Bé trai 5 tuổi chết trong nhà hoang: Phải chăng hậu quả của game bạo lực ?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
11/06/2020 09:07 GMT+7

Từ vụ việc bé trai 5 tuổi chết trong nhà hoang bước đầu nghi phạm khai do làm theo game online , nhiều chuyên gia cho rằng cần cảnh giác khi chơi các game (trò chơi) xu hướng bạo lực.

Như Thanh Niên đã đưa tin vào sáng 10.6, một lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết cơ quan công an đã tạm giữ Đ.N.H (17 tuổi, ngụ xóm 9, xã Quỳnh Tam, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) để điều tra vụ bé trai 5 tuổi ở xã Quỳnh Tam bị mất tích và tử vong trong rừng. Theo đó, nghi phạm H. đang là  học lớp 11 của một trường THPT trên địa bàn H.Quỳnh Lưu.

Đau đứt ruột vì bé trai tử vong do bị nam sinh bỏ rơi trong rừng

Về động cơ bắt nhốt bé trai 5 tuổi này, bước đầu nghi phạm H. khai nhận do thường chơi game trên mạng, nên đã bắt chước, bắt nhốt bé Đô ở bìa rừng để chơi trò thám tử đi tìm kiếm bé. Tuy nhiên, sau khi gia đình phát hiện bị mất tích, thấy chính quyền, cơ quan công an vào cuộc tìm kiếm nên H. sợ, không dám đến đưa bé về. Sau khi bị triệu tập, nghi phạm này mới khai nơi nhốt bé. 

Cho con chơi phải biết kiểm soát thời gian, hoặc cài đặt các phần mềm theo dõi để xem con đang chơi cái gì và đặc biệt phải khuyến khích con tham gia các hoạt động thể dục thể thao vui chơi nhằm cân bằng cuộc sống            
Cô Phạm Thị Thúy,  Học viện Hành chính Quốc gia (phân viện TP.HCM) 
  

Phụ huynh cần cho con tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh hơn là cấm cúi vào chiếc điện thoại

Ảnh minh họa: Tấn Đạt

Dễ  hành động theo nhân vật của trò chơi

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, công tác tại chuyên khoa II Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết nếu chơi game theo kiểu “tương tác” mang hơi hướng bạo lực quá nhiều thì rất dễ bị tiêm nhiễm các cử chỉ, hành động của nhân vật trong trò chơi. Nếu game có xu hướng bạo lực, người chơi nếu không kiểm soát dễ tấn công người khác, hoặc nhập tâm bởi nhân vật nào đó trong game .. từ đó tạo ra những hành động như trói, nhốt… nguy hiểm hơn là giết người.

 “Chiến thắng trong game rất dễ làm cho người ta thích thú, nếu thắng nhiều lần liên tục sẽ tạo ra 'con đường khen thưởng dopamine'. Cụ thể, mỗi lần thắng một ván trong game não sẽ tiết ra chất dopamine làm con người sảng khoái, lâu dần sẽ trở thành một phản xạ có điều kiện, họ luôn luôn muốn tìm lại thú vui đó. Đặc biệt là muốn thực hiện hành vi giống như trong game để trải nghiệm nhằm tìm lại cảm giác chiến thắng ban đầu”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho biết.

Cần biết kiểm soát thời gian trong khi chơi

Cô Phạm Thị Thúy, giảng viên bộ môn nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia (phân viện TP.HCM), cho biết chơi game khoảng 10 giờ /ngày liên tục trong tuần sẽ giảm chức năng não bộ, giảm vùng tập trung, ức chế vùng ra quyết định… lúc đó bộ não con người sẽ bị “đầy” nên rất dễ mất kiểm soát, không làm chủ được hành động dẫn đến hay nổi nóng, hung hăng và có hành vi bạo lực. Những người nghiện game đa số là do ba mẹ không "nắm" được thời gian con mình chơi game.

“Nghiện game rất dễ kích hoạt bệnh tâm thần khi người đó có tiềm ẩn bệnh này. Trường hợp gần đây nhất mà tôi gặp đó là do bố mẹ quá bận, để mấy tháng nghỉ dịch Covid-19 vừa rồi cho con chơi game trên điện thoại suốt và khi người mẹ quyết định tịch thu lại thì bạn ấy có những thái độ hung hăng với mẹ mình và hai người trở nên xung đột. Lúc ấy, bạn ấy cười như điên dại, rồi hành vi bị biến đổi như một đứa trẻ ở tiểu học trong khi bạn ấy đã học lớp 7. Không những thế, bạn này hay vác chiếc gối ôm và nói rằng đây là khẩu súng để đi tuần tra, bảo mình là lính canh, những vật dụng trong nhà được gọi tên một nhân vật nào đó trong game...", cô Phạm Thị Thúy kể.

Cô Thúy nhấn mạnh: “Tôi luôn luôn nói với phụ huynh là phòng hơn chống trong vấn đề nghiện game vì một khi đã nghiện thì cai rất là khó. Trong trường hợp cho con chơi phải biết kiểm soát thời gian, hoặc cài đặt các phần mềm theo dõi để xem con đang chơi cái gì và đặc biệt phải khuyến khích con tham gia các hoạt động thể dục thể thao vui chơi nhằm cân bằng cuộc sống”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.