Bạn trẻ thích thú học cách 'xây dựng thương hiệu cá nhân'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
12/09/2020 16:59 GMT+7

Hàng trăm sinh viên theo dõi buổi toạ đàm trực tuyến 'Xây dựng thương hiệu cá nhân' vô cùng thích thú khi hiểu ra việc xây dưng thương hiệu cá nhân sẽ mang đến nhiều cơ hội trong tuyển dụng, công việc cũng như cuộc sống .

Đây là chương trình toạ đàm trực tuyến "Xây dựng thương hiệu cá nhân" do Ban liên lạc Cựu Sinh viên, CLB Tổ chức sự kiện Tiêu điểm của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức sáng nay 12.9.

Xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ ghế giảng đường

Trả lời cho câu hỏi "thương hiệu cá nhân" là gì, có mặt trong buổi toạ đàm, bà Selena Le - người sáng lập - giám đốc điều hành của WSAFE- Impact Venture Builder, đồng thời là người sáng lập, giám đốc Tổ chức Khí hậu môi trường No Waste Vietnam, cho rằng thương hiệu cá nhân chính là giá trị của bạn trong mắt người khác. Bà Selena Le giải thích rõ hơn: "Nó sẽ gửi một thông điệp nhất quán và rõ ràng rằng bạn là ai, độ tin cậy của bạn và những gì bạn có thể làm được. Nhà tuyển dụng, đối tác, bạn bè hay cá nhân trong các mối quan hệ xã hội của bạn cũng sẽ xem xét vấn đề này trong quá trình ra quyết định hợp tác hay là không".

Sinh viên hãy bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường

Lê Thanh

Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, bà Selana Le chia sẻ xây dựng giá trị bản thân để bản thân có "thương hiệu" thì phải là cả một quá trình dài lâu, nên sinh viên hãy bắt đầu ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, bằng cách nuôi dưỡng đam mê, bồi đắp chuyên môn và kỹ năng để theo đuổi một mục tiêu nhất định. "Nếu là sinh viên năm cuối thì mục tiêu là làm thế nào để tốt nghiệp sẽ kiếm được việc làm ngay, vậy để kiếm được làm ngay thì phải có một giá trị để thu hút nhà tuyển dụng. Còn nếu bạn tốt nghiệp xong muốn khởi nghiệp thì phải xây dựng thương hiệu cá nhân đủ để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để giúp bạn khởi nghiệp... Tôi nghĩ các bạn phải có giá trị cạnh tranh, nằm ở việc bạn có giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ hay không, có kỷ luật và ham học hỏi hay không. Và hãy tìm cho mình một "mentor" (người tư vấn, hướng dẫn) để giúp bạn định vị giá trị của bản thân mình", chị Selena Le đưa ra lời khuyên.
Theo bà Trương Vũ Thùy Loan, một chuyên gia tư vấn nhân sự, cựu sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trong thời đại công nghệ 4.0 này, nếu bạn trẻ không xây dựng cho mình một giá trị để gọi là "thương hiệu cá nhân" thì sẽ khó cạnh tranh và tìm kiếm cơ hội. "Vậy thương hiệu của bạn là gì? Làm thế nào người khác có thể nhận diện ra bạn? Trước tiên, bạn phải xây dựng cho mình một "bộ giá trị", trong đó, ham học hỏi, tinh thần cầu tiến để hướng tới sự xuất sắc hơn, là một trong những yếu tố trong bộ giá trị đó. Thương hiệu của bạn sẽ được hình thành qua nhiều năm từ những việc nhỏ nhất mà các bạn làm ngày hôm qua và hôm nay", bà Loan chia sẻ.
Bà Loan cũng cho rằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân nên được bắt đầu từ ngay khi ngồi lên ghế giảng đường, và những việc nhỏ đó có thể là tính kỷ luật về thời gian, làm những điều tốt đẹp và lan toả nó, kết nối chia sẻ với những người có cùng mối quan tâm và cùng hướng đến giá trị đó.

Có "thương hiệu", bạn sẽ được săn đón?

