'Bạo lực tình dục với trẻ em gái là tội ác, vậy trẻ em nam thì không?'

19/11/2017 14:23 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi chứng kiến những tấm pa - nô treo trên các tuyến đường ở Quận 3, TP.HCM, với nội dung: 'Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái là tội ác'…

Rất vô duyên!

 Bà Chế Dạ Thảo, chuyên viên tham vấn tâm lý, thạc sĩ giáo dục học cho biết: “Câu khẩu hiệu là không sai bởi trẻ em nam không phải là đối tượng họ hướng đến trong chiến dịch này. Nhưng người dân mong đợi một sự đầy đủ hơn về thông tin theo quan điểm cá nhân của mình. Nên tôi nghĩ câu khẩu hiệu này chưa đầy đủ. Mặc dù đơn vị phát hành đã cẩn thận đưa ra sự khoanh vùng về chủ trương vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới không đồng nghĩa chỉ bảo vệ phụ nữ hoặc bé gái cho nên việc phản ứng và đặt ngược vấn đề là hoàn toàn hợp lý”.

Bạo lực với ai cũng là một tội ác vì thân thể con người là bất khả xâm phạm. Và theo tôi thông điệp truyền đi một thông điệp “truyền thông tồi” bởi làm cho mọi người nhìn nhận vấn đề không đúng mực, đúng mức. Trong khi trẻ em trai bây giờ cũng đang bị bạo lực và bị xâm hại nhiều.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy

Còn chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội LHTN VN), nhìn nhận: “Nếu vậy trẻ em nam thì sao nên về vấn đề cách dùng chữ nghĩa như thế này là sai. Theo tôi, nên sửa câu này bởi trẻ em nam cũng bị lạm dụng chứ không riêng gì trẻ em nữ. Đối với trẻ em bất kể là nam hay nữ nếu bị lạm dụng tình dục thì đều là tội ác”.
Bên cạnh đó, bà Hiên còn chỉ ra rằng: “Câu này còn rất vô duyên ở chỗ là vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới thì đáng lẽ là không có vế sau tức là vế “trẻ em gái” bởi vế này lại là một vế khác. Trong sự tiến bộ của phụ nữ là có chống bạo hành nhưng không thể gắn trẻ em vào được. chính vì gắn trẻ em vào nên không thể đưa trẻ em trai vào và chính vì không đưa được trẻ em trai vào thành ra sai và dễ bị bắt bẽ”.
Theo bà Hiên thì nên như thế này: “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và với trẻ em (trẻ em gái, trẻ em trai) là tội ác”.
Cũng đồng quan điểm, tiến sĩ Phạm Thị Thúy, Chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, cho rằng: “Bạo lực với ai cũng là một tội ác vì thân thể con người là bất khả xâm phạm. Và theo tôi thông điệp truyền đi một thông điệp “truyền thông tồi” bởi làm cho mọi người nhìn nhận vấn đề không đúng mực, đúng mức. Trong khi trẻ em trai bây giờ cũng đang bị bạo lực và bị xâm hại nhiều”.
Bà Thúy cũng nói thêm: “Đúng là không sai nhưng không hay không toàn diện và đúng là quyền truyền thông của họ, họ muốn nhắm đến đối tượng nào họ nói đối tượng đấy nhưng nếu xét về bình đẳng giới thì tôi thấy đang mất bình đẳng giới vì quan tâm đến trẻ em gái và phụ nữ mà không nhắc gì đến nam giới”.
Bà Thúy cũng có gợi ý: “Theo tôi thì cũng có thể có thêm một câu nhấn mạnh hay một câu mở nào đấy. Chẳng hạn như: “Bạo lực là tội ác. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em là một điều không thể chấp nhận được trong một xã hội bình đẳng”.


Hoàn toàn không sai chút nào hết!
Còn thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên Hội Tâm lý học và xã hội Việt Nam, cho rằng: “Hoàn toàn không sai một chút nào hết. Vấn đề ở chỗ là cái mà người ta hướng đến và người ta hoàn toàn có quyền chọn đối tượng mà người ta muốn hướng đến. Và ở đây người ta đang hướng đến bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái là tội ác nhưng người ta cũng không nói là bạo lực tình dục với trẻ em nam là bình thường. Khi nào người ta nói “bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái là tội ác nhưng với trẻ em trai là bình thường thì mới là vấn đề để tranh cãi”.
Chính vì thế, đừng nên quy chụp khi đánh giá vấn đề, họ có những thứ tự ưu tiên của họ và đối tượng mà họ đang muốn hướng đến. Chẳng hạn như một trường THCS thì chỉ dạy những học sinh THCS chứ không thể nào anh đúng tuổi học tiểu học mà lại vào trường THCS và người ta không nhận thì nói là người ta sai”.
Người đọc thắc mắc và phản ứng cũng không sai nhưng câu này cũng không sai và hoàn toàn hợp lý chứ không có gì là vô lý cả. Mình định hướng cho công chúng là định hướng ở tính hợp lý của vấn đề, vì người ta đang nói đến vấn đề mang tính phổ biến.

PGS.TS ngôn ngữ Hoàng Tất Thắng
Còn PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Tất Thắng, nguyên trưởng khoa báo chí Trường ĐH Khoa học Huế: “Người đọc thắc mắc và phản ứng cũng không sai nhưng câu này cũng không sai và hoàn toàn hợp lý chứ không có gì là vô lý cả. Mình định hướng cho công chúng là định hướng ở tính hợp lý của vấn đề, vì người ta đang nói đến vấn đề mang tính phổ biến. Lạm dụng tình dục với nam thì không phổ biến và không ai quan tâm đến vấn đề đó nhiều còn phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng phổ biến. Câu này chủ ý là hướng đến những đối tượng phổ biến. Và cách đặt vấn đề cũng như nêu vấn đề như thế này cũng rất biện chứng bởi người ta nhìn thấy cái mang tính phổ biến chứ không phải mang tính cá biệt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.