Báo động ô nhiễm không khí: Người trẻ lo sợ muốn bỏ phố về quê

25/09/2019 17:43 GMT+7

Những ngày này tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động, nhiều bạn trẻ bắt đầu lo lắng, hoang mang và muốn bỏ phố về quê vì sợ… chết sớm trong ô nhiễm.

“Lúc đầu khi chứng kiến những lớp sương mù mờ mờ ẩn ẩn ấy, mình cứ ngỡ chắc là mây mù nên còn tức cảnh đọc lại câu thơ của Hàn Mặc Tử: "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai có đậm đà". Nhưng không ngờ đó chính là do ô nhiễm không khí ở mức báo động”, Võ Hoài Nguyên, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, bàng hoàng chia sẻ.

Theo các chuyên gia môi trường, lớp mù sương này không đơn thuần là sương mù bức xạ mà là sự hội tụ từ khói, cát, bụi từ cháy rừng bên Indonesia ngưng kết vào lớp độ ẩm trong không khí cao, hòa cùng khí phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nói cách khác, đây chính là lớp không khí ô nhiễm nghiêm trọng với lượng bụi mịn đo được đã đạt mức 2.5 - mức nguy hại đối với sức khỏe con người.

Chắc bỏ phố về quê

Hoài Nguyên là dân tỉnh lẻ lên TP.HCM học tập, như bao bạn trẻ khác, Hoài Nguyên cũng nuôi ước mơ sẽ thành tài và gắn bó lâu dài với thành phố hiện đại này. Nhưng từ khi nghe được thông tin về mức độ nguy hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, Hoài Nguyên bắt đầu lo sợ.

“Em cảm thấy lo lắng vì đã nghĩ mình còn phải gắn bó lâu dài với thành phố này. Sáng đọc báo thấy mức độ ô nhiễm ngày càng cao đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Bây giờ nhiều căn bệnh nguy hiểm quá, nhẹ thì cũng bệnh mấy hôm, nặng thì tích tụ lâu ngày trong cơ thể gây ra nhiều bệnh ung thư chết người”, Hoài Nguyên chia sẻ.

Cũng theo Nguyên, là con trai nên ít khi chú ý nhiều đến việc đeo khẩu trang khi ra ngoài. “Nhưng từ hôm nay chắc em phải ý thức nhiều hơn về việc bảo vệ sức khỏe, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Là con trai nhưng cũng sẽ đeo khẩu trang, mặt áo khoác và đeo kính mát khi ra đường. Nhưng em nghĩ tốt nhất nếu không có việc gì cần thì chắc sẽ hạn chế ra đường”, anh chàng tâm sự.

Nhiều người trẻ muốn bỏ phố về quê

HOA NỮ

Cũng là dân tỉnh lẻ vào thành phố học, ra trường Nguyễn Ngọc Kim Yến (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) ở lại thành phố để lập nghiệp và hiện tại Yến đã lập gia đình và có một con nhỏ 2 tuổi ở TP.HCM. Chính vì có con nhỏ nên Yến càng lo sợ hơn khi biết tin cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí ở TP.HCM.

“Tối hôm trước mình nói với chồng hay bỏ phố về quê. Làm gì cũng được, miễn sao con mình lớn lên được mạnh khỏe, chứ sống trong môi trường này rồi nhiễm bao nhiêu bệnh tật vào người. Thế rồi chồng mình bảo về quê thì làm gì, công việc của ảnh chỉ phát triển khi ở trong này. Thế là mình nói với chồng hay để mình đưa con về quê sống, tháng chồng chỉ cần gửi về 2 hoặc 3 triệu đồng gì đó thôi cũng được, còn mình tự lo. Chứ không an tâm khi sống ở đây nữa”, Yến chia sẻ.

Rồi Yến nói thêm: “Ngày mới cưới mình cũng đã có ý định là hai vợ chồng về quê, ở trong này khói bụi rồi kẹt xe các kiểu. Mà 'cày' hoài cũng chưa chắc mua được cái nhà ở. Nhưng rồi đồng tiền, công việc cám dỗ rồi 2 đưa cứ chần chừ mãi đến bây giờ, cứ sợ về quê không có nhiều cơ hội công việc như trong này”.

