Bất chấp đến cà phê trên đường tàu để… check-in cho sang

12/12/2017 10:43 GMT+7

'Thế là mất một chỗ chụp ảnh check-in siêu đẹp', Thảo, 22 tuổi thở dài khi biết tin, từ ngày hôm 11.12, quán cà phê trên đường tàu tại ngõ 10, đường Điện Biên Phủ, Hà Nội đã bị đóng cửa.

Thảo mới biết đến quán cà phê đường ray này không lâu, và đây là địa điểm cô và các bạn hay chụp ảnh, quay clip để post lên trang cá nhân facebook hoặc instagram.
“Ảnh thu hút nhiều người, vì mọi người nói làm sao chúng tôi lại có thể ngồi trên đường ray mà uống cà phê”, Thảo cho biết. Khi được hỏi về cảm giác, có sợ bị nguy hiểm khi ngồi uống nước trên đường sắt hay không, Thảo cho hay: “Có thể chủ quán biết giờ tàu không chạy nên mới bán hàng kiểu này”.
Quán cà phê đường ray này mới mở cửa chưa được 2 tuần lễ, khách hàng phần lớn là người nước ngoài. Ngoài bàn ghế, người ta cũng trưng các biển quảng cáo về quán viết bằng tiếng nước ngoài, ngay trên đường ray.
Một du khách Pháp, từng ngồi uống cà phê đường ray cho biết lý do anh chọn quán này giữa nhiều quán xá của Hà Nội, đó là vì “cảm giác mạo hiểm”: “Tôi có cảm giác đằng sau mình chuyến tàu sắp lao tới. Vừa uống vừa nhìn ra đằng sau, thấy hồi hộp và thú vị hơn”.
Nhiều khách nước ngoài uống cà phê trên đường tàu Đình Hiếu
Trong khi đó, nữ du khách người Pháp đi cùng anh này thừa nhận, ở Pháp không có những quán cà phê như thế này, đó là lý do chị chấp nhận nguy hiểm để ngồi uống nước và chụp ảnh: “Đường sắt của chúng tôi ở xa khu dân cư. Ở đây có cảm giác hoài niệm về những chuyến tàu đã đi qua. Kiến trúc của những ngôi nhà gần quán cà phê này cũng cổ điển, tôi thích”.
Đinh Thanh, 23 tuổi, đã có khoảng 3 lần ngồi tại cà phê đường tàu, chia sẻ: “Thật ra đồ uống của quán không có gì mới lạ, giá thành cũng không rẻ hay đắt hơn, cái độc đáo là không gian, địa điểm. Tôi có tìm hiểu giờ tàu chạy, tại đây tàu từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Lào Cai..., giờ tàu chạy là sáng sớm, tối muộn, lúc đó thì bàn ghế để vào bên trong nên cũng không sợ lắm”.
Biển quảng cáo, bếp than tổ ong, ghế nhựa bày biện trên đường ray tàu hỏa Đình Hiếu
Trong khi đó, anh Hoài Phương, du khách từng đi nhiều nước châu Á cho biết, nhiều quốc gia, ví dụ Đài Loan có hình thức cà phê trên đường sắt cũ, thu hút khách du lịch. “Tuy nhiên, đó là đường ray không còn hoạt động, không giống như ở ngõ 10 Điện Biên Phủ, tàu vẫn chạy qua đây. Tôi nghĩ quảng bá du lịch hay trao đổi văn hóa cũng cần tuân thủ pháp luật và tôn trọng tính mạng con người”, anh Phương nói.
Đội trưởng một đội gác chắn đường ngang, thuộc Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải, Tổng công ty đường sắt Việt Nam kịch liệt phản đối mọi hình thức buôn bán, kinh doanh trên đường ray tàu hỏa: “Đây không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn quá coi thường pháp luật. Để đạt chuẩn an toàn đường sắt, khoảng cách tối thiểu tính từ mép đường ray sang 2 bên là 5,5 m, trong khi ở đây người ta ngang nhiên mang bàn ghế ra bày trên đường ray, quá nguy hiểm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.