Bán nhà vì mê quả vả

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
29/04/2019 07:05 GMT+7

Chàng trai Huế sau thời gian lập nghiệp ở TP.HCM đã trở về quê quyết tâm khởi nghiệp bằng quả vả. Hành trình gian nan với loại quả chát đến nay bắt đầu cho 'quả ngọt'.

Hành trình biến trái vả chát của xứ Huế thành “quả ngọt” là cả một câu chuyện dài của Mai Quốc Bảo. Bảo cũng chính là người đã phát triển thành công các sản phẩm từ quả vả thành trà vả, rượu vả và viên thực phẩm chức năng tiểu đường TĐ FIG chiết xuất từ quả vả.

Sinh ra ở xã Lộc An, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, tuổi thơ của Bảo khá vất vả và bươn chải. Sau 2 năm làm đủ nghề từ xe ôm, phục vụ nhà hàng, dạy kèm... để có tiền nuôi sống bản thân và ôn thi đại học, cuối cùng Bảo cũng đã đậu vào ngành tài chính nhà nước, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Tốt nghiệp ra trường, Bảo bắt đầu khởi nghiệp bằng việc mở một quán ăn Huế tại TP.HCM. Điều kỳ lạ là dù kinh doanh quán ăn nhưng anh luôn trăn trở về một loại trái cây có vị chát, được người Huế sử dụng trong bữa ăn thường ngày là quả vả. Bảo đã tìm tòi nghiên cứu và biết được quả vả có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nên bắt đầu nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp với loại quả này.
“Tôi bắt đầu có ý tưởng và nghĩ đến việc sáng tạo ra loại thức uống từ quả vả. Sau bao lần thất bại, tôi cũng làm ra được sản phẩm trà vả. Để có cơ sở khoa học giúp khách hàng tin tưởng, tôi đã quyết định bán căn nhà để đi tìm các nhà khoa học, đề nghị hợp tác chứng minh tác dụng của quả vả”, Bảo nhớ lại.
Sau 2 năm phối hợp với nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y Dược TP.HCM do GS-TS Huỳnh Ngọc Trinh làm chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu “Khảo sát tác dụng hạ đường huyết và độc tính cấp của cao chiết cồn từ quả vả” đã chứng minh được cao chiết cồn từ quả vả có tác dụng hạ đường huyết và không nguy hại sức khỏe. Đề tài này được đăng trên Tạp chí Y học TP.HCM tập 2 của Hội nghị Khoa học kỹ thuật khoa dược, Trường ĐH Y Dược TP.HCM lần thứ 35 ngày 6.4.2018, trong chuyên đề dược.
Từ kết quả nghiên cứu này, bên cạnh sản phẩm trà vả, Bảo bắt đầu nghiên cứu ra những sản phẩm như viên tiểu đường TĐ FIG, rượu vang Bạch Mã làm từ trái vả... Các sản phẩm đã được Big C, Hoàng Gia... tiếp nhận đưa lên kệ hàng trong chuỗi phân phối khắp cả nước. Hiện tại, sản phẩm TĐ FIG cũng được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, công nhận công bố sản phẩm vào ngày 2.4.2018.
Sau khi có kết quả nghiên cứu, trong túi chỉ còn đúng 500.000 đồng, anh đã đi từ TP.HCM về lại quê hương để bắt đầu lập nghiệp. “Khó khăn thì vẫn còn phía trước, tuy nhiên với những khởi đầu này, tôi vẫn tin tưởng các sản phẩm từ quả vả của Huế sẽ được người tiêu dùng sử dụng”, Bảo nói trong niềm hy vọng.
Cây vả được tài trợ bảo tồn
Ngày 12.4, tại Phú Lộc, Dự án Trường Sơn Xanh (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ - USAID) phối hợp với Công ty TNHH SX TMDV Lộc Mai đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ quả vả, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã”.
Dự án có mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ quả vả, hướng đến mục tiêu tổng thể tạo sinh kế bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học cho 235 hộ dân sống trong vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã, với kinh phí hỗ trợ khoảng 2,2 tỉ đồng. Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí để người dân trồng bảo tồn, phục tráng số lượng cây vả hiện có trong vườn hộ gia đình... Với người dân xứ Huế, quả vả là loại trái cây thân thuộc, có vị chát, được người Huế sử dụng trong bữa ăn nhằm mục đích cân bằng âm dương trong ẩm thực để bảo vệ sức khỏe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.