Bên kia Cổng Trời

Phạm Anh
Phạm Anh
10/03/2018 17:36 GMT+7

Đứng ở trung tâm H.Đăk Glei (Kon Tum), một sĩ quan biên phòng chỉ ngọn núi xa xa mây vần vũ bao quanh, bảo: Đất này cao hơn mặt nước biển 1.800 m, còn ngọn núi Pêng Ơi kia thì với tay lên là... đụng trời.

Muốn đến Đồn biên phòng Sông Thanh (xã Đăk Blô, H.Đăk Glei, giáp với Lào) thì phải đi qua dốc Pêng Hu (Cổng Trời).
Nhìn mưa nhớ nắng
Trưa, từ Trạm biên phòng Sông Thanh đi vào Đồn biên phòng Sông Thanh (Bộ đội biên phòng Kon Tum) hơn 12 km. Đường khó đi, khoảng 5 - 7 km bị sạt lở, cây đổ ngã chắn bít ngang đường, biến lòng đường thành suối. Chiều ở rừng, đêm xuống nhanh, cái lạnh từ rừng ùa đến tê tái. Dò dẫm hết mấy con dốc lầy, lội qua 2 con suối nước ngang đầu gối, đến 18 giờ chúng tôi cùng một sĩ quan biên phòng mới đến nơi.
Thượng tá Võ Thanh Sơn, Chính trị viên Đồn biên phòng Sông Thanh, nói: "Mưa, mây, sương, vắt với ruồi vàng là đặc sản ở đây. Mưa lê thê mỗi năm gần 9 tháng. Chỉ từ tháng 3 đến đầu tháng 6 là có nắng. Có năm mưa mãi, có khi hơn 3 tháng anh em không thấy mặt trời. Mưa thì vắt, nắng một tí thì ruồi vàng bay ra cắn sưng người".
3 tháng nắng, bộ đội tìm củi phơi khô, trữ để nấu dần. Củi ướt, anh em đành ăn cơm nhão. Hơn 12 km từ đồn ra trạm, cứ vài ngày đồn cử người đi cõng lương thực một lần, mỗi lần đi mất cả ngày đường. “Trượt té cắm mặt xuống đất là cơm bữa”, chiến sĩ A Nguội nói.
Đồn xa nên hiếm ai vào thăm. Lính đồn nhớ nắng như nhớ mẹ. A Nguội hóm hỉnh: "Bọn em nhìn mưa là nhớ nắng".
Ấm tình đồng đội
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Đồn trưởng, kể lũ vừa rồi cuốn mất 4 con bò, 13 con lợn và cả tấn cá nuôi, nhưng nhờ tăng gia theo mùa nên anh em ăn Tết Mậu Tuất cũng không thiếu gì. Ở đây mưa dầm nên rau xanh không phát triển. Sản xuất tăng gia nhằm vào 3 tháng nắng: rau cải, bí đao, bí đỏ, rau lang… Sau đó, rau thì muối, bí thì chất vào kho ăn dần, đảm bảo cho cả đồn dùng quanh năm.
Trung úy Hà Văn Lừng nói: “Mấy năm trước, không có sóng điện thoại, bộ đội phải leo lên núi để dò sóng điện thoại, có sóng là gọi ngay về thăm nhà. Cưới lính biên phòng là chuẩn bị tinh thần có nhiều lúc “phòng không”. Vợ em đã hiểu và thông cảm".
Còn vợ và 2 con của thượng tá Sơn đang ở tỉnh Quảng Bình. "Nhiều lúc nhớ vợ con vô cùng, nhưng nhờ ở đây có tình nghĩa đồng đội và nhiệm vụ nơi biên cương, nên trong lòng luôn có... nắng xuân", thượng tá Sơn chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.