Bất ngờ ý tưởng năm Tý

12/02/2008 20:00 GMT+7

Đầu năm mới, nhóm phóng viên Thanh niên & Cuộc sống đã có cuộc gặp gỡ thú vị cùng các gương mặt trẻ về chủ đề: "Ước mơ và ý tưởng năm Tý". Các ý tưởng đưa ra khá bất ngờ...

Du học không tiền

Nguyễn Xuân Hương Mai (sinh năm 1985), SV năm 3 ĐH Quốc gia Singapore, chịu trách nhiệm quản lý nhiều dự án trong CLB Du học sinh VN - OVS (thuộc Thành Đoàn TP.HCM). Hương Mai chính là người đã đưa ra nhiều ý tưởng cho các chương trình Nhịp cầu thực tập, Tự tin ra biển lớn... hỗ trợ các bạn du học sinh (DHS) và HS - SV trong nước.

Chia sẻ với Thanh Niên về kế hoạch trong năm mới, Hương Mai cho biết cô và các bạn đang xúc tiến dự án mang tên "Du học không tiền". Cô sinh viên trẻ cho biết: "Khoảng 5 - 10 năm nữa, lượng DHS về nước làm việc sẽ rất lớn. Khi đó, OVS có điều kiện hoạt động mạnh mẽ hơn. Những DHS đã thành đạt có thể giúp đỡ chi phí cho lứa đàn em đi du học. Hiện nay, ở Singapore, bọn mình cũng đã thành lập Đội 2020, liên kết những người VN hiện đang làm việc, học tập tại Singapore (www.vietnam-2020.com). Ở Đội 2020, những trí thức, người VN thành đạt sẽ giúp đỡ DHS cùng vươn lên. Mục tiêu là đến năm 2020, đội sẽ góp phần tạo nên một cộng đồng người VN thành công tại Singapore".

Hương Mai cho biết thêm, cũng trong năm mới, các bạn đang xúc tiến dự án Hỗ trợ các bạn trẻ mắc bệnh down phát triển năng lực bản thân: "Dự án này sẽ sử dụng phương tiện rất phổ biến trong giới trẻ hiện nay, đó là blog. Ngoài ra, bọn mình cũng sẽ mời các họa sĩ, ca sĩ, diễn viên kịch cùng tham gia dự án, để giúp các bạn bị bệnh tìm hiểu, đánh thức khả năng của chính mình. Sắp tới bọn mình sẽ tuyển tình nguyện viên cho dự án này tại TP.HCM". Dự án này do Mai và một người bạn đang học chung trường phác thảo; sau khi giới thiệu tại Hội nghị diễn đàn thanh niên quốc tế, dự án này đã nhận được sự giúp đỡ từ DRD - một tổ chức về người tàn tật.

Du lịch thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo

Phạm Hữu Ngôn từng đoạt giải thưởng tại Imagine Cup 2004 ở Brazil do Microsoft khởi xướng, giải 3 kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2005, giải thưởng "Quả cầu vàng" CNTT T.Ư Đoàn năm 2005, giải 3 cuộc thi Nhân tài đất Việt lĩnh vực CNTT năm 2005.

Năm vừa qua là năm Hữu Ngôn xả stress. Cậu đi du lịch ngang dọc VN, Lào, Campuchia... Điều thu hoạch từ những chuyến đi trong năm cũ của anh chàng chuyên về công nghệ thông tin này lại là ý tưởng cho một dự án phát triển du lịch. Hữu Ngôn bật mí: "Năm qua đi nhiều nơi, tới những thành phố lớn, tới những vùng quê hẻo lánh, mình chợt nhận ra rằng du lịch chính là một trong những cách rất tốt để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Người giàu đi tới đâu, tiêu tiền ở đó thì sẽ giúp người dân vùng đó làm giàu. So với quốc tế thì tiềm năng du lịch của VN rất lớn, làm cách nào để thu hút du khách quốc tế tới VN? Mình nghĩ internet là một công cụ rẻ tiền và rất hữu ích để thu hút du khách, bởi người giàu tiếp cận với internet rất thường xuyên. Tuy nhiên, phát triển du lịch là một bài toán lớn, đòi hỏi nhiều ngành, nhiều người cùng nỗ lực. Ví dụ như đường sá, dịch vụ... làm sao để du khách đến, để họ trở lại, để họ có chỗ mà "tiêu tiền"... Về khía cạnh công nghệ thông tin, mình mong muốn dự án của mình sẽ giúp du lịch VN hấp dẫn hơn".

Xóa sổ những điểm ngập

Trần Đình Vượng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy nông và cấp nước (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) thì lại "dồn tâm huyết để... chống ngập!". Năm 2008 được Vượng khẳng định là năm dồn tâm huyết cùng nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài Giải pháp chống ngập cấp nhà nước. Đề tài này (chủ nhiệm: GS - TS Lê Sâm) sẽ được tiến hành cho đến năm 2010 và Vượng tham gia trong vai trò người thực hiện chính. Theo Vượng, nguyên nhân ngập một phần cũng do đào và làm đường quá lâu; nhiều dự án lớn như đại lộ Đông Tây thu hẹp lòng dẫn của kênh Tàu Hủ, gây ngập nhiều nơi... Tuy nhiên, theo Vượng, nguyên nhân chính gây ngập ở TP.HCM là do mưa lũ, triều cường. Trong đó triều cường là vấn đề nan giải nhất. Sau khi phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất làm cống điều tiết trên sông Soài Rạp, lắp đặt những cống kiểm soát đỉnh triều. Vượng tâm sự: "Làm trong ngành thủy lợi nên nhiều lúc cũng tự ái khi thấy đường sá cứ ngập dài dài. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã đăng ký và đề xuất làm đề tài này!". "Anh tin tưởng độ thành công là bao nhiêu?". "Ít nhất là 80%. Chúng tôi hy vọng sẽ xóa sổ những điểm ngập triền miên do triều cường" - Vượng tự tin.


