'Bệnh'... hay chê ngoại hình người khác

Thanh Nam
Thanh Nam
30/08/2018 11:16 GMT+7

Bình phẩm, miệt thị dung nhan, ngoại hình của người khác là thói quen không tốt. Vậy nhưng vẫn có nhiều người có thói quen này.

Không có gương mặt khả ái, không có ngoại hình bắt mắt, hay chỉ vì những thiệt thòi, khiếm khuyết trên cơ thể đã khiến nhiều người trở thành tâm điểm của sự chú ý, liên tục bị người khác miệt thị, chê bai.
Suốt một thời gian dài, Lê Ngọc H., sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, không dám đến trường cũng như giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Nguyên nhân vì nữ sinh này từng bị nhóm bạn chê rằng "xấu hết phần người khác". Thậm chí H. còn bị nhục mạ với những lời so sánh khó nghe.

Câu chuyện của H. không phải ngoại lệ. Khi nhiều người vô tư, hoặc cố tình chê bai về hình thức bên ngoài của người khác.
Chỉ cần thấy người khác không có ngoại hình sáng sủa, gương mặt xinh đẹp, lập tức thốt ra những lời như: "xấu gì mà xấu quá", "xấu như khỉ", "mập như heo", "miệng như cá lau kiếng", "thằng này, con này xấu quá xấu", "tướng đi như vịt"...
"Mình rất tự ti và buồn tủi khi bị người khác chê xấu. Ba sinh mẹ đẻ thế nào thì ngoại hình mình như thế. Cớ sao người khác phải chê bai, nhục mạ, xúc phạm?", H., thở dài ngao ngán.
Trần Thanh Vĩnh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, cho biết nhiều lần chứng kiến những câu chuyện về vấn đề này. "Đó là nhiều người hay nhìn người khác rồi săm soi, bình phẩm bằng những lời lẽ vô văn hóa. Phải thừa nhận đây giống như 'căn bệnh' của một bộ phận người trẻ hiện nay. Khi thấy người này chê ngoại hình một ai đó, là người khác cũng bắt chước hùa theo. 'Bệnh' này giống như có thể 'lây lan' thì phải", Vĩnh nói.
Mới đây, một nhóm giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5. TP.HCM) khảo sát 500 học sinh THPT ở TP.HCM về ảnh hưởng và tác động của body-shaming (sự xấu hổ, chán ghét cơ thể, miệt thị bản thân khi bị chê bai ngoại hình) trong cuộc sống của các em. Kết quả, có đến 56% học sinh gặp phải hành vi này. Trong đó, 22,4% học sinh bị rất thường xuyên, bị chê dáng, mặt, da, eo, mông, đùi, chân, tay, răng… nên chịu nhiều áp lực. Họ chỉ biết im lặng chịu đựng. Một số ít thì đánh lại người chế nhạo mình.
Phải làm gì?
Vĩnh kể có người bạn thân bị bỏng xăng từ nhỏ. Từ đó, chân cũng bị teo và gương mặt bị biến dạng. Để rồi người bạn này trở thành tâm điểm của những lời trêu chọc, thậm chí xúc phạm. "Nhìn bạn (tên S.) luôn sống khép kín, tránh né mọi người, mất tự tin trong học tập... làm mình cảm thấy bực tức với những người đã chê bai S. Mình mong rằng, đừng vì bất kỳ lý do gì mà thốt ra những lời không hay đối với người khác. Ai cũng mong có ngoại hình bắt mắt, thu hút. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được điều đó. Và khi họ đã không được may mắn ấy, thì đừng 'đánh' họ bằng những lời bình phẩm khó nghe", Vĩnh chia sẻ.
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, chê bai, xúc phạm người khác là thói quen không tốt, nhất là khi nội dung liên quan đến ngoại hình, vấn đề khá nhạy cảm.

"Nếu đã từng ví von, liên tưởng ngoại hình của bạn bè với loài vật nào đó, hay dùng những lời lẽ khó nghe để nhận xét về ngoại hình của bạn bè... thì nên dừng lại. Bởi đó là xúc phạm người khác, dẫn đến nhiều hệ lụy. Những lời nói nhẹ như tênh ấy nhưng như vết cắt rất sâu, làm thương tổn người bị nhận xét. Có người vì mặc cảm, vì bị bạn bè chê bai về ngoại hình như thế đã trở nên trầm cảm. Chưa kể còn gây ra nhiều hệ lụy khác như bị mất tự tin trong cuộc sống, cảm thấy chán chường, sợ gặp người khác, chỉ dám ở một mình... Tôi từng tiếp xúc với những nạn nhân của hiện tượng này. Một học sinh lớp 11 đã phải bỏ học nửa tháng trời và giam mình trong phòng vì bị bạn bè chê 'hàm răng này hợp nạo dừa'. Hay có nữ sinh bị chê 'xấu như vượn' khóc liên tục trong nhiều ngày. Mất một thời gian thì các em mới trở lại trạng thái tâm lý bình thường", bà Thương nói.
Bùi Văn Hòa, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng: "Chê ngoại hình người khác là điều không nên. Không đem lại gì cho bản thân mà còn xúc phạm người khác".
Thực tế, có nhiều cô gái, chàng trai, từng là nạn nhân bị châm chọc vì ngoại hình không như ý của mình, đã quyết định "đập đi xây lại", tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ với mong muốn không bị người khác chê bai bằng những lời khiếm nhã nữa. Thế nhưng không phải ai cũng đủ tiền chi phí, hay dũng cảm bước qua những đau đớn thể xác để "trùng tu nhan sắc".
"Mình chỉ mong có cuộc sống bình yên, ngày qua ngày trôi qua và không bị ai đánh giá, nhận xét "con này xấu quá", "nhìn như con khỉ vậy"... nữa. Mong những ai đã từng hoặc đang có thói quen không tốt này, đang mắc phải 'bệnh' săm soi ngoại hình người khác sẽ chữa được 'bệnh', Nguyễn H. Y., sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, tâm sự.
Bà Thương khuyên thêm: "Đừng 'trốn cả thế giới' khi bạn bị chê bai ngoại hình. Bởi ngoại hình hay vẻ bề ngoài không phải là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá một con người. Thay vào đó, gạt bỏ mặc cảm và sự tự ti, cố gắng học thật giỏi, làm thật tốt để người khác phải ngưỡng mộ vì tri thức, tài năng của mình".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.