Tham gia buổi toạ đàm, rất nhiều sinh viên thích thú nêu ra những băn khoăn mong được các diễn giả giải đáp. Chẳng hạn sinh viên Nguyễn Thành Đăng Khoa hỏi: "Lợi ích của việc xây dựng thương hiệu cá nhân là gì?". Sinh viên Hoàng An thắc mắc "Nhiều sinh viên vẫn loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, vậy tụi em phải bắt đầu từ đâu, chuẩn bị những gì?". Trong khi Tô Mai Uyên muốn biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội trong thời đại 4.0 như thế nào...
Bà Lê Trần Quế An, Giám đốc nhân sự, Tập đoàn logistic A.P. Moller-Maersk (chi nhánh Việt Nam), chia sẻ: "Tôi đã từng trải qua một quá trình loay hoay tự hỏi mình là ai, mình như thế nào, mình tìm kiếm cái gì, mình có giá trị gì? Cái gì làm cho mình hào hứng? Và tôi mất 4-5 năm để có được câu trả lời. Vì thế, tôi nghĩ các bạn trẻ cần dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, lắng nghe chính mình và chân thật với chính mình để trả lời những câu hỏi trên. Một khi bạn đã trả lời được, thì bạn sẽ định vị được mình và mọi thứ rất dễ dàng. Trong trường hợp nếu chưa biết mình muốn gì, thích gì, mình có khả năng gì... thì cũng không sao. Lúc đó hãy kiên nhẫn và dám thử nhiều thứ, hãy cứ làm nhiều công việc, trải nghiệm nhiều hoạt động để xem mình thích gì, phù hợp với cài gì, đam mê cái gì. Phải thử, và đừng nên hoang mang. Đồng thời bạn hãy tìm đến một người để cố vấn cho bạn, người đó có thể là giáo viên, sếp của bạn, hoặc một người có kinh nghiệm và trải nghiệm mà bạn cảm thấy tin tưởng".
Theo bà Quế An, khi xây dựng được thương hiệu cá nhân thành công thì bạn trẻ sẽ có sự tin tưởng của người khác, có nhiều cơ hội trong công việc, trong thăng tiến cũng như dễ dàng hơn trong các mối quan hệ xã hội.

Xây dựng được thương hiệu cá nhân, bạn trẻ sẽ có sự tin tưởng của người khác, có nhiều cơ hội trong công việc

Lê Thanh

Trong khi đó, bà Selena Le cho rằng xây dựng thương hiệu cá nhân là công cụ chứ không phải mục đích, nó giống như một chiếc cầu nối các giá trị, giúp cho bạn trẻ thành công hơn. "Khi bạn có thương hiệu cá nhân thì bạn có cơ hội nhiều hơn, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến, được chú ý và biết đến nhiều hơn, bạn sẽ là người có khả năng đứng đầu để đạt mục tiêu cho tập thể", bà Selena Le cho biết.
Về việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, bà Selena Lê nhìn nhận: "Facebook, YouTube... cũng là một kênh thuận tiện và nhanh nhất để bạn trẻ có thể xây dựng hình ảnh. Vì ngày nay khi tìm hiểu ứng viên, thông thường nhà tuyển dụng vẫn vào trang cá nhân của ứng viên để xem. Việc thể hiện của bạn trên mạng xã hội có thể cũng là một yếu tố giúp nhà tuyển dụng đánh giá về bạn, nhìn nhận những ưu khuyết điểm của bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải thể hiện đúng với những gì bạn có, tránh trường hợp đánh bóng, xây dựng giá trị ảo trong khi ngoài đời không đúng như vậy. Dấu ấn bản thân có được dài lâu hay không thì nó phải được xây dựng từ giá trị thật".
Chia sẻ về nội dung này, thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định: "Có không ít sinh viên và bạn trẻ chưa chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân, dù năng lực rất tốt. Ngay cả nhiều bạn đang đi làm cũng xem nhẹ việc xây dựng cho mình một hình ảnh chuyên nghiệp, phù hợp với tố chất, định hướng bản thân. Vì thế, khi đi phỏng vấn tuyển dụng, làm việc với đối tác... không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu các bạn tạo dựng được một thương hiệu cá nhân tốt thì sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình làm việc và thăng tiến của mình".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.