Bàn tay chuyển ngữ cho người khiếm thính

30/03/2017 14:33 GMT+7

Sản phẩm găng tay chuyển ngữ cho người khiếm thính do một sinh viên tại Đà Nẵng chế tạo đã biến ước mơ giao tiếp của người khuyết tật trở thành hiện thực.

Đó là sản phẩm sáng tạo của Lê Ngọc Anh, sinh viên năm thứ 5 ngành kỹ thuật cơ điện tử, Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Sản phẩm đầy tính nhân văn này vừa đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2017 của Đoàn trường ĐH Bách khoa.
Ngọc Anh chủ động tìm đến các câu lạc bộ dạy ngôn ngữ ký hiệu, tiếp xúc trực tiếp với người khiếm thính, nghiên cứu logic chuyển động của bàn tay… Với sự hỗ trợ của các giảng viên khoa cơ khí, Ngọc Anh lên ý tưởng và thực hiện găng tay chuyển ngữ nhận diện cử động bàn tay, sau đó phát ra tiếng nói để những người không biết thủ ngữ vẫn có thể hiểu được...
Có thể hình dung nguyên lý hoạt động của găng tay chuyển ngữ dựa trên sự tích hợp các cảm biến uốn cong bám vào từng ngón tay, do chính Ngọc Anh tự mày mò chế tạo, và cảm biến gia tốc ghi lại tư thế và chuyển động của bàn tay. Sau đó, các dữ liệu này sẽ truyền về vi xử lý Arduino Nano để kiểm tra độ trùng khớp của cử chỉ trong hệ thống ngôn ngữ ký hiệu VN đã xây dựng. Nếu cử chỉ có ý nghĩa, nó sẽ được chuyển thành lời nói và phát qua loa.
“Điều em cảm thấy hài lòng nhất với sản phẩm này, đó là tự mình áp dụng các kiến thức công nghệ để có thể làm ra những công cụ hỗ trợ người khuyết tật với giá thành rẻ, biến ước mơ giao tiếp dễ dàng với cộng đồng của người câm điếc VN trở thành hiện thực chỉ với 300.000 đồng/găng, thay vì phải mua vài triệu đồng từ sản phẩm ngoại nhập”, Ngọc Anh nói.

tin liên quan

Chàng trai ‘tay ngang’ sáng chế thành công robot thông cống
Chỉ học hết cấp 2 và chưa từng qua đào tạo cơ khí nhưng anh Nguyễn Hoàng Nam đã có nhiều sáng chế hữu ích. Nhiều năm đi làm thuê ở TP.HCM, chứng kiến cảnh công nhân chui sâu trong các ống cống thông rác cực nhọc và nguy hại, nên anh có ý tưởng chế tạo robot thông cống.
Hiện tại, găng tay chuyển ngữ của Ngọc Anh vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu để hoàn thiện, như cách chia chế độ hoạt động để có thể nhận diện đủ 27 ký tự chữ cái (thay cho 24 ký tự hiện tại, trừ Z, U, F), hay tăng tốc độ thao tác, cải thiện khả năng lưu trữ…
Đồng hành cùng Ngọc Anh trong quá trình nghiên cứu sản phẩm găng tay chuyển ngữ, TS Nguyễn Danh Ngọc, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho biết: “Sản phẩm găng tay của Ngọc Anh đã thành công ngay từ khâu ý tưởng, sản phẩm thực sự nhân văn góp phần hỗ trợ công cụ giao tiếp cho người câm điếc. Có thể găng tay chuyển ngữ vẫn còn những lỗi nhỏ cần khắc phục, nhưng hy vọng khi hoàn chỉnh, sản phẩm này sẽ được phát triển và hỗ trợ sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ để người khuyết tật VN có thể dễ dàng tiếp cận”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.