Phát, Mai, Hùng, Vượng, Hải, Ngôn (từ trái sang) - Ảnh: Khả Hòa

Lập trung tâm tình nguyện

Lê Trung Hải, nhóm trưởng nhóm tình nguyện Những ước mơ xanh có ước mơ thành lập một Trung tâm tình nguyện. "Bởi lẽ theo tôi, hiện có rất nhiều nhóm hoạt động tình nguyện nhưng nhìn chung còn tự phát, chưa có kỹ năng mặc dù họ có tấm lòng. Trung tâm này sẽ cung cấp thông tin về những tổ chức tình nguyện, về những địa điểm cần hỗ trợ, giúp đỡ; đồng thời tổ chức những tour du lịch tình nguyện... Trong đó, quan trọng nhất là những hoạt động liên kết và định hướng, để những người tình nguyện có nơi để chia sẻ thông tin, kỹ năng cho nhau. Kinh phí hoạt động ban đầu của trung tâm dựa vào sự đóng góp nhưng về lâu dài sẽ có thu phí nhằm duy trì thường xuyên những hoạt động tình nguyện" - Trung Hải tiết lộ.

Đạp xe xuyên Việt vì trẻ em

Năm 2007 là năm khá thành công của Võ Phú Hùng - người thợ hớt tóc đã có hành trình vòng quanh Việt Nam kêu gọi mọi người Hãy nói không với ma túy hồi tháng 9.2007. Hùng đã một mình cưỡi "con ngựa sắt" (xe đạp) đi qua hết 64 tỉnh, thành trong cả nước với thời gian 4 tháng 10 ngày và tiêu hết gần 40 triệu đồng - số tiền dành dụm trong 3 năm. Đến buổi gặp gỡ đầu năm với gương mặt rạng ngời, Hùng hào hứng nói về ý tưởng tiếp tục làm một cuộc đạp xe thần tốc 17 ngày đêm xuyên Việt (Hà Nội - TP.HCM) Vì trẻ em Việt Nam. Chuyến đi này sẽ bắt đầu trong dịp Lễ 2.9. Hùng hy vọng sẽ vận động mọi người góp tiền xây dựng một ngôi trường cho trẻ em người dân tộc. “17 ngày đạp xe vượt qua chặng đường gần 2.000 km là một thách thức nhưng tôi tin mình sẽ thành công. Tôi hy vọng tất cả mọi người hãy cùng tôi giúp trẻ em nghèo người dân tộc có một ngôi trường khang trang" - Hùng sôi nổi nói.

Hệ thống cảnh báo thị trường chứng khoán

Từ bàn tay trắng, sau 10 tháng, Nguyễn Tấn Phát - hiện đang là quản lý quỹ và làm cho một công ty chứng khoán ở Sài Gòn - đã có trong tay hơn 2 tỉ đồng. Đầu năm mới, Phát đã chia sẻ những bí quyết giúp mình "làm giàu". Phát cho rằng một khi đầu tư vào chứng khoán, các bạn trẻ phải giải quyết bài toán cốt lõi nhất - đó là trả lời cho được những câu hỏi: "Mua cái gì?", "Khi nào mua?", "Khi nào bán ra?". Nhất thiết phải có mô hình, cơ sở lập luận riêng chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. "Chính mình cũng đã trả rất nhiều "học phí" cho việc tự lý luận để trả lời những câu hỏi nói trên, dẫu có sai, có đúng nhưng nhờ đó mà mình có được những kinh nghiệm tốt hơn và không bị bất ngờ trước những sự kiện đột biến" - Phát cười nói. Ước mơ mà Phát ấp ủ từ lâu chính là việc cho ra đời "hệ thống cảnh báo" về diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán. Phát lý giải: "Những trận sóng thần gây ra hậu quả nghiêm trọng vì chúng ta thiếu hệ thống cảnh báo thiên tai tốt. Thị trường chứng khoán càng phải có hệ thống cảnh báo. Ở hệ thống này tập trung những thông số dựa trên các cơ sở dữ liệu cần thiết để phân tích nhiều mặt của thị trường". Phát tiết lộ nếu thành công, trước mắt hệ thống cảnh báo sẽ phục vụ riêng cho Phát và công việc, còn lâu dài, khi hệ thống chạy tốt sẽ dùng để chia sẻ thông tin cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Phát khẳng định lối đầu tư dựa vào tin đồn không còn phù hợp mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải biết xử lý thông tin và phân tích nó để có được quyết định tốt nhất, từ đó chúng ta mới có thể giảm được rủi ro trong đầu tư chứng khoán.

Nhóm PV Thanh niên & Cuộc sống

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.