu nóng lên, cãi lại, cãi một cách bất chấp thì sẽ làm lớn chuyện thêm. Ngược lại, khi đó nếu biết quản lý cảm xúc, giữ bình tĩnh, lựa lời mà trò chuyện để cùng nhau tìm ra và giải quyết những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, cũng như chia sẻ và bỏ qua những lỗi lầm không đáng có, thì tình bạn sẽ trở lại bình thường, thậm chí giúp hiểu nhau hơn, thân thiết hơn”, thạc sĩ Thương phân tích.
Bà Thương cho rằng con người ai cũng có những khuyết điểm, những lỗi lầm trong giao tiếp hàng ngày. Vì lẽ đó, khi đã ở trọ cùng nhau, hãy biết cách chấp nhận ưu khuyết của nhau, tôn trọng nhau, đừng bao giờ kết tội nhau.
Cũng theo nữ chuyên gia tâm lý này, thì đừng bao giờ sử dụng những hành động tiêu cực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Động tay động chân, nói lời lẽ không hay xúc phạm người khác hoặc “ăn miếng trả miếng” là không nên, vì làm mất đi nhân cách và trình độ của bản thân.
“Khi phát hiện mâu thuẫn dần phát sinh, dù bản thân không sai, nhưng đừng ngại mở lời xin lỗi “vì làm bạn không vui”, “vì vô tình khiến chúng ta mâu thuẫn”, kèm theo đó là lời nhắn nhủ “dù thế nào thì mình vẫn coi bạn là người bạn thân thiết”, cũng như một nụ cười tươi, một hành động tỏ sự quan tâm… Thử nghĩ, với lời nói dễ thương như thế thì chắc sẽ làm đối phương mỉm cười xí xóa những giận hờn, mâu thuẫn vừa xảy ra”, bà Thương hướng dẫn.
Tiền dễ làm mất tình bạn?
Không ít sinh viên chủ quan nhận định “tiền dễ làm mất tình bạn”, nhất là việc mượn tiền, nếu bạn mượn không cho cũng dễ làm mất bạn, mà cho mượn nhưng bạn không trả đúng hẹn cũng dễ làm tình bạn tan vỡ. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy cho rằng “tiền không phải là nguyên nhân chính khiến tình bạn bị mất mà chính xác hơn đó là cách dùng tiền và mượn tiền với bạn. Tiền sẽ là một công cụ tốt để thắt chặt tình bạn khi dùng đúng lúc, hỗ trợ bạn kịp thời và đặc biệt là trả bạn kịp lúc. Còn nếu như trong một mối quan hệ mà lấy tiền làm trọng tâm thì chắc chắn tiền ấy sẽ đi liền chữ bạc, bạc tình bạc nghĩa sẽ chẳn xa”.
Nên hay không chia sẻ chuyện tình cảm với bạn?
“Chuyện bạn cướp người yêu thật xót xa nhưng đây không phải là số nhiều. Ngoài ra, một vài trường hợp chưa hẳn là 'cướp' mà người yêu mình tự nguyện theo bạn thì sao, cái đó lỗi lầm chưa chắc ở bạn mà có khi còn do cách cư xử của chính bản thân mình trong tình yêu. Bên cạnh đó, việc chia sẻ chuyện tình cảm với một hai người mình tin tưởng cũng khá cần thiết. Vậy nên theo tôi, việc tuyệt đối giữ bí mật chuyện tình cảm với bạn bè là chuyện không hay”, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.