“Không về chắc chết sớm quá”

Khi được hỏi về cảm giác lúc biết tin mức độ nhiễm không khí đang báo động, Nguyễn Thị Thúy Hằng (26 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) buồn bã nói: “Thật sự là buồn rầu và chán thành phố. Muốn về quê mà không về được vì công việc, đam mê và người yêu vẫn còn ở đây. Chấp nhận sống chung thì mua khẩu trang loại lọc bụi, lọc khí tốt nhất mà mang. Nhưng thật lòng không lẽ đeo khẩu trang 24/24”.

Hằng cho biết rất muốn về quê: ‘Vì về quê một cái là hít thở không khí khác liền. Ngày xưa lúc còn học năm 1, năm 2 đại học thì chưa cảm nhận được, giờ thì thấy rõ điều đó rồi. Ra đường chưa được 1 tiếng là đã thấy mũi, da đen ngòm bụi nếu không bịt khẩu trang. Nói thật nếu không có người yêu và đam mê ca hát ở đây thì chắc mình về quê lâu rồi”.

Cũng chính vì thế mà lâu lâu cô nàng lại chọn đi phượt khắp nơi, có lần một mình Hằng đã phượt xe máy xuyên Việt. “Đi để thay khí bớt đó mà, chứ ở đây riết hít toàn không khí ô nhiễm thì sống sao nổi”, cô nàng hài hước chia sẻ.

Ô nhiễm không khí còn do khí phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân

HOA NỮ

Hằng mong mỏi: “Làm sao mà chính quyền có thể di dời đô thị ra bớt vùng ven hoặc các tỉnh lân cận. Rồi hướng nghiệp cho sinh viên bớt chọn thành phố lớn mà hãy vẫy vùng đi học ở nhiều tỉnh lẻ khác. Chứ mỗi năm cả hàng chục ngàn sinh viên đổ về thành phố này, chưa kể lực lượng lao động nữa thì bảo sao mà tải hết cho nổi...”.

Hằng nói thêm: “Mà éo le là nơi nào càng thu hút thì nơi đó càng phát triển, nhiều cơ hội công việc… Còn ở quê thì trường học, cơ sở vật chất, công nghệ cái gì cũng thua kém. Cơ hội việc làm thì ít, nên lại dồn hết vào thành phố”.

Còn Nguyễn Ngọc Hoàng Lan (cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm Huế) thì không một phút chần chừ mà hỏi thẳng người viết: “Bạn có sợ không chứ mình thì ám ảnh luôn với khói bụi của thành phố này. Giờ báo động ô nhiễm nữa, nếu không về quê thì ở đây chắc chết sớm quá. Ngày xưa bon chen theo đứa bạn vào đây lập nghiệp, vào rồi mới thấy cái gì cũng có hai mặt. Chắc lại rủ nó bỏ phố về quê, nuôi cá trông rau sống chắc ổn hơn. Nhưng nghĩ lại về thì phải khởi nghiệp cái gì đó cho ra trò, chứ đi về như đứa thất bại thế kia thì chỉ làm ba mẹ thêm buồn”.

Có thể gây ung thư phổi

Theo bác sĩ Trần Văn Ngọc, nguyên Trưởng khoa Nội phổi Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM, ô nhiễm không khí với bất kỳ mức độ nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuỳ thuộc vào mức độ và thành phần các chất gây ô nhiễm không khí. Cơ quan hô hấp người bình thường có hệ thống biểu mô hoạt động hiệu quả, giúp thanh lọc và đào thải những khói, bụi ra khỏi hệ thống hô hấp. Nhưng nếu tiếp xúc với nồng độ lớn hoặc lâu dài, cơ quan hô hấp sẽ không đào thải hết và niêm mạc hô hấp cũng sẽ bị tổn thương . Trong trường hợp cấp tính sẽ gây cơn hen hay đợt cấp COPD có khi phải nhập viện. Trường hợp tiếp xúc mạn tính sẽ gây viêm phế quản mạn, xơ phổi… thậm chí ung thư phổi nếu các chất gây ung thư có trong thành phần gây ô nhiễm không khí.

“Tốt nhất là tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm đó. Hạn chế ra ngoài đường hay tới vùng ô nhiễm càng nhiều càng tốt nếu có thể. Nếu không thể, thì nên hạn chế hít những khí ô nhiễm bằng đeo khẩu trang có chất lượng lọc được những hạt bụi thật mịn. Những khẩu trang thông thường không thể lọc hết được những hạt bụi mịn kích thước vài micro mét